Thứ Ba, 15/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hướng đến nền giáo dục 2.0

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hướng đến nền giáo dục 2.0

Hoàng Việt

Hướng đến nền giáo dục 2.0
Giáo dục 2.0 là nơi sách vở, giáo trình được thay thế bằng các nội dung tương tác điện tử.

(TBVTSG) - Trong vòng 10 năm trở lại đây, có một khái niệm mới được nhắc đến trong ngành đào tạo ở Việt Nam, đó là nền giáo dục 2.0. Trên thực tế, nhiều chính phủ ở các quốc gia lân cận đã xem đây là một chiến lược phát triển. Các nhà quản lý chuyên ngành coi đây là phương tiện hỗ trợ cải tổ giáo dục, còn các nhà công nghệ coi quá trình điện tử hóa nền giáo dục là một thị trường lớn, một cơ hội đầu tư về cả phần cứng lẫn phần mềm và các chương trình ứng dụng. Ở Việt Nam, nhiều tổ chức và doanh nghiệp cũng nhận định sản phẩm của nền giáo dục mới này sẽ thích ứng với nhu cầu tuyển dụng của họ hơn lớp người đã được đào tạo trước đó.

Tại buổi tọa đàm “Công nghệ thông tin – Cải cách đào tạo đại học” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2013) hồi tháng 6 ở Hà Nội, chủ đề hình thành mô hình đại học 2.0 đã được đặt ra. Đây là mô hình đại học số hóa, không chỉ nhằm thay đổi phương thức dạy và học, phương pháp tiếp cận kiến thức và đưa tri thức vào áp dụng trong thực tế mà còn là phương tiện để cải tổ giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, đã chia sẻ rằng công nghệ thông tin là nền tảng của một phương thức phát triển mới, do đó nó phải đóng vai trò nền tảng lâu dài trong việc phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới.

Khắc phục những điểm hạn chế của giáo dục truyền thống

Trên thực tế chúng ta có thể đi tắt đón đầu với việc hình thành thế hệ 2.0 ở cấp giáo dục bậc cao. Nhưng ở hầu hết các nước, sự thành công của đại học 2.0 phụ thuộc vào nền giáo dục 2.0, nơi tích hợp nền tảng công nghệ thông tin vào nền tảng giáo dục hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải tiến hành đầu tư cải tổ giáo dục để công nghệ thông tin có thể tích hợp vào đó một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, không ranh giới và không gượng ép. Canada là nước điển hình có nhiều trường đại học 2.0 qua mặt cả Mỹ, và nay họ tiến đến nền giáo dục cộng đồng 2.0 cho tất cả mọi cấp và mọi loại trường. Hàn Quốc vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lề lối giáo dục thi cử hơn cả ở Việt Nam, nay quyết tâm tiến nhanh lên giáo dục 2.0 và kể từ năm 2015 sách giáo khoa ở mọi cấp sẽ được thay thế bằng giáo trình điện tử.

Một lớp học 2.0 nơi thầy và trò cùng phát triển nội dung học tập.

Việc đưa công nghệ thông tin vào giáo dục là một quá trình tất yếu. Tùy theo điều kiện ở mỗi nước vào từng giai đoạn mà nền giáo dục ở đó nhắm đến cấp độ 1.0, 2.0 hay 3.0. Giáo dục 1.0 được định nghĩa là nền giáo dục lấy thi cử làm chính (essentialist-based curriculum). Nó kế thừa truyền thống giáo dục có trước thời kỳ áp dụng công nghệ thông tin, với các môn học căn bản như toán, lý, hóa, khoa học tự nhiên, văn học, lịch sử hay ngoại ngữ là đối tượng thi cử để lấy bằng cấp. Người thầy là trung tâm của lớp học với sự trợ giúp của công nghệ tra cứu từ Internet. Nội dung học và mức độ quan trọng của môn học được quyết định bởi các nhà quản lý giáo dục. Hệ lụy là nền giáo dục 1.0 ngày nay không bắt kịp với mặt bằng giáo dục chung của thế giới, không quan tâm đến nhu cầu phát triển của học viên, không đáp ứng đòi hỏi của công việc sau này và chưa kéo học sinh-sinh viên ra khỏi thói quen thụ động trong việc học tập, nghiên cứu, sáng tạo cũng như sau này trong việc đảm nhận chức vụ ở các tổ chức hay công ty.

Từ những điểm hạn chế và khiếm khuyết của nền giáo dục 1.0 mà hình thức giáo dục 2.0 nhanh chóng được hình thành. Về mặt bản chất, đó là nền giáo dục tương tác (interactive) giữa thầy và trò, giữa trò với nhau, giữa trò với tổ chức, nhà máy hay công ty, và cuối cùng là giữa ngành đào tạo với doanh nghiệp. Không phải nhà giáo dục quyết định môn học mà chính là nhu cầu thực tế của xã hội. Cũng không phải thầy giáo quyết định các nội dung trong một giáo trình cố định mà chúng được phát sinh trong quá trình làm việc giữa thầy và trò và với xã hội để đưa vào đó các chất liệu học tập thông qua nền tảng kết nối và tương tác của công nghệ thông tin. Học viên được đánh giá hay ghi điểm tùy vào trình độ của nội dung mà họ phát triển ra và vào phương cách mà họ cộng tác trong nhóm làm việc để sản sinh ra nội dung đó. Từ đây học sinh hay sinh viên hình thành thói quen chủ động, khả năng sáng tạo và phong cách làm việc theo nhóm, chính là ba nhân tố tích cực giúp họ vào đời.

Hình thành nền giáo dục tương tác

Trào lưu hình thành nền giáo dục 2.0 khởi đầu từ hơn 10 năm trước khi các công ty công nghệ như Google, Wikipedia, WordPress tạo điều kiện cho thầy và trò tham gia đóng góp, khám phá hay trả lời những vấn đề ngay trong lớp học. Học sinh có thể khám phá các kim tự tháp ở Ai Cập nhờ vào Google Maps, tìm thông tin cập nhật về các vấn đề hay sự kiện trên Wiki và chia sẻ những trang nhật ký điện tử (blog) trên mạng xã hội riêng. Việc dạy và học đã thay đổi. Lớp học đã vượt ra khỏi bức tường để vươn tới các kho tri thức tập thể như thư viện điện tử, các thực tế xã hội như hoạt động doanh nghiệp hay nhu cầu phát triển khu phố, bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên và từ đó đặt những mối quan hệ mới. Internet mang lại cho nền giáo dục những kho tàng tài nguyên mới, những thư viện được bổ sung mỗi giây mỗi phút. Một bộ phận giáo dục đã vượt khỏi trường lớp để đến với Internet nhờ vào công cụ chia sẻ và cộng tác trong môi trường Web 2.0.

Tại một lớp đại học 2.0 ngành y.

Giáo dục 2.0 không phải là phương pháp học như giáo dục từ xa (e-learning) và nó cũng không cần thoát ly khỏi trường lớp, trái lại đưa công nghệ thông tin tích hợp vào mọi hoạt động của nhà trường. Đó là một nền tảng giáo dục toàn diện để phát triển một xã hội tương tác. Đầu tư cho nền giáo dục 2.0 trước hết là đầu tư cho trường lớp và cho những con người tại đó, từ học sinh đến thầy giáo, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản trị bằng hệ thống công nghệ tương tác, về cả phần cứng lẫn phần mềm. Những khoản đầu tư đó không nhỏ và phải triển khai theo một lộ trình thời gian cũng như chất liệu. Hàn Quốc đã huy động ngay chính các công ty công nghệ trong nước để cung cấp chất liệu, từ trang thiết bị đến các phần mềm ứng dụng cho quá trình đổi mới triệt để nền giáo dục.

Ở các nước có nền giáo dục không mang tính tập trung như Mỹ, nơi mà các tổ chức giáo dục phải cạnh tranh quyết liệt về chất lượng, thì cuộc chuyển đổi giáo dục có thể bắt đầu từ bậc đại học. Hệ thống đại học 1.0 dường như đã kết thúc và đang được thay thế bằng hệ thống đại học 2.0 (University 2.0), bao gồm cả loại hình đại học ảo VU 2.0 (Virtual University 2.0). Ở nhiều trường đại học danh tiếng người ta đang tiến lên hình thành cơ cấu đại học 3.0 nhằm phát huy tính năng sáng tạo của phương thức giáo dục kiến tạo (constructivist), hình thành những đội ngũ chuyên viên siêu hạng.

Với các nền tảng đại học tương tác (2.0) và đại học sáng tạo (3.0), các tổ chức giáo dục không còn lệ thuộc về tài chính vào ngân sách quốc gia. Đại học trở thành một đơn vị kinh doanh mà học viên là những khách hàng trong khi các tổ chức nhà nước hay các doanh nghiệp nơi thu nhận sản phẩm giáo dục, bao gồm cả con người và các giải pháp hay những công trình nghiên cứu sáng tạo, lại chính là những cổ đông. Ngành giáo dục chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn, một môi trường ứng dụng có hiệu quả các sản phẩm công nghệ thông tin và cũng là một thị trường cạnh tranh của ngành công nghệ này.

____________________________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Đề xuất giáo dục đại học 2.0: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2013/06/de-xuat-giao-duc-dai-hoc-2-0-1/

- Schools are doing Education 1.0; talking about doing Education 2.0; when they should be planning Education 3.0: http://usergeneratededucation.wordpress.com/2013/03/22/schools-are-doing-education-1-0-talking-about-doing-education-2-0-when-they-should-be-planning-education-3-0/

- Education 2.0 – Social Networking and Education: http://blog.socialcast.com/education-2-0-social-networking-and-education/

- Toward University 2.0: A space where academic education meets corporate training: https://research.uni-sofia.bg/bitstream/10506/136/1/Nikolov-IPROF09-v2.pdf

WB hỗ trợ việc học trực tuyến miễn phí

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đầu tư vào  trang web Coursera.org, vốn được xem là một trường đại học trực tuyến miễn phí. Trang web này do một số giáo sư trường Đại học Stanford (Mỹ) thiết lập và hoạt động từ tháng 4-2012 nhằm quảng bá và tiến hành các chương trình giáo dục đại học trực tuyến miễn phí.

Khởi đầu với khoản kinh phí hỗ trợ 22 triệu đô la Mỹ, nay Coursera sắp sửa nhận thêm 43 triệu đô la từ các cá nhân và tổ chức tài trợ, nổi bật nhất là IFC của WB và doanh nhân Nga Yuri Milner. Được tiếp sức về tài chính, Coursera có thể nghĩ đến những chương trình giáo dục trực tuyến quy mô lớn và chuyên sâu hơn. Hoạt động giảng dạy hiện nay đã mở rộng ra bốn đại lục, với 83 trường đại học hàng đầu ở khắp nơi đang sẵn sàng nhập cuộc.

Theo tính toán của các nhà sáng lập Coursera, với nguồn vốn đầu tư sắp nhận được, họ sẽ đưa chương trình giáo dục trực tuyến miễn phí ra ngoài nước Mỹ và phát triển một mạng lưới đối tác tại nhiều nơi trên thế giới. Trong thời gian vừa qua, Coursera đã tổ chức được 400 khóa học cấp đại học miễn phí, với 4 triệu sinh viên theo học tại các giảng đường ảo.

Những thành công bước đầu của tổ chức học tập mới này sẽ là tiền đề cho một loại hình giáo dục quốc tế ít tốn kém nhưng hiệu quả, bảo đảm cho sinh viên tốt nghiệp một năng lực vững vàng trong đời sống.

An Yên (BBC)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới