Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

IEA: Điện mặt trời sẽ vượt điện than vào năm 2027

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơn bùng nổ đầu tư điện mặt trời sau khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy công suất năng lượng tái tạo vượt qua năng lượng than vào đầu năm 2025. Và đến năm 2027, chỉ riêng công suất điện mặt trời cũng sẽ vượt mặt điện than, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

IEA dự báo công suất điện mặt trời sẽ vượt điện than vào năm 2027. Ảnh: Getty

Báo cáo của IEA công bố hôm 6-12 nhận định, trong 5 năm tới, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng trưởng tương đương hai thập niên qua trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và khủng hoảng khí hậu buộc các chính phủ chạy đua giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

IEA dự báo triển vọng năng lượng xanh sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn cung điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. Công suất điện mặt trời toàn cầu sẽ tăng gần gấp ba lần trong 5 năm tới và công suất điện gió toàn cầu cũng tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian đó. Đến năm 2027, công suất điện mặt trời được dự báo sẽ vượt điện than.

Báo cáo của IEA cho biết: “Điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trong vòng 5 năm tới”.

Theo IEA, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu hiện dự kiến tăng thêm 2.400 GW trong giai đoạn 2022 -2027, tương đương với toàn bộ công suất phát điện của Trung Quốc hiện nay. Mức dự báo mới nhất cao hơn 30% so với dự báo mà IEA đưa ra một năm trước.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nói: “Năng lượng tái tạo vốn đã mở rộng nhanh chóng và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đưa năng lượng sạch vào một giai đoạn đặc biệt với tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các nước tìm cách bảo đảm các lợi ích an ninh năng lượng”.

Theo ông Birol, đây là một ví dụ rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể tạo ra một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Ông cho rằng đà phát triển tăng tốc của năng lượng tái tạo là rất quan trọng để giúp duy trì khả năng hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giá tăng vọt của hầu hết các nguồn năng lượng, bao gồm dầu thô, khí đốt và than đá, đã thổi bùng lạm phát trên toàn thế giới và làm nổi bật sự phụ thuộc quá mức trước đây của châu Âu vào dầu khí nhập khẩu từ Nga.

Theo báo cáo của IEA, cuộc chiến ở Ukraine là “khoảnh khắc quyết định đối với năng lượng tái tạo ở châu Âu”, nơi các chính phủ và doanh nghiệp đang chạy đua tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, có nghĩa là khối này sẽ loại bỏ dần 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Theo các nhà phân tích, dòng khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn đến châu Âu hiện chỉ vận hành ở mức 20% công suất trước chiến tranh.

Báo cáo của IEA nhận định: “Công suất điện tái tạo được bổ sung ở châu Âu trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cao gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước đó do sự kết hợp giữa các mối lo ngại về an ninh năng lượng và tham vọng khí hậu”.

Fatih Birol cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các nước không chỉ tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu khí hậu, mà còn để bảo đảm an ninh năng lượng. Ngoài ra, đối với nhiều nước, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo bên ngoài Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng.

Các tuốc-bin từ trang trại điện gió Roth Rock nằm cạnh một nhà máy chế biến than ở Oakland, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: Getty

Các cải cách chính sách và thị trường ở Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo. Theo IEA, Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu mới được bổ sung từ năm 2022 đến 2027.

IEA cho rằng Mỹ và Ấn Độ sẽ dẫn đầu nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất điện mặt trời, làm giảm sự thống trị của Trung Quốc. Đầu tư sản xuất thiết bị mặt trời của hai nước này dự kiến sẽ đạt gần 25 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2022-2027, tăng gấp 7 lần so với 5 năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn là “tay chơi thống trị”, chiếm 75% thị phần sản xuất thiết bị điện mặt trời vào năm 2027 so với 90% hiện nay.

Birol ghi nhận có một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới để giành vị trí dẫn đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của công nghệ sạch, dù đó là điện mặt trời, điện gió, pin hay xe điện. Việc gấp rút thay thế nguồn cung dầu khí từ Nga và các chương trình phát triển năng lượng tái tạo trong nước đã dẫn đến các ưu đãi và trợ cấp cho ngành này ở Trung Quốc tăng lên đáng kể.

Trong năm nay, Mỹ đã ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 369 tỉ đô la, bao gồm các ưu đãi dành sản xuất điện mặt trời với 10 tỉ đô la được phân bổ cho các khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch nói chung và 27 tỉ đô la dành cho một “ngân hàng xanh” để hỗ trợ các dự án năng lượng sạch trong cộng đồng.

Theo CNN, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới