Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia cấm xuất khẩu quặng bauxite từ giữa năm tới

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kể từ giữa năm tới, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu bauxite, loại quặng để sản xuất nhôm. Đây là động thái mới nhất của Indonesia nhằm thúc đẩy hoạt động chế biến ở trong nước đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của mình.

Một mỏ bauxite của công ty khai khoáng nhà nước PT Aneka Tambang ở Sanggau, tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Antam

“Bắt đầu từ tháng 6-2023, chính phủ sẽ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu quặng bauxite và sẽ thúc đẩy phát triển bauxite đã qua chế biến trong nước”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trong một thông báo chính sách ở dinh tổng thống tại Jakarta hôm 21-12.

Ông nhấn mạnh chính phủ Indonesia cam kết tiếp tục xây dựng chủ quyền trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và gia tăng giá trị cho các sản phẩm trong nước nhằm tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, tăng doanh thu và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế đồng đều.

Ông Widodo kỳ vọng lệnh cấm này sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu bauxite của đất nước từ khoảng 21 ngàn tỉ rupiah (1,35 tỉ đô la Mỹ) lên ít nhất 62 ngàn tỉ rupiah (gần 4 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Indonesia là nhà sản xuất bauxite lớn thứ sáu thế giới và có trữ lượng quặng bauxite lớn thứ năm thế giới.

Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, trong nhiều năm, hầu hết quặng bauxite khai thác ở Indonesia được bán sang các nước khác như Trung Quốc và Úc, rồi sau đó Indonesia phải mua các sản phẩm tinh chế từ bauxite từ các nước này.

Ông Hartarto cho biết hiện có bốn nhà máy chế biến quặng bauxite ở Indonesia với tổng công suất 4,3 triệu tấn alumina (hợp chất chứa nhôm). Indonesia chuẩn bị xây dựng một số cơ sở chế biến khác để tăng gấp đôi công suất đó. Ông Hartarto nói thêm rằng trữ lượng bauxite của Indonesia ước tính đủ để hỗ trợ sản xuất alumina trong 90-100 năm.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang theo đuổi các chính sách được thiết kế để tạo việc làm và doanh thu bằng cách chế biến nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn ở trong nước, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô ra nước ngoài. Trong tháng này, Tổng thống Widodo nói rằng Indonesia sẽ không đi theo mô hình kinh tế mở hoàn toàn mà ông cho là đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nước Mỹ Latinh trong nhiều thập niên.

Trong thông báo hôm 21-12, ông cũng cảnh báo về khả năng sẽ có thêm nhiều lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô nữa được triển khai trong năm 2023.

Phản ứng trước thông tin trên, vào lúc 2h50 chiều nay, theo giờ Singapore, giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 0,7%, lên mức 2.390 đô la Mỹ/tấn. Kim loại này được sử dụng trong mọi thứ, từ lon nước giải khát đến máy bay và tủ lạnh.

Yi Zhu, nhà phân tích cấp cao về kim loại và khai khoáng của Bloomberg Intelligence, nhận định lệnh cấm xuất khẩu quặng bauxite của Indonesia có thể đẩy giá loại quặng này lên cao trong ngắn hạn do tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Bà cho biết nguồn cung bauxite từ Indonesia chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu bauxite của Trung Quốc trong năm nay tính đến tháng 10. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang tăng cường mua quặng bauxite từ Guinea, một đất nước ở Tây Phi, tác động của lệnh cấm xuất khẩu quặng bauxite của Indonesia đối với ngành nhôm ở Trung Quốc có thể chỉ ở mức thấp.

Trước đây, chính phủ Indonesia cũng đã cảnh báo về khả năng cấm xuất khẩu tinh quặng đồng. Lệnh cấm này, nếu được thực hiện, có thể ảnh hưởng đến thị trường đồng toàn cầu đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn về nguồn cung khi tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra nhanh chóng.

Đồng là kim loại thiết yếu đối với các các dự án điện gió, điện mặt trời và mạng lưới trạm sạc xe điện. Indonesia đã giành lại quyền kiểm soát Grasberg, mỏ đồng lớn thứ hai thế giới, ở tỉnh Trung Papua từ các tập đoàn khai khoáng quốc tế bao gồm Freeport-McMoRan (Mỹ) vào năm 2018.

Indonesia từng tạm dừng xuất khẩu quặng bauxite trước đây. Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đối với quặng này vào năm 2014 đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc vì Indonesia chiếm đến 2/3 nguồn cung bauxite nước ngoài của Trung Quốc vào thời điểm đó. Các nhà máy luyện kim của Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đầu tư mạnh vào việc đa dạng hóa nguồn cung bauxite của họ, đặc biệt là ở Guinea.

Jakarta cũng đã cấm xuất khẩu quặng nickel kể từ đầu năm 2020 và điều này đã thúc đẩy công ty luyện kim Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ để thiết lập hoạt động chế biến quặng nickel trên các đảo Sulawesi và Halmahera của Indonesia, nơi họ đã xây dựng các nhà máy tinh chế, lò luyện kim và một trường đào tạo trong lĩnh vực luyện kim.

Nickel là thành phần thiết yếu trong thép không gỉ và pin xe điện. Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới.

Widodo cho biết lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel đã góp phần nâng giá trị xuất khẩu các sản phẩm tinh chế liên quan đến nickel của Indonesia lên 20,9 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái từ 1,1 tỉ đô la vào năm 2014, khi Indonesia chỉ xuất khẩu quặng thô nickel. Ông dự báo doanh thu xuất khẩu nickel của Indonesia có thể tăng lên 30 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel đã vấp phải sự phản đối của các nước nhập khẩu khác. Tháng trước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết kết luận lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Phán quyết được đưa ra sau đơn khiếu nại của Liên minh châu Âu (EU). Jakarta đang kháng cáo phán quyết này.

Jayanta Roy, Phó chủ tịch cấp cao của ICRA, chi nhánh ở Ấn Độ của Moody's Investors, cho rằng lệnh cấm xuất khẩu quặg bauxite của Indonesia không có khả năng gây ra bất kỳ tác động lớn nào đối với thị trường vì Indonesia sản xuất chưa đến 5% nguồn cung bauxite toàn cầu vào năm ngoái.

Ông nói: “Sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bởi các nhà sản xuất bauxite lớn khác như Úc và Guinea”. Ông cũng cho biết thêm rằng triển vọng nhu cầu toàn cầu không thuận lợi đối với kim loại màu cũng sẽ hạn chế tác động từ động thái cấm xuất khẩu quặng bauxite của Indonesia.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới