Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kẹt vốn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kẹt vốn!

(TBKTSG) – Khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất ở chỗ Việt Nam không nên cho phép mở thêm ngân hàng trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, ngay cả ở những ngân hàng đã có hồ sơ nộp tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cổ đông lớn hiện không còn mặn mà với việc góp vốn kinh doanh ngành ngân hàng một khi đồng vốn của họ bị chôn cứng.

Theo những thông tin mà TBKTSG có được, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Hồng Việt (tên gọi mới của Ngân hàng Petro Vietnam) thời gian tới sẽ phải trình lại cho NHNN bộ hồ sơ xin cấp phép thành lập bởi một số cổ đông của họ (bao gồm cả cổ đông sáng lập) đã có văn bản gửi tới Ban trù bị thành lập ngân hàng xin tạm rút vốn góp thành lập ngân hàng từ trung tuần tháng 6.

Hai cái tên cổ đông sáng lập được nhắc đến trong việc rút vốn ở Ngân hàng Hồng Việt là Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Đầu tư và Tài chính IPA. Số vốn góp của hai cổ đông này là 13% (tương đương 650 tỉ đồng) trong tổng số 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ của Hồng Việt. Đó là chưa kể đến một cổ đông nhỏ khác là Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) cũng xin rút 1,75% vốn góp.

Việc rút vốn này, theo văn bản của những người trong cuộc gửi tới Ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt là do đã sáu tháng tính từ ngày ngân hàng này được chấp nhận về nguyên tắc và họ bắt đầu chuyển tiền góp vốn đến nay, các cổ đông vẫn chưa có thông tin chính thức nào về thời hạn cấp giấy phép chính thức cho ngân hàng hoạt động.

Sự chờ đợi khiến số vốn góp lên đến hàng trăm tỉ đồng buộc phải gửi tại một ngân hàng TMCP trong sáu tháng, làm cho các cổ đông nản lòng, nhất là trong điều kiện kinh doanh nói chung, đặc biệt là kinh doanh ngân hàng đang khó như hiện tại.

Văn bản của HPG giải thích: “Trong điều kiện thị trường tài chính tiền tệ gặp nhiều khó khăn, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng liên tục và ở mức cao như hiện nay, số vốn tồn đọng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi”. Tính sơ, với 400 tỉ đồng vốn góp (tương đương 8% tỷ lệ sở hữu ở Ngân hàng Hồng Việt), nếu tính mức lãi suất gửi tiết kiệm thấp nhất chỉ là 17,5% cho kỳ hạn từ 1-9 tháng thì ước tính mỗi tháng cũng mất gần 6 tỉ.

Thiệt hại này sẽ nhân đôi vì doanh nghiệp không những không sử dụng được đồng vốn của mình, còn phải đi vay vốn của ngân hàng để kinh doanh, với lãi suất cho vay (cũng tính ở mức thấp nhất) ở mức 20%/năm, tức là mất thêm một số tiền trả lãi suất chừng hơn 6 tỉ nữa.

Để rút được vốn, các cổ đông cũng dùng Luật các tổ chức tín dụng để gây sức ép tới Ban trù bị thành lập Ngân hàng. Họ nói rằng, theo luật này, phần vốn pháp định thành lập ngân hàng chỉ phải gửi vào tài khoản phong tỏa tại NHNN trước khi ngân hàng đi vào hoạt động tối thiểu là 30 ngày (điều 28). Nhưng việc thành lập ngân hàng, theo quy định của NHNN lại chịu sự điều chỉnh của Quyết định 24, tức là phần vốn góp phải được “khóa ngay vào một ngân hàng thương mại khác ngay từ thời điểm được chấp nhận về nguyên tắc”.

Ngân hàng Hồng Việt chỉ là một trong bảy hồ sơ ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc và là một trong 25 ngân hàng TMCP nộp đơn xin thành lập từ năm 2006 đến nay. Hiện nay Việt Nam đã có tổng cộng 93 ngân hàng trong nước, ngoài nước và liên doanh, chưa kể 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân.

Bên cạnh đó, ở NHNN còn tồn 33 hồ sơ xin thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đang chờ cấp phép, song song với việc chờ đợi của 23/25 ngân hàng TMCP nêu trên (do hai ngân hàng Liên Việt và Tiên Phong đã được phép hoạt động). Có lẽ NHNN cần xác định rõ chính sách tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng kèm theo lộ trình dự kiến để giải quyết tình hình kẹt vốn nói trên.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới