Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khai thác ‘nền kinh tế mới nằm trên online’ để đẩy mạnh xuất khẩu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việt Nam thuộc nhóm các nền kinh tế dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng về giao thương xuất khẩu xuyên biên giới. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu qua “chợ online” không chỉ là chuyện kinh doanh nhỏ lẻ, khi doanh nghiệp biết cách khai thác sẽ đạt đến hiệu quả “nền kinh tế mới nằm trên online” .

Ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ thuộc Amcham, cung cấp thông tin trong khuôn khổ hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa. Ảnh: L.Hoàng

Ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), chia sẻ như trên tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa” do Sở Công Thương TPHCM tổ chức ngày 26-5.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, tỷ lệ giao thương so với GDP của Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, phản ánh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào giao thương mà chủ yếu là xuất khẩu.

“Việt Nam thuộc top 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới”, ông Tước nhấn mạnh, và lưu ý rằng, trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam thuộc top nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng về mặt giao thương, xuất khẩu xuyên biên giới.

“Kinh doanh offline có nhiều khó khăn trong thời gian gần đây, xuất khẩu chậm lại nhưng riêng mảng thương mại điện tử thì đang rất sôi động”, ông Tước chia sẻ. Dẫn thông tin do Amazon (Mỹ) và một số công ty công nghệ khác, ông Tước cho biết Việt Nam thuộc top 5 về tăng trưởng xuất khẩu trong không gian mạng trong năm 2022.

Riêng Amazon, số liệu cho thấy năm 2022 tăng hơn 80% số đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng của họ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Amazon không phải là cá biệt trong nền kinh tế số, chuyển đổi số có bước tăng trưởng tốt trong bối cảnh khó khăn. Đặc biệt, Amazon không phải là cá biệt bởi có những công ty công nghệ khác cũng tăng trưởng tốt như vậy, thậm chí là tăng trưởng 3 con số trong năm này qua năm khác.

“Khi tôi ở Mỹ, tôi thấy sản phẩm của Việt Nam trên Amazon hoặc Ebay là mì gói Hảo Hảo, cà phê Trung Nguyên không phải do những công ty này xuất khẩu và bán với giá rất cao”, ông nói, và cho rằng: “Kinh doanh trực tuyến không chỉ cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ mà các công ty lớn, các hiệp hội bắt tay với nhau để đưa ra chương trình chung, nắm bắt xu hướng và khai thác các thị trường”.

Vị chuyên gia thương mại điện tử khẳng định, kinh doanh trực tuyến không chỉ là nhỏ lẻ, mà là “nền kinh tế mới nằm trên online”.

Theo ông, Amazon về Việt Nam chọn hàng và gửi qua Mỹ, tại Mỹ sẽ có một kho. Đấy là cách tác chiến thực tế. Tức là các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các thị trường phải có kho hàng ở đó, để kiểm tra hàng hóa.

“Để khi chuyển hàng cho khách, xuất khẩu theo hướng xuyên biên giới đạt chất lượng. Kinh doanh xuyên biên giới cần niềm tin chất lượng, có như vậy mới vào được các tiểu bang của Mỹ, Canada và các nước châu Âu…”, ông Tước nói.

Theo số liệu của Sở Công Thương TPHCM, 80% doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt các hiệp định FTA, vậy nền kinh tế mới này nằm ở online. Tới đây Amcham sẽ cùng Sở Công Thương tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, “nắm tay” doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.

Liên quan đến hội nghị, các ý kiến cho rằng nông nghiệp xanh, tuần hoàn là tất yếu để nông sản Việt vươn xa. Theo các chuyên gia, nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường khó tính và để có thị phần nhất định là thách thức lớn. Nhưng với sản phẩm thật sự chất lượng, nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ không thiếu đường vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới