(KTSG Online) – Nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng trung bình chỉ 3% hàng năm trong 5 năm tới, thấp nhất kể từ năm 1990, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nguyên nhân chính là do các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như lực lượng lao động toàn cầu tăng trưởng chậm lại và tình trạng phân mảnh địa chính trị gia tăng.
- IMF cảnh báo Trung Quốc đối mặt tăng trưởng trì trệ nếu không tăng tốc cải cách
- IMF: Châu Á tổn thất lớn nhất nếu thương mại toàn cầu bị phân mảnh
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, công bố hôm 11-4, IMF nhận định kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3% trong năm 2024, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1.
IMF cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt mức trung bình 3% mỗi năm trong 5 năm tới. Đây là mức dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trung hạn thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
“Trong trung hạn, nền kinh tế thế giới sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19”, báo cáo của IMF cho hay.
Theo IMF, triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn là do các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc giảm tốc trong dài hạn. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi tăng trưởng lao động toàn cầu chậm lại và tình trạng phân mảnh địa chính trị gia tăng do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine, Brexit và căng thẳng Mỹ-Trung.
IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và khu vực sử dụng đồng euro tăng trưởng 0,8%. Tuy nhiên, kinh tế Anh sẽ suy giảm 0,3%. GDP của Trung Quốc dự kiến tăng 5,2% trong năm 2023 và con số này của Ấn Độ là 5,9%. Sau khi suy giảm hơn 2% trong năm ngoái, nền kinh tế Nga được dự báo tăng trưởng 0,7% trong năm nay.
IMF dự báo lạm phát toàn cầu tăng 7% trong năm nay, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, dù giảm so với mức tăng 8,7% vào năm 2022. Tốc độ lạm phát chậm lại là nhờ xu hướng giá cả hàng hóa suy giảm và tác động của làn sóng tăng lãi suất trên thế giới. Tuy nhiên, IMF lưu ý, đối với hầu hết các nước, tốc độ tăng giá cả vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương của họ cho đến năm 2025.
“Chúng tôi nhận thấy lạm phát dai dẳng hơn, khó kiểm soát hơn”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nói.
IMF cho biết các dự báo trên dựa trên giả định rằng những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực tài chính được kiềm chế.
Ba ngân hàng của Mỹ bao gồm Silicon Valley Bank (SVB) và ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) sụp đổ vào tháng trước, gây ra bất ổn và cuộc khủng hoảng niềm tin ở hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu. Sau đó, các cơ quan quản lý đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn rủi ro lây lan. Căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, dù lắng dịu trong những tuần gần đây, đang khiến bức tranh tổng thể của kinh tế toàn cầu trở nên u tối hơn.
“Căng thẳng ngân hàng hiện được kiểm soát, nhưng chúng tôi lo ngại điều này khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu nghiêm trọng nếu điều kiện tài chính xấu đi đáng kể. Điều đáng lo ngại hơn là chính sách thắt chặt tiền tệ trong 12 tháng qua của các nước trên toàn cầu bắt đầu gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với lĩnh vực tài chính”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas nói.
Nếu một cú sốc tài chính nghiêm trọng xảy ra, điều mà IMF cho rằng có xác suất 15%, tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm xuống dưới tốc độ tăng dân số và dẫn đến suy thoái toàn cầu.
Theo IMF, rủi ro “hạ cánh cứng”, tức tăng trưởng suy giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp cao, đang nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển nếu lạm phát dai dẳng, buộc họ phải duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài và làm tăng rủi ro tài chính. Lo ngại về bất ổn tài chính cũng gây khó khăn hơn cho nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương khi họ tìm cách dập tắt lạm phát nhưng đồng thời phải duy trì tăng trưởng và sức khỏe của hệ thống ngân hàng, IMF nhận định.
IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương làm mọi thứ có thể để đánh bại lạm phát nếu các thị trường vẫn duy trì ổn định như hiện tại. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn riêng với Financial Times, Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cảnh báo các ngân hàng yếu kém có thể chịu sức ép lớn hơn nữa nếu các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Theo ước tính của Fed, gần 9% trong số các ngân hàng ở Mỹ có tài sản từ 10-300 tỉ đô la, sẽ không đáp ứng được các yêu cầu về vốn nếu họ hiện thực hóa khoản lỗ trên sổ sách ở danh mục đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định, bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ, thay vì giữ đến ngày đáo hạn.
Theo CNBC, Bloomberg, Financial Times
IMF/ WB… và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác, nhiều khi cứ phán như sách. Dự báo này nọ, nhưng không phản ánh hết sự phức tạp của tình hình. Giai đoạn hiện nay đừng kỳ vọng vào tăng trưởng. Vấn đề trung tâm là ổn định lòng tin, củng cố nền tảng thị trường tài chính – ngân hàng, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là ngăn chặn nguồn gốc gây nên lạm phát cao. Lạm phát và bất ổn hiện tại chủ yếu xuất phát từ các trung tâm tài chính Âu – Mỹ gây ra. Thế giới đang phát triển thì đang phải lãnh đủ hậu quả khốc liệt. Vậy nên các tổ chức tài chính quốc tế phải nhanh chóng hành động, đúng hướng, đúng trọng tâm để cứu vãn tình hình.