Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IMF và WB hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

TP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,8%, và ở mức 6,9% trong năm 2024. Đây là dự báo mới nhất vừa được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới. Trong khi đó, dự báo của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tháng 3-2023 là tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam ở mức 6,3%.

Như vậy, dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam của hai định chế tài chính hàng đầu thế giới đều có sự thay đổi theo hướng giảm xuống so với dự báo trước đó. Vào cuối 2022, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 6,2%, còn mức dự báo của WB là 6,7%. Nguyên nhân, theo WB là do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

Công nhân làm việc tại một nhà máy Ảnh: THÀNH HOA.

Trước đó, trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) được công bố vào đầu năm 2023, đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2023, trong đó ở kịch bản tích cực, GDP tăng trưởng 6,83%. Ở kịch bản thấp hơn, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%.

Tuy nhiên, dù điều chỉnh dự báo tăng trưởng của năm nay chỉ còn 6,3% lần này nhưng theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Ở một diễn tiến khác, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng vừa công bố báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) trong trung tuần tháng 4, thông qua khảo sát các doanh nghiệp châu Âu với kết quả, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đã có một số cải thiện nhất định nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng.

Theo báo cáo BCI, một điểm đáng khích lệ là triển vọng môi trường kinh doanh năm 2023 đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện đáng mong đợi. Cụ thể, số người lạc quan về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào triển vọng kinh tế. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với một phần ba số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của chính phủ Việt Nam đối với việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện.

Trong quí 1-2023, chỉ số đo lường tâm lý kinh doanh của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là 48 điểm, chỉ số này giữ nguyên so với cuối năm 2022.

Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, trong bối cảnh hiện nay, điểm số không giảm là dấu hiệu của sự tiến bộ. Còn thời gian tới, những thay đổi đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, tính thanh khoản trên thị trường vốn đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây là dấu hiệu để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới