Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hồng Kông đang đánh mất hình ảnh thiên đường mua sắm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hồng Kông vẫn xoay xở để lấy lại sức hấp dẫn trước đây như một thiên đường bán lẻ toàn cầu kể từ khi thành phố mở cửa trở lại vào năm nay. Nỗ lực bất thành này làm nổi bật những thiệt hại do nhiều năm tự cô lập với bên ngoài để chống chọi đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế trị giá 360 tỉ đô la.

Các cửa hàng bán xa xỉ phẩm ở trung tâm du lịch Chiêm Sa Chủy của Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Số lượng khách quốc tế đến Hồng Kông không còn nhiều như trước năm 2019. Các hạn chế liên quan đến đại dịch trong những năm tiếp theo đã khiến Hồng Kông gần như trở thành khu vực cấm đi lại đối với bên ngoài. Lượng du khách đến thành phố này trong tháng 6 thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm 2018. Hậu quả là chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ của bất kỳ năm nào kể từ 2011.

Bức tranh thương mại của Hồng Kông tương phản rõ rệt so với thập niên trước, khi số lượng khách từ Trung Quốc đại lục ngày càng đông đúc trên đường phố và chen chúc mua sắm ở các cửa hàng bán đồ xa xỉ.

Năm 2018, tổng lượt khách quốc tế đạt 65 triệu, tăng 11% so với năm trước, đưa Hồng Kông trở thành một trong những điểm du lịch nóng nhất trên toàn cầu. Năm đó, Hồng Kông cũng chiếm giữ ngôi vị thành phố có khu bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới khi các thương hiệu quốc tế cạnh tranh để giành được miếng bánh tiêu dùng.

Sức hấp dẫn ngày càng phai nhạt của Hồng Kông như một trung tâm mua sắm là một trong những thách thức mà thuộc địa cũ của Anh phải đối mặt khi tìm cách hồi sinh nền kinh tế và hình ảnh toàn cầu. Lĩnh vực tài chính sôi động một thời của Hồng Kông đang sa thải nhân viên. Trong khi đó, giá thuê văn phòng giảm mạnh sau khi một số doanh nghiệp chuyển sang Singapore. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng khiến đặc khu trưởng Hồng Kông John Lee không thể công du đến nhiều nước ở phương Tây, cản trở khả năng củng cố quan hệ của ông sau khi Hồng Kông ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Ngay cả khi số lượng khách Trung Quốc đại lục tăng đáng kể, họ khó có thể chi tiêu mạnh tay như trước. Giá nhà sụt giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa lúc triển vọng tăng trưởng ảm đạm.

Đồng nhân dân tệ mất giá nhanh chóng cũng khiến Hồng Kông trở thành nơi mua sắm đắt đỏ hơn. Đồng đô la Hồng Kông, được neo giá với đồng bạc xanh, đang giao dịch gần mức mạnh nhất so với nhân dân tệ kể từ năm 2008.

Theo Simon Wong, Chủ tịch Liên đoàn nhà hàng Hồng Kông, nhiều khách du lịch đại lục hiện nay thích các quán cà phê và nhà hàng địa phương, thay vì chi tiền cho những bữa ăn ngon và hàng hóa xa xỉ.

“Trung bình, họ chi khoảng 500 đô la Hồng Kông (64 đô la) một ngày cho thực phẩm trước Covid-19. Bây giờ con số đó giảm gần 50%”, Wong nói.

Trong một dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Hồng Kông đang u ám, truyền thông địa phương đưa tin, một cửa hàng ở trung tâm du lịch Tiêm Sa Chủy gần đây đã được cho thuê với giá thấp hơn 70% so với giá mà tập đoàn hàng xa xỉ Burberry Group trả vào năm 2014. Khách thuê mới nhất là một thương hiệu trang sức Trung Quốc.

“Du khách đang tìm kiếm trải nghiệm, thay vì chỉ mua sắm”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis, nói.

Chi tiêu yếu của du khách có thể gây áp lực nền kinh tế địa phương, vốn đang có dấu hiệu căng thẳng sau khi phục hồi trong quí đầu tiên. Trong tháng này, chính quyền Hồng Kông hạ thấp mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023, và cho biết du lịch và chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm.

Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn kinh tế  Bruegel, nhận định, trừ khi du khách phục hồi về mức trước năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Hồng Kông sẽ chậm lại trong nửa cuối năm.

Chính quyền Hồng Kông đã phát động một loạt chiến dịch trong năm nay nhằm thu hút du khách và cải thiện hình ảnh của thành phố, bao gồm chiến dịch du lịch “Xin chào Hồng Kông”, tặng vé máy bay và đưa các ngôi sao điện ảnh cũng như những người có ảnh hưởng đến Hồng Kông.

Người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông Paul Chan cho biết thành phố cần cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hút du khách. Ông tiết lộ thêm thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện hơn, như chợ đêm và triển lãm.

Những hạn chế về hàng không cũng kìm hãm du lịch. Sân bay Hồng Kông, trước đây là sân bay bận rộn thứ ba thế giới về lượng hành khách quốc tế, đang hoạt động với 60% công suất so với thời điểm trước Covid-19, phần lớn là do thiếu nhân lực. Các khách sạn cũng vẫn chưa phục hồi đầy đủ các dịch vụ như trước đại dịch.

Caspar Tsui, giám đốc Liên đoàn các chủ khách sạn Hồng Kông, cho biết: “Năng lực vận tải và hậu cần đang ảnh hưởng lớn đến số lượng du khách có thể đến và nghỉ qua đêm ở Hồng Kông”.

Khi lượng du khách quốc tế vẫn ở mức thấp, người Hồng Kông lại chọn đi du lịch sang Trung Quốc đại lục, nơi hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, do đồng nhân dân tệ mất giá. Trong tháng 6, có khoảng 5 triệu lượt khách Hồng Kông đến đến Trung Quốc đại lục, bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2018.

“Không đáng để mua sắm ở Hồng Kông”, Crystal Chan, một sinh viên đại học 22 tuổi, người đã đến thăm Thâm Quyến năm lần trong ba tháng qua, nói.

Ngay cả cuộc sống về đêm nổi tiếng thế giới của thành phố Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng. Các quán bar ở các khu thương mại của thành phố chỉ kiếm được doanh thu hàng tháng ở mức 70% của trước đại dịch.

Cliff Wong, nhân viên tại một trường đại học ở Hồng Kông, cho biết trước đây anh thường đến quán bar với bạn bè 4 lần một tuần. Sau khi nhiều bạn bè của anh rời thành phố để tránh các kiểm soát đại dịch và căng thẳng chính trị, Wong chỉ gặp bạn bè ở quán bar trung bình một lần một tuần.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới