Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hyundai phát triển xe tự hành thám hiểm Mặt trăng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tập đoàn ô tô Hyundai của Hàn Quốc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực không gian với chương trình phát triển xe tự hành thám hiểm Mặt trăng dự kiến triển khai vào năm 2027.

Hình ảnh đồ họa máy tính của xe tự hành thám hiểm Mặt trăng Rover mà Hyundai đang phát triển. Ảnh: Yonhap

Trong thông báo đưa ra hôm 20-4, Hyundai cho biết đang triển một mô hình xe thám hiểm Mặt trăng, có tên gọi Rover, với sự hỗ trợ từ các tổ chức nghiên cứu của nhà nước.

Hồi tháng 7-2022, tập đoàn đã ký thỏa thuận hợp tác với sáu viện nghiên cứu của Hàn Quốc để thành lập một cơ quan cố vấn phát triển giải pháp di động cho hoạt động thăm dò bề mặt của Mặt Trăng. Cơ quan này gồm Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc (KASI), Viện Nghiên cứu Điện tử và viễn thông (ETRI), Viện Công nghệ xây dựng và kỹ thuật dân Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), Viện Nghiên cứu năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) ) và Viện Công nghệ ô tô Hàn Quốc (KATECH).

Từ mô hình ban đầu, Hyundai sẽ nâng cấp công nghệ để có thể có thể triển khai Rover đáp xuống cực nam của Mặt trăng vào năm 2027. Rover sẽ thực hiện các sứ mệnh khoa học như phân tích môi trường, thu thập mẫu vật khoáng sản.

Theo Hyundai, Rover là phương tiện tự hành nhỏ gọn, nặng khoảng 70kg, được trang bị tấm pin năng lượng mặt trời để tự sạc điện.

“Ngoài ra, các công nghệ như quản lý nhiệt, thiết bị che chắn bức xạ và bánh xe truyền động bằng kim loại chịu được môi trường khắc nghiệt trên bề mặt Mặt trăng, nơi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể hơn 300 độ C, cũng sẽ được phát triển”, thông báo của Hyundai cho hay.

Rover sẽ được trang bị các công nghệ sạc pin năng lượng mặt trời, tự lái và điều khiển tự động tiên tiến của Hyundai và Kia, hãng xe liên kết của tập đoàn này.

Hyundai dự kiến sản xuất mô hình Rover sớm nhất là vào nửa cuối năm 2024. Sau đó, tập đoàn ô tô này sẽ thử nghiệm năng lực thực hiện sứ mệnh của Rover trong một môi trường giả lập tương tự như bề mặt của Mặt trăng.

Rover sẽ hoạt động như một nền tảng di động, với phần thân bên trên được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến để đào, thu thập mẫu vật và thăm dò bề mặt của Mặt trăng để tìm tài nguyên khoáng sản.

“Mục tiêu của Tập đoàn ô tô Hyundai là góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của con người và phạm vi trải nghiệm di chuyển của con người. Việc tạo ra mô hình di động thám hiểm Mặt trăng không chỉ phản ánh mục tiêu này mà còn cho thấy tham vọng của chúng tôi nhằm đạt được kết quả hữu hình khi đối mặt với những thách thức lớn”, Kim Yong-wha, Phó chủ tịch điều hành của Hyundai và Kia, nói

Hyundai các công ty con của tập đoàn này không chỉ quan tâm đến ô tô. Tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2022 ở Las Vegas (Mỹ), Hyundai đã thuyết trình một tương lai tràn ngập robot, nhấn mạnh tính di động của mọi thứ.

Năm 2021, Huyndai đã mua lại 80% cổ phần của Boston Dynamics, công ty chế tạo robot của Mỹ, dựa trên mức định giá 1,1 tỉ đô la. Với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn về robot, Boston Dynamics, nổi tiếng với sản phẩm robot chó, dự kiến sẽ hỗ trợ Hyundai trong việc phát triển và hoàn thiện Rover.

Hyundai không phải là hãng ô tô duy nhất dấn vào lĩnh vực không gian. Tại Nhật Bản, hai hãng xe Toyota và Honda đang hợp tác với Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để phát triển tàu thăm dò Lunar Cruiser mà các phi hành gia có thể điều khiển trên Mặt trăng. Lunar Cruiser dự kiến sẽ được phóng lên Mặt trăng vào cuối thập niên nay.

Nissan, một hãng xe khác của Nhật Bản, cũng đang hợp tác với JAXA để phát triển xe thám hiểm Mặt trăng.

Chương trình không gian của Hàn Quốc đã đạt được một số cột mốc quan trọng vào năm 2022, bao gồm vụ phóng thành công phi thuyền Danuri hoạt động ở quỹ đạo của Mặt trăng. Trong khi đó, JAXA đã gặp phải một số trở ngại, bao gồm vụ phóng tên lửa H3 thất bại hồi tháng 3 năm nay.

Hàn Quốc đang tăng tốc cuộc đua chinh phục vũ trụ sau khi phóng thử nghiệm tên lửa ba tầng Nuri do nước này tự sản xuất vào năm 2021. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu hạ cánh tàu thăm dò trên Mặt trăng vào năm 2032 để tìm kiếm khoáng sản, sau đó, đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa vào năm 2045.

Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc xác định các vật liệu như titan, bạch kim và khoáng sản đất hiếm nằm trong số những tài nguyên mà Hàn Quốc cần có khả năng khai thác độc lập trong các sứ mệnh không gian do tầm quan trọng của chúng đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Theo Korea Times, Korea Hereald

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới