Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồn dân tộc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồn dân tộc

Đống rơm, ruộng lúa trên đường hoa Nguyễn Huệ năm nay cũng giống như những năm trước – Ảnh: HỮU THẮNG

(TBKTSG Online) – Bạn đọc thân mến, trước hết xin được bắt đầu bằng mong muốn những điều an lành sẽ đến với tất cả chúng ta trong năm Kỷ Sửu 2009 này.

Hôm nay, mùng 1, sau những cuộc gặp gỡ bà con, họ hàng và những lời chúc phúc, từ trưa nay nhiều người bắt đầu hướng đến các điểm vui chơi, giải trí, du lịch. Đường phố nội thành Hà Nội, Sài Gòn bắt đầu vắng vẻ, thay vào đó là những dòng xe chở khách du xuân tỏa ra các tỉnh thành xung quanh.

Trong không khí đó, tôi lại muốn quay về với đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM). Từ hôm nay cho đến hết mùng 3, địa điểm này sẽ tiếp tục nóng. Nó không chỉ thu hút người Sài Gòn mà còn cả khách thập phương.

Xuất hiện từ năm 2004, mỗi năm đường hoa Nguyễn Huệ mang một chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, dù mang chủ đề nào thì người tham quan cũng dễ dàng hiểu được ý đồ của nhà thiết kế là thể hiện một quần thể đậm đà tính dân tộc.

Hình tượng trang trí được yêu thích trên con đường các năm qua chủ yếu là rơm rạ, bông lúa, sông nước, cầu khỉ, xe ngựa, thuyền ghe… Có lẽ ở đây chúng tôi không đề cập đến chuyện trang trí đẹp xấu vì chuyện đó tùy thuộc vào thẩm mỹ của mỗi người. Tôi chỉ nhớ từ khi đường hoa xuất hiện đến nay đã không ít lần nghe bạn đọc thắc mắc “Tại sao cứ muốn thể hiện cái gọi là “đậm đà bản sắc dân tộc” thì lại phải là nhà tranh vách đất, tre nứa rơm rạ…”.

Hiểu được bản tính của dân tộc mình chắc không ai phủ nhận là điều quan trọng. Sử dụng hiệu quả cái hay, hạn chế tối đa cái dở sẽ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh. Thế nào là bản sắc dân tộc, đó là câu chuyện dài và không thể bàn trong khuôn khổ một bài báo ngắn được.

Tuy nhiên, đâu đó quanh đây có không ít hiện tượng hô hào khẩu hiệu chung chung về phát huy tính dân tộc mà thiếu suy nghĩ thấu đáo về vấn đề đó. Và những kiều kêu gọi như vậy tất yếu chỉ dẫn đến những mục tiêu chung chung, và những việc làm vô định hướng lãng phí, vô bổ.

Khi phát triển đô thị người ta hay nói: cần xây dựng một đô thị có kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng bản sắc dân tộc trong đô thị là gì?

Chúng ta cũng hay nghe “phát triển nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc”. Bản sắc ở đây cũng còn mơ hồ. Tôi đã gặp nhiều người và làm thử làm một cuộc phỏng vấn nhanh thì nhận được rất nhiều câu trả lời: “văn nghệ mang tính dân tộc là cải lương, là hát chèo…”. Suy nghĩ như vậy cũng như nghĩ bản sắc dân tộc ở làng quê là đống rơm, cầu khỉ.

Cải lương, hát chèo, nhà lá, cầu khỉ… suy cho cùng chỉ là hình thức thể hiện của một văn hóa sống trong một giai đoạn thời gian nhất định nào đó.

Khi nói về chúng có lẻ nên dùng từ “bảo tồn vốn cổ” thì chính xác hơn là bảo tồn bản sắc. Tôi vẫn nghĩ cái bản sắc, cái hồn dân tộc nằm trong đặc điểm quan hệ giữa thành viên của cộng đồng đó. Nói về làng mạc Việt Nam, khóm tre, mái đình… chỉ là biểu tượng của một lối sống mạnh tính cộng đồng, chứ bản thân mái đình không phải là bản sắc làng mạc.

Tại sao trong tương lai chúng ta không có đường hoa Nguyễn Huệ được trang trí bằng những chất liệu và hình tượng hiện đại nhưng vẫn thể hiện được đặc điểm của con người Việt Nam. Thôi, đó là chuyện dài, chúng ta hãy tiếp tục vui xuân và nếu rảnh rỗi thì nghĩ về bản sắc của mỗi chúng ta, và bản sắc của cộng đồng lớn.

THUẬN HOA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới