Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Huế cân nhắc bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch giảm thuế giá trị giá tăng (VAT) và giảm lãi suất thêm 2% bên ngoài mức giảm 2% đã được nêu ra trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Quốc hội vừa mới thông qua hôm 11-1.

Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chánh Tài

Xem xét phát hành chứng thư bảo lãnh

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xem xét phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch bệnh với giá trị bảo lãnh tương đương 50% vốn vay.

Thông tin trên được đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành đưa ra tại hội thảo “Giải pháp nào để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới”, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại thành phố Huế hôm nay, 14-1.

Cụ thể, ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thông báo một số chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Quốc hội vừa thông qua bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang đóng mức thuế giá trị gia tăng 10%, tức giảm còn còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản..; hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi; bổ sung cho Ngân hàng chính sách xã hội 5.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho vay các đối tượng chính sách.

“Dựa trên gói chính sách mới đó, tỉnh sẽ tham mưu các ban ngành để hỗ trợ giảm thêm 1-2% lãi suất cho doanh nghiệp”, ông Phương nói và cho biết thêm bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cân nhắc phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp bằng 50% giá trị vốn vay.

Theo bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở đang đề xuất hỗ trợ giảm thuế VAT và lãi suất thêm 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi và trả nợ ngoài mức giảm 2% mà Quốc hội vừa mới thông qua, tức nâng mức hỗ trợ giảm thuế VAT và lãi suất lên 4%.

Bà Mai cho biết sở cũng đề xuất tỉnh bổ sung 100 tỉ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Thừa Thiên Huế trong năm nay để nhận được nguồn vốn bổ sung đối ứng lớn hơn từ trung ương, giúp cho vay giải quyết việc làm và cho vay đầu tư trang thiết bị để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, sở đề nghị xem xét phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn (50% giá trị vốn vay) cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng phải khoanh nợ và tất cả tài sản đã được đem thế chấp để vay, vì vậy, không thể vay mới để phục hồi kinh doanh”, bà Mai nói và chia sẻ thêm chứng thư này sẽ được phát hành với điều kiện ngân hàng tiến hành thẩm định và nhận thấy doanh nghiệp có khả năng phục hồi để trả nợ.

Doanh nghiệp cần được giúp sức nhiều hơn

Ghi nhận tại buổi hội thảo, ngoài sự hỗ trợ chung, tỉnh sẽ ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho một số loại hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do đại dịch, đặc biệt là khối du lịch, dịch vụ, lữ hành, lưu trú.

Các đại biểu tham gia chương trình city tour tại Huế khi dịch chưa bùng phát trở lại. Tỉnh Thừa Thiên Huế xem việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phục hồi kinh tế sắp tới. Ảnh: Nguồn Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Ông Phan Quý Phương lưu ý dù đây là khu vực đóng góp không lớn cho ngân sách nhưng hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng chung và cuộc sống ngươi dân vì khi du khách đến Huế, họ sẽ chi tiêu cho nhiều dịch vụ như lưu trú, ăn uống, mua sắm.., giúp tạo ra việc làm.

Góp ý tại hội thảo, tiến sĩ Phan Khoa Cương nhấn mạnh tỉnh cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuổi đổi số, tuyên truyền phòng chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.

Ông đề nghị tổ công tác đặc biệt chú ý phân loại doanh nghiệp theo loại hình để hỗ trợ đúng và phù hợp. Ông ví dụ trong lĩnh vực du lịch, có nhiều loại hình doanh nghiệp như lữ hành, lưu trú, vận chuyển có tính chất và yêu cầu không giống nhau về đội ngũ, trình độ chuyên môn và cách thức tổ chức.

Trong khi đó, đại diện Vietravel tại Huế đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá và phân bổ tỉ trọng hỗ trợ cho vay ưu đãi cho từng nhóm doanh nghiệp với thời hạn cho vay từ 6 tháng đến 3 năm.

Ông cũng đề xuất chính quyền tỉnh quan tâm đến vấn đề tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch bệnh, chẳng hạn đưa ra chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đang thuê tài sản nhà nước và khuyến khích các chủ cho thuê mặt bằng giảm mức tiền cho thuê.

Vietravel đề nghị tỉnh ưu tiên quy hoạch và đầu tư phát triển các sản phẩm mới về du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe vì Huế rất rất có tiềm năng nhờ sở hữu các bãi biển, đầm phá, cảnh quan núi rừng, suối khoáng nóng.

Đại diện Vietravel đánh giá loại hình du lịch này sẽ được du khách chú ý hơn sau dịch bệnh Covid-19 vì có nhiều bệnh nhân Covid-19 chịu các di chứng kéo dài sau khi lành bệnh.

Trong năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa  tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 11.330 tỉ đồng, cao hơn hẳn so với con số hơn 8.000 tỉ trong năm 2019. Kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mức 1,8 tỉ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu cán mốc hơn 1 tỉ đô la.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới