IMF: Châu Á cần đầu tư vào xã hội để duy trì tăng trưởng
Phúc Minh
![]() |
Ông John Lipsky, phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cho rằng các nền kinh tế châu Á muốn duy trì sự tăng trưởng lâu dài cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi tiêu công cộng xã hội. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Các nền kinh tế châu Á muốn duy trì sự tăng trưởng lâu dài cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi tiêu công cộng xã hội, theo phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), John Lipsky.
Nửa cuối năm 2008, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II, các chính phủ đã đưa ra những biện pháp kích thích giúp các nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. Châu Á là khu vực đầu tiên thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Lipsky cho biết khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến dân số nghèo tại khu vực châu Á tăng lên hơn 10 triệu người. Với các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực này, một sự bất ổn nhỏ cũng đặt ra thách thức lớn cho những người nghèo.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào tháng 2-2010, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo cũng dự đoán vào cuối năm 2010, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ khiến số người nghèo tại 23 nước đang phát triển tại khu vực châu Á tăng lên 25 triệu người.
Theo ông Lipsky, hai khoản đầu tư trên không chỉ nâng cao tiềm năng sản xuất mà còn giúp các nền kinh tế châu Á vượt qua đói nghèo.
Nhà phân tích kinh tế cấp cao của trang web Moody's Economy, Tu Packard, cho rằng các nền kinh tế châu Á chủ yếu dựa vào ngành sản xuất có mật độ lao động dày đặc, tập trung đầu tư vào lĩnh vực phúc lợi xã hội là một lựa chọn tốt.
Ông Packard nói: “Tôi nghĩ rằng châu Á nên tiếp tục thông qua các chương trình phúc lợi xã hội để giúp người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Kinh tế châu Á phụ thuộc vào lực lượng lao động, do đó đòi hỏi phải phát triển kinh tế lành mạnh và giáo dục tốt lực lượng lao động. Điều này nghĩa là các nước châu Á cần tập trung vào việc cung cấp phúc lợi xã hội cho người dân như dịch vụ giáo dục và bảo hiểm y tế”.
Tại châu Á, vấn đề đói nghèo tại nông thôn rất rõ, tạo nên khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Một cuộc khảo sát cho thấy nếu một chính phủ đầu tư thích đáng vào lĩnh vực phúc lợi công cộng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, sẽ giảm thiểu được sự lo lắng của người dân trong việc giáo dục trẻ em và chăm sóc y tế, như vậy, tiêu dùng tại nền kinh tế này sẽ tăng lên ít nhất 3%.
Giám đốc bộ phận phân tích Đông Á của cơ quan tình báo toàn cầu trụ sở tại bang Texas (Mỹ), Rodger Baker, cho rằng với các nước châu Á, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội là thực sự cần thiết. Với một số nước, tăng đầu tư vào giáo dục quan trọng hơn ổn định dân số. Ông Baker nhấn mạnh duy trì tăng trưởng lâu dài và tăng cường thương mại trong nội bộ khu vực rất quan trọng với các nền kinh tế châu Á.
Ông Baker nói: “Khi nghiên cứu kinh tế khu vực châu Á, một vấn đề rất quan trọng được đặt ra là khu vực này rất đa dạng. Từ góc độ lịch sử, nhiều nước châu Á rất chú trọng đến xuất khẩu, không có cơ hội hoặc không đặt chú ý vào sự phát triển thiết thực thương mại trong nội bộ khu vực. Chúng ta biết rằng Trung Quốc cũng đang chuyển trọng điểm sang phát triển thương mại trong nội bộ khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc… đang thực hiện như thế. Sự phát triển thương mại trong nội bộ khu vực rất đáng thực hiện để giúp các nước châu Á duy trì sự tăng trưởng lâu dài”.
Ông Lipsky trích dẫn số liệu của ADB cho biết trong 10 năm tới, các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 8.000 tỉ đô la Mỹ.
(theo VOA)