Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khai khoáng dưới đáy biển đe dọa đàn cá ngừ ở Thái Bình Dương

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu sẽ đẩy đàn cá ngừ vào một khu vực biển ở Thái Bình Dương, nơi mà các công ty dự kiến tiến hành các hoạt động khai thác khoáng sản ở biển sâu. Theo phân tích của họ, các đám bụi đá trầm tích, các kim loại độc hại, chất thải, ánh sáng và tiếng ồn trong hoạt động khai khoáng sẽ gây tổn hại đến đàn cá ngừ.

Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo ngành đánh bắt cá ngừ trị giá 5,5 tỉ đô la mỗi năm ở Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai khoáng dưới đáy biển trong tương lai. Ảnh: ISSF

Trong một bài báo nghiên cứu đã được bình duyệt xuất bản trên tạp chí Nature npj Ocean Sustainability hôm 11-7, các nhà khoa học đã phân tích các mô hình khí hậu để dự đoán rằng vào giữa thế kỷ này, sinh khối của các loài cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng sẽ tăng trung bình 21% ở Clarion-Clipperton Zone, một khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương nằm giữ giữa Hawaii (Mỹ) và Mexico, nơi được nhắm mục tiêu để khai thác các kim loại có giá trị.

Sinh khối (biomass) của cá ngừ được tính bằng cách lấy số lượng đàn cá nhân lên với trọng lượng trung bình của mỗi con cá.

Bài báo cho biết: “Sự chồng chéo dự kiến giữa sinh khối cá ngừ và khu vực khai thác khoáng sản dưới đáy biển cho thấy rủi ro xảy ra xung đột và tác động về môi trường và kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn trong một đại dương chịu tác động của biến đổi khí hậu”.

Bài báo dựa trên nghiên cứu trước đây dự báo nhiệt độ đại dương tăng sẽ khiến cá ngừ di cư về phía đông đến điểm cuối của khu vực Clarion-Clipperton Zone, nơi hoạt động khai khoáng có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động khai khoáng, nếu được tiến hành ở đây, có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp cá ngừ Thái Bình Dương trị giá 5,5 tỉ đô la Mỹ theo nhiều cách.

Các công ty khai khoáng có kế hoạch đưa những robot khổng lồ xuống đáy đại dương ở độ sâu 4.000 mét, để hút các nốt sần đa kim, những tảng đá có kích thước bằng củ khoai tây, chứa nhiều quặng cobalt, nickel và các kim loại khác. Hoạt động đó sẽ tạo các đám bụi đá trầm tích lan rộng dưới đáy biển. Sau khi các nốt sần được vận chuyển lên bề mặt và được xử lý, một lượng chất thải khai thác khác sẽ được thải trở lại đại dương.

“Điều đó có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thở và ăn của cá ngừ cũng như những con mồi là thức ăn của chúng, làm tăng nồng độ hormone gây căng thẳng của chúng cũng như gây ra những hậu quả khác”,  Diva Amon, tác giả chính của bài báo nghiên cứu và là nhà khoa học biển sâu của Đại học California ở Santa Barbara, nói.

Sức khỏe của cá ngừ cũng có thể bị tổn hại do các kim loại độc hại được giải phóng trong quá trình khai thác khoáng sản dưới đáy biển. Trong khi đó, tiếng ồn và ánh sáng từ các hoạt động khai thác suốt ngày đêm có thể ảnh hưởng đến mô hình sinh sản và di cư của chúng.

Nghiên cứu được công bố giữa lúc Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA), tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tiến hành một cuộc họp quan trọng tuần này ở Jamaica để quyết định liệu có nên xúc tiến kế hoạch khai khoáng dưới biển sâu hay không.

ISA đang soạn thảo các quy định có thể cho phép các hoạt động khai khoáng dưới đáy biển khởi động ngay sau năm 2024 tại Khu vực Clarion-Clipperton Zone. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nước trong số 167 nước thành viên của ISA và Liên minh châu Âu kêu gọi lệnh cấm hoặc tạm dừng kế hoạch khai khoáng dưới đáy biển. Hôm 11-7, Liên minh cá ngừ toàn cầu, một tổ chức của các nhà bán lẻ và công ty trong chuỗi cung ứng cá ngừ, đã cùng với sáu tổ chức khác đại diện cho ngành thủy sản khác kêu gọi tạm dừng kế hoạch này.

Các nhà khoa học cho biết những phát hiện của họ nhấn mạnh sự cần thiết để ISA xem xét các tác động tiềm ẩn đối với ngành công nghiệp cá ngừ. ISA hiện không yêu cầu các công ty khai khoáng tính đến những tác động đó và không đưa những điều này vào kế hoạch quản lý môi trường khu vực của tổ chức này.

ISA vẫn chưa ban hành các quy định quản lý độ sâu xả chất thải khai khoáng. Bài báo nghiên cứu lưu ý, cá ngừ có thể sống ở độ sâu 500 mét dưới bề mặt, trong khi con mồi của chúng có thể được tìm thấy ở độ sâu 1.500 mét.

“Xả chất thải xuống thấp hơn độ sâu đó sẽ tốt hơn cho cá ngừ. Nhưng điều này sẽ khiến hoạt động khai khoáng dưới biển sâu sẽ tốn kém hơn và thách thức về mặt kỹ thuật và các nhà thầu khai khoáng có thể không có động lực để làm điều đó”, Amon nói.

Grantly Galland, giám đốc dự án chương trình nghề cá quốc tế của Pew Charitable Trusts, cho biết các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO), những cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm về quần thể cá ngừ ở Thái Bình Dương, cũng chưa xem xét hậu quả của việc khai khoáng dưới biển sâu.

“Điều đó chắc chắn không nằm trong kế hoạch của họ và thực sự không xuất hiện trong một cuộc họp nào mà tôi đã tham gia gần đây”, Galland nói.

Ông hy vọng bài báo nghiên cứu sẽ khuyến khích các RFMO tham gia các cuộc họp của ISA với tư cách là quan sát viên được công nhận để các quan chức có thể đưa ra quan điểm của họ.

“Không nên cho phép khai thác ở những khu vực như Clarion-Clipperton Zone. nơi có hệ sinh thái nhạy cảm và hải sản có giá trị, trừ khi chúng ta có kiến thức khoa học để chắc chắn một cách hợp lý rằng đời sống hoang dã và nghề cá có thể được bảo vệ trước các hoạt động mới”, Galland nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới