Nhà phát triển bất động sản Hưng Thịnh Land, hướng tới doanh thu và lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm nay, đang tiến gần cột mốc niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm sau.
Thị trường mong chờ cổ phiếu “hot”
Hưng Thịnh Land vừa nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, chính thức khởi động lộ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và tiến tới niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào năm 2023.
Cổ phiếu Hưng Thịnh Land tuy chưa lên sàn nhưng “độ nóng” đã tăng đáng kể từ cuối tháng qua. Đặc biệt khi Dragon Capital và VinaCapital hoàn tất góp vốn 103 triệu đô la vào Hưng Thịnh Land, sức hút của doanh nghiệp bất động sản này tăng mạnh. Hưng Thịnh Land sẽ là doanh nghiệp “tỉ đô la” tiếp theo vào nhóm doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn trên sàn.
Đây cũng là thương vụ giao dịch vốn đầu tiên giúp Hưng Thịnh Land tiếp cận đến thị trường vốn quốc tế, tăng khả năng huy động vốn chi phí thấp hơn trong kế hoạch phát triển dài hạn. Còn về phía các quỹ đầu tư, lợi thế được nhắc đến nhiều là tiềm năng tăng trưởng từ quy mô.
VOF, quỹ đầu tư doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam thuộc VinaCapital, nhấn mạnh sau khi hoàn tất niêm yết, Hưng Thịnh Land được kỳ vọng trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba trên HOSE, xếp sau Vinhomes và Novaland. Cơ hội để lọt vào rổ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng không phải là nhỏ.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển dự án đa phân khúc và được thị trường săn đón, Hưng Thịnh Land hiện sở hữu và phát triển 59 dự án đa dạng về loại hình và phân khúc, trong đó 23 dự án đã được bàn giao. Các chỉ số thống kê cho thấy đơn vị này đã đưa ra tổng số hơn 30.000 sản phẩm, phục vụ hơn 100.000 khách hàng, đáp ứng nhu cầu của số đông người mong muốn sở hữu căn nhà đầu tiên.
Trước thềm niêm yết, Hưng Thịnh Land đang đẩy mạnh tái cấu trúc theo chiến lược tổng thể của tập đoàn Hưng Thịnh. Theo đó, công ty này đã và đang nhận chuyển giao toàn bộ mảng phát triển bất động sản nhằm mở rộng quy mô. Tổng tài sản của công ty này tính đến cuối năm 2021 đạt mức 51.393 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2020.
Báo cáo tài chính năm ngoái cũng thể hiện rõ Hưng Thịnh Land đang tiếp tục gia tăng về cả quỹ đất, số lượng lẫn quy mô dự án. Chẳng hạn, hạng mục hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 16.593 tỉ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2020. Đây là giá trị quỹ đất mà Hưng Thịnh Land đang sở hữu tại các dự án như Lavita Thuận An (Bình Dương), Grand Center, Ghềnh Ráng, MerryLand Quy Nhơn (Bình Định), Trường Thọ (TPHCM)… Bên cạnh đó, khoản mục khoản phải thu (ngắn hạn và dài hạn) đạt 16.771 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ, chủ yếu phần tăng lên là để hợp tác đầu tư, mua cổ phần, góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng dự án của công ty.
Duy trì sức mạnh tài chính ổn định
Theo báo cáo tài chính năm 2021, Hưng Thịnh Land tiếp tục mở rộng mạnh mẽ dù điều kiện thị trường bất lợi do đại dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu đạt mức 4.995 tỉ đồng và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đóng góp 40% doanh thu trong năm ngoái chủ yếu là nhờ đẩy mạnh bàn giao hơn 1.000 sản phẩm đến khách hàng.
Không chỉ quy mô mà xét về tính hiệu quả, Hưng Thịnh Land cũng gây ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 4 lần so với cùng kỳ, đạt 1.697 tỉ đồng. Nhờ đó, công ty duy trì biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức gần 54%, còn biên lợi nhuận ròng đạt hơn 34%.
“Số liệu tài chính tính đến cuối năm 2021 thể hiện rõ tiềm lực và đà tăng trưởng của doanh nghiệp. Hưng Thịnh Land nằm trong nhóm đầu các doanh nghiệp bất động sản có biên lợi nhuận cao trên thị trường”, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Bên cạnh việc duy trì kinh doanh hiệu quả, một ưu điểm khác của Hưng Thịnh Land là sức mạnh và độ an toàn tài chính vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này trong thời gian qua vẫn tích cực tích lũy quỹ đất phục vụ cho kế hoạch dài hạn, đồng thời triển khai các dự án quy mô lớn từ quỹ đất sẵn có.
Báo cáo cuối năm ngoái cũng cho thấy chỉ số nợ vay ròng trên tổng tài sản và nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức thấp hơn 0,5 và 1,5 lần, luôn được kiểm soát và đảm bảo các cam kết của công ty với các đối tác cấp tín dụng.
Tổng nợ vay của Hưng Thịnh Land tính đến cuối năm 2021 ở mức 23.622 tỉ đồng, chủ yếu tài trợ bởi các tổ chức tín dụng trong nước. Cơ cấu nợ vay được duy trì 78% là nợ dài hạn, còn lại là nợ ngắn hạn.
Mặc dù vậy, dòng tiền cũng chịu áp lực khi Hưng Thịnh Land tiếp tục mở rộng quy mô. Năm 2021, dòng tiền hoạt động của công ty có giá trị âm hơn 1.000 tỉ đồng, chủ yếu là do con số hàng tồn kho và khoản phải thu tăng lên để chuẩn bị cho dự án mới.
Tuy nhiên, đây chỉ là áp lực trong ngắn hạn, hơn nữa lượng tiền tiền mặt cuối kỳ vẫn đạt hơn 1.800 tỉ đồng, đảm bảo thanh khoản khi cần thiết. Trong năm ngoái, Hưng Thịnh Land trả nợ vay (gốc lãi) và chi phí liên quan khoảng gần 2.800 tỉ đồng, đều là từ nguồn tiền mặt có sẵn và tiền thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Điều này cho thấy Hưng Thịnh Land có khả năng kiểm soát tốt khả năng vay nợ và dòng tiền. Ngoài khả năng kiểm soát chi phí, năng lực tài chính của Hưng Thịnh Land cũng tăng đáng kể trong thời gian qua. Theo đó, vốn điều lệ tăng 74% so với cùng kỳ, còn tổng vốn chủ sở hữu tăng 2,3 lần so với cùng kỳ, lên mức 15.313 tỉ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, số liệu cập nhật cho thấy Hưng Thịnh Land vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Theo đó, có hơn 2.000 sản phẩm với tổng giá trị hơn 10.000 tỉ đồng được thị trường đón nhận. Dự kiến trong năm nay, công ty ghi nhận 10.500 tỉ đồng doanh thu và 3.375 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả kinh doanh dự kiến tăng gấp đôi so với năm ngoái, đây sẽ là “chất xúc tác” quan trọng khi Hưng Thịnh Land chính thức lên sàn niêm yết trong năm sau.