Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hơn triệu tỉ đó là sức mua, là việc làm

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã xác nhận ngân quỹ của Chính phủ còn hơn một triệu tỉ đồng gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Đây là số tiền Chính phủ dành cho đầu tư công, nhưng giải ngân không được nên bị tích tụ lại qua nhiều năm.

Ngân sách có dư dả tiền thường đem đến sự an tâm của các quốc gia, nhưng trong trường hợp này của Việt Nam, hơn một triệu tỉ đồng gửi trong kho của Ngân hàng Nhà nước lại là mối lo lớn của cả nền kinh tế.

Cần biết rằng, nguồn gốc hình thành nên hơn một triệu tỉ đồng đó một phần là từ nguồn ngân sách dành cho đầu tư phát triển và phần lớn còn lại là tiền Chính phủ phải đi vay, trong đó nhiều nhất là vay qua phát hành trái phiếu - mỗi năm khoảng 400.000 tỉ đồng.

Mục tiêu đi vay của Chính phủ là để có tiền chi cho đầu tư phát triển. Hãy thử hình dung, nếu hơn một triệu tỉ đồng kia không nằm trong kho của ngân hàng, mà được giải ngân vào các công trình xây dựng hạ tầng như đường sá, bệnh viện, trường học, năng lượng... sẽ lập tức biến thành sức mua khổng lồ để kích thích phát triển kinh tế và hàng trăm ngàn việc làm mới sẽ được tạo ra. Ngoài những tác động tức thời đó, tác động lâu dài về kinh tế - xã hội còn lớn và rộng hơn nhiều. Hãy nhìn vào những tác động lên ngành du lịch và vận tải... khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác mới đây thì sẽ rõ.

Ngược lại, nếu tiền cứ nằm mãi trong kho thì sẽ chẳng bao giờ có thể chuyển hóa thành sức mua, và cũng không tạo thêm được việc làm mới nào và do đó nền kinh tế cũng chẳng có động lực để phát triển - điều mà Việt Nam đang rất cần trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đó là chưa nói đến tiền lãi 0,8% thu được mỗi năm chỉ đủ chi trả từ một phần tư cho đến một phần năm số tiền lãi vay mà Nhà nước phải trả, nên tình trạng này kéo dài càng lâu thì ngân quỹ sẽ càng bị hao hụt.

Điều đáng lo là tình trạng tồn quỹ không mong muốn này không chỉ mới diễn ra, mà đã xuất hiện từ vài năm nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, để giải quyết tình trạng nghẽn giải ngân đầu tư công thì phải sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công. Cụ thể, Luật Đầu tư công hiện hành quy định chỉ khi có tiền mới được lập dự án nên vốn phải nằm trong kho để chờ. Bên cạnh đó còn những vướng mắc khác trong khâu chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng, làm cho thời gian chuẩn bị kéo quá dài nên tiền lại tiếp tục phải nằm chờ.

Những nguyên nhân được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra là không mới. Đây đều là những vướng mắc do quy định luật lệ không phù hợp và hiệu quả giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước có liên quan kém, về nguyên tắc có thể giải quyết rốt ráo chỉ trong thời gian ngắn. Điều khó hiểu ở đây là vì sao những trở ngại liên quan tới luật, quy trình phê duyệt... là điều mà Quốc hội và các cơ quan Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động giải quyết nhanh, nhưng lại để kéo dài từ năm này qua năm khác.

Ngoài ra vẫn còn một nguyên nhân khác được các đại biểu Quốc hội nêu ra là vấn nạn “sợ trách nhiệm” nên không dám làm đang lây lan ngày càng rộng ở cán bộ, công chức. Đây mới là vấn đề nan giải.

2 BÌNH LUẬN

  1. Một điều lạ lùng là, câu chuyện này nói mãi rồi, nhưng vẫn cứ tồn tại dai dẳng. Nghĩa là, ta đang chấp nhận thúc thủ trước khó khăn trở ngại, chứ không tuyên chiến với nó.

  2. Tiền này cũng phải đi vay. Phải trả lãi, trả nợ, kể cả trả giá nhiều thứ khác. Chứ chẳng phải có ai cho không mình đâu. Một trong những cách thức hiệu quả là cần quy ra trách nhiệm vật chất và tinh thần, kể cả trách nhiệm chính trị, cho những ai có liên quan trực tiếp đến việc quản lý và sử dụng nguồn lực quan trọng này của quốc gia. Không thể cứ qua loa, đại khái, vô cảm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới