Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia đối mặt khủng hoảng nợ sau cơn bùng nổ xây dựng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty xây dựng và phát triển bất động sản ở Indonesia đang “đau đầu” tìm cách xử lý những khoản nợ chồng chất, sau khi chạy đua xây dựng các dự án lớn trong những năm qua. Bối cảnh lãi suất cao và lạm phát tăng đặt họ vào cuộc khủng hoảng nợ tiềm tàng.

Xe cộ lưu thông trên tuyến đường cao tốc thu phí Trans-Java ở đảo Java, Indonesia. Công ty xây dựng nhà nước Waskita Karya, chủ đầu tư của tuyến đường này, đang gánh khoản nợ 62 nghìn tỉ rupiah (gần 4,1 tỉ đô la Mỹ) vào cuối quí 3-2022. Ảnh: Getty

 Căng thẳng tài chính khi lãi suất tăng

Trải dài trên hòn đảo Java của Indonesia, tuyến đường cao tốc thu phí Trans- Java dài 1.167 km là một phần trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joko Widodo nhằm đưa thúc đẩy tăng trưởng của đất nước.

Dự án này cùng các khoản đầu tư lớn khác được các nhà xây dựng và phát triển bất động sản lớn nhất Indonesia triển khai trong thập niên qua. Nhưng nhiều công ty trong số đó sử dụng đòn bẩy tài chính cao và đang chịu áp lực lớn khi hạn trả nợ đến gần.

Bốn công ty xây dựng hàng đầu của đất nước, gồm Waskita Karya thuộc sở hữu nhà nước và là nhà thầu chính và của tuyến đường thu phí Trans-Java, chứng kiến tổng nợ của họ tăng hơn 12 lần lên khoảng 130 nghìn tỉ rupiah (8,6 tỉ đô la Mỹ) kể từ khi ông Widodo  lên nắm quyền tổng thống. Dù đã tái cơ cấu các khoản vay ngân hàng trị giá 29 nghìn tỉ rupiah (1,9 tỉ đô la) vào năm 2021, Waskita Karya vẫn kêu gọi chính phủ rót thêm vốn. Các công ty phát triển bất động sản tư nhân cũng đang xoay sở trả các khoản nợ chồng chất đúng lúc lãi suất tăng và nhu cầu mua nhà giảm.

Tình trạng căng thẳng tài chính của họ gợi nhớ các vụ vỡ nợ lớn của những công ty phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc và Hàn Quốc hồi năm ngoái. Một số nhà phân tích cảnh báo có thể chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tình trạng căng thẳng tài chính lan rộng hơn nữa giữa các công ty ở Indonesia, tạo ra thêm một điểm nóng tiềm tàng khác về căng thẳng nợ ở châu Á.

John Teja, Chủ tịch Công ty Ciptadana Sekuritas Asia, nói: “Câu chuyện nợ tích lũy của các công ty xây dựng ở Indonesia tương tự như những gì đã xảy ra ở các nước châu Á khác, chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Chính phủ Indonesia cần phải hành động trong năm nay nếu không vấn đề có thể lan sang các lĩnh vực khác”.

Khủng hoảng nợ đang rình rập Waskita Karya. Công ty này có 2,3 nghìn tỉ rupiah nợ trái phiếu trong nước đáo hạn vào cuối tháng này và 2,4 nghìn tỉ rupiah nợ trái phiếu khác đáo hạn vào tháng 5-2024, theo dữ liệu của Bloomberg.

Khi được hỏi về tình hình nợ nần chồng chất của công ty, Destiawan Soewardjono, Chủ tịch Waskita Karya, nói: “Tôi đang tìm kiếm nguồn tài chính dài hạn từ nước ngoài để có thêm thời gian sắp xếp lại tài chính của mình”.

Waskita Karya đang tìm cách khởi động lại kế hoạch phát hành quyền mua cổ phiếu trị giá 3 nghìn tỉ rupiah cho chính phủ vào giữa năm nay. Đồng thời, công ty sẽ xem xét thỏa thuận tái tái cấu trúc nợ với các ngân hàng và tìm kiếm các quan hệ đối tác chiến lược đối với tài sản đường thu phí nhằm cải thiện tính thanh khoản và cắt giảm gánh nặng nợ nần.

“Chúng tôi đang thúc đẩy tái cấu trúc cơ bản đối với Waskita Karya”, Kartika Wirjoatmodjo, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước, nói khi được hỏi về vấn đề nợ nần của Waskita Karya.

Bất động sản dân cư cũng lao đao

Waskita Karya phải cạnh tranh với một số công ty xây dựng nhà nước khác để giành được các hợp đồng xây dựng và vận hành các dự án đầu tư công gồm hạ tầng như đập thủy điện và đường sắt trị giá hàng nghìn tỉ rupiah.

Các khoản nợ dài hạn của Waskita Karya đạt mức cao nhất lịch sử là 62 nghìn tỉ rupiah vào cuối quí 3-2022 và chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi trái phiếu và các khoản vay, cao hơn gấp ba lần lợi nhuận gộp của công ty này

Các nghĩa vụ nợ phình to đã đẩy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Waskita Karya lên 440 lần, so với 42 lần của Semen Indonesia, nhà sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia và 37 lần của Chandra Asri Petrochemical, một trong những nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất ở Đông Nam Á.

Tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Pefindo của Indonesia hạ bậc tín nhiệm nợ của Waskita Karya xuống BBB- từ BBB và đưa công ty vào diện theo dõi để hạ bậc thêm.

Teddy Hariyanto, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại Mandiri Sekuritas, nói: “Dù gần đây, Waskita Karya bị hạ tín nhiệm và điều kiện kinh doanh ngày càng xấu đi, nhưng tôi không nghĩ chính phủ sẽ để công ty này phá sản. Với quy mô khổng lồ, sự sụp đổ của nó có thể gây ra rủi ro lây lan đáng kể”.

Waskita Karya không phải là công ty duy nhất đối mặt với khó khăn tài chính. Hồi tháng 12, nhà phát triển bất động sản Kawasan Industri Jababeka, đang điều hành một tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở phía đông Jakarta, đã trải qua cuộc đàm phán căng thẳng với các trái chủ nắm giữ trái phiếu đô la của công ty để gia hạn nợ đến năm 2027, thay vì đáo hạn trong năm nay.

Các nhà phát triển bất động sản dân cư của Indoneia cũng đang “đau đầu” xử lý nợ nần, Theo Hasira De Silva, một giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, các công ty như Lippo Karawaci và Agung Podomoro đang gánh khoản nợ đáng kể nhưng doanh số bán nhà suy yếu trong bối cảnh lãi suất và lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Hồi hồi đầu tháng này, Lippo Karawaci đã mua lại trái phiếu đô la đáo hạn vào năm 2025 và 2026 sau khi rơi vào tình trạng căng thẳng nợ. Giá cổ phiếu của công ty này giảm đến 79% trong 5 năm qua.

Ting Meng, nhà chiến lược tín dụng cấp cao tại Ngân hàng ANZ, cho rằng lĩnh vực bất động sản dân cư của Indonesia đang đối mặt với căng thẳng tín dụng.

“Thị trường bất động sản Indonesia và Việt Nam là những rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở châu Á”, Meng nói.

Ngay cả khi Waskita Karya có thể có thêm dòng tiền thông qua một đợt phát hành quyền mua cổ phiếu vào cuối năm nay, một số nhà quan sát thị trường cho rằng đó chỉ là biện pháp “cầm máu” tạm thời

Năm ngoái, công ty này ban đầu tìm cách huy động 7 nghìn tỉ rupiah, bao gồm 3 nghìn tỉ rupiah đến từ chính phủ. Kế hoạch này bị gác lại sau khi giá cổ phiếu của công ty giảm 29% trong quí 4.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới