(KTSG Online) - Hơn 100 chuyên gia, trí thức tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức trực thuộc chính phủ, và tổ chức phi chính phủ đã cùng làm việc và thảo luận trong hai ngày về các giải pháp kết nối những tài năng, những ý tưởng sáng tạo và chính sách phát triển bền vững cho Việt Nam trong những thập kỷ tới.
- Chủ tịch AVSE Global: Phát triển bền vững là một con đường rất dài và khó khăn
- Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học hội tụ vì một Việt Nam toàn cầu và phát triển bền vững
- AVSE Global mở hội nghị kết nối ý tưởng và chính sách cho phát triển bền vững

Hội nghị “One Global Vietnam” nêu trên là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tới Pháp, do Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức trong hai ngày 4 và 5-11.
“One Global Vietnam” được tổ chức tại Paris với bốn phiên trao đổi tại chỗ và trực tuyến xen kẽ, với các chủ đề kết nối: Kết nối tương lai - Kết nối đối tác - Kết nối đổi mới sáng tạo và Kết nối nhân tài. Sự kiện đã thực sự trở thành điểm hẹn cho chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng gặp gỡ, suy nghĩ, đóng góp ý tưởng xây dự ng kế hoạch và hành động vì một Việt Nam toàn cầu phát triển thịnh vượng (trong tầm nhìn 2045), đóng góp tích cực và trách nhiệm vào thúc đẩy một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.

Sau lễ khai mạc, đã diễn ra phiên thảo luận đầu tiên “Kết nối tương lai 'bình thường mới' tầm nhìn 2025: Thách thức lớn hơn, Ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho phát triển” được điều phối bởi TS. Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ và Giám đốc điều hành Consessor AG, Thụy Sĩ. Diễn giả chính là các chuyên gia hàng đầu như nguyên Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Bertrand Badré; GS. Bodil Steen Rasmussen, Bệnh viện Đại học Aalborg và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch, gây mê châu Âu, Đan Mạch; TS. Joe Ravetz, đồng Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Khả năng phục hồi đô thị, Đại học Manchester, Vương quốc Anh…
Các diễn giả và các đại biểu tham dự diễn đàn đã cùng thảo luận những vấn đề thời sự hiện nay như: Ứng phó với Covid-19 bằng khoa học và phối hợp chính sách trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau; Góc nhìn chăm sóc tích cực (ICU) thu được từ thực địa và hướng về tương lai: Bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19; Đại dịch 3.0 - Từ khủng hoảng đến biến đổi - Khám phá thử thách Covid-19; Tài chính có cứu vãn được thế giới?
Ông Philipp Röslerđặt vấn đề về các ưu tiên của chính sách tạo ra sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.Theo ông, giai đoạn hậu Covid-19, hướng giải quyết không chỉ là nghĩ về các giải pháp công nghệ và sáng tạo, mà là các giải pháp mang tính xã hội và cộng đồng. Covid-19 diễn ra không chỉ riêng một vùng, một quốc gia, mà ở khắp nơi. Do vậy, điều chúng ta cần là sự hợp tác ở mọi cấp độ.
Đề cập đến vấn đề phát triển bền vững, TS. Philipp Rösler cho rằng phát triển bền vững không phải là một câu hỏi đơn giản. Làm thế nào để tiếp cận, để thực hiện là những câu hỏi luôn phải xuất hiện đầu tiên.
Ở góc độ tài chính, ông Bertrand Badré, Giám đốc điều hành và Sáng lập viên Quỹ đầu tư “Blue like an Orange Sustainable Capital”, nguyên Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), đặt vấn đề liệu tài chính có cứu vãn được thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu?
Theo ông, hệ thống tài chính là giá trị sống của người dân, làm sao để người dân vận dụng tài chính vào đời sống hằng ngày. Từ nhà đầu tư đến người dân, nhà nước điều chỉnh hệ thống tài chính cho vào đời sống của mọi người để nâng cao giá trị sống.

Nói về chương trình huy động vốn đầu tư và tài chính năng lượng sạch tại Việt Nam, bà Cecilia Tam, Giám đốc Chương trình Tài chính năng lượng sạch và huy động đầu tư OECD, cho biết ngân sách cho Việt Nam để tái tạo đến năm 2040 là 12,8 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay, việc cho vay xanh (cho vay để đầu tư tái tạo) tăng, nhưng chỉ chiếm 4% trong tổng cho vay. Theo bà Cecilia Tam, khả năng phát hành trái phiếu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan và Philipines nhưng đây có thể là giải pháp để mở khóa trong tương lai.
Ở một phiên thảo luận khác, GS. Martin Fransman, tác giả cuốn sách “Innovation Ecosystems – Increasing Competitiveness”, cho rằng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như một động lực cần thiết cho tăng trưởng và bền vững. Theo ông, Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn, với hướng đi đang bám theo những gì đã tuyên bố trong hội nghị COP26 được tổ chức vài ngày trước. Đơn cử, các dịch vụ trực tuyến đang có những bước tiến khá lớn, đặc biệt sau đại dịch. Vấn đề là làm sao có thể có một sự phát triển đổi mới sáng tạo bền vững, tạo ra hệ sinh thái sáng tạo và tiềm năng.
Với mong muốn thúc đẩy kết nối nhân tài đóng góp về cho quê hương đất nước nhiều hơn, BS. Đinh Xuân Anh Tuấn – thành viên Nhóm phản ứng nhanh ứng phó với Covid-19 trong AVSE Global ghi nhận nỗ lực của các thành viên thuộc AVSE Global. Theo ông, đây là cơ hội quan trọng để thúc đẩy trao đổi với chuyên gia ở nước ngoài, trong đó, có những chuyên gia gốc Việt. Đây cũng là nỗ lực quan trọng, làm cho sự trao đổi và kết nối giữa những người có cùng mối quan tâm chung đưa khoa học vào chống dịch bệnh nói riêng và tăng cường hiểu biết về y tế trên thế giới nói chung.
Ông hoan nghênh Chính phủ Việt Nam ngày càng khuyến khích sự đóng góp của người Việt sống tại nước ngoài, và chia sẻ niềm hy vọng chính phủ tạo điều kiện nhiều hơn cho các chuyên gia trẻ tuổi đó ra nước ngoài học tập, làm việc hoặc ở nước ngoài về nước nhiều hơn để thúc đẩy trao đổi khoa học.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng 5,3 triệu người Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước. Bộ trưởng đánh giá cao sự hình thành mạng lưới các chuyên gia tại nước ngoài, qua đó giúp trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng phó với đại dịch, đóng góp cho Việt Nam.