Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Huế và Đà Nẵng hợp tác bảo tồn, phục hồi di tích Hải Vân quan

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan tại đỉnh đèo Hải Vân – nơi đặt di tích vào sáng 19-12.

Một góc di tích Hải Vân Quan, nằm trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: Nhân Tâm

Dự án rộng khoảng 6.500m2 có tổng mức đầu tư hơn 42 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế mỗi bên góp 50% và được thực hiện trong vòng 2 năm.

Cụ thể, toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" đến nền gốc tích thời Nguyễn sẽ được tháo dỡ. Chủ đầu tư sẽ tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" theo các dấu tích nguyên gốc bên cạnh phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ…

Việc phục hồi sẽ được thực hiện tại các tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", các ụ đặt pháo, các chòi quan sát hướng Đông Nam và hướng Tây Bắc…

Chủ đầu tư cũng hạ giải các công trình và các kết cấu xây dựng được xác định không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn trong khu vực; tu bổ đoạn đường nối Hải Vân quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc và phục dựng các công trình khác.

Được biết, di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam).

Trong giai đoạn 1945 - 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... đặc biệt là trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống. Ngày nay, nhiều công trình là dấu tích của các cuộc chiến tranh như lô cốt, tường bao, hào công sự… vẫn còn hiện diện là những đơn nguyên kiến trúc cần xem xét khi tiến hành công tác tu bổ.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng trong phạm vi Hải Vân quan như đài kỷ niệm “Di tích chiến thắng Đồn Nhất”, trạm Vi ba, các ngôi nhà tạm, đường dây cao thế, khu lăng mộ gia đình… sự xuất hiện các công trình kiến trúc mới trong khuôn viên di tích phản ánh tình trạng Hải Vân quan đã chưa được gìn giữ, bảo vệ trong thời gian dài, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục phù hợp để từng bước trả lại những giá trị văn hoá lịch sử công trình.

Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14-4-2017; thuộc hai địa phận là: thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Trong những năm qua, đây là điểm dừng chân và chụp hình của du khách khi đến Đà Nẵng và Huế.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chậm đến mức lạ kỳ. Công trình lịch sử vô giá hàng trăm năm gần như là phế tích. Nay mới được hai địa phương thống nhất phục dựng. Không rõ vai trò của ngành văn hóa – lịch sử trong một thời gian rất dài đã nghiên cứu và làm những gì ?

  2. Lịch sử là nhân chứng/ vật chứng/ căn cứ, chứ không có cát cứ. Di sản Hải vân quan là câu chuyện lớn của quốc gia/ quốc tế, của Bộ VHTT, chứ không riêng gì chỉ của 2 tỉnh thành ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới