Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khai thác nước ngầm quá mức có thể ‘bức tử’ ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều này, nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu có thể dẫn đến nguy cơ vùng ĐBSCL bị xoá sổ trong tương lai.

Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng khai thác nước ngầm quá mức sẽ xoá sổ ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Ba nhóm thách thức với ĐBSCL

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến về dự án quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL diễn ra hôm 26-11, ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập cho biết, ĐBSCL đang tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sụt lún; sạt lở; suy thoái; hạn, xâm nhập mặn; di dân…

Theo ông, xét về nguồn gốc, xếp thành ba nhóm: thứ nhất, là nhóm biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại chỗ ĐBSCL (nguyên nhân từ ngoài biển vào); nhóm thứ hai, đến từ thượng nguồn, thì gồm có biến đổi khí hậu liên quan đến El Nino, La Nina và thuỷ điện; thứ ba, là chuyện nội tại ở ĐBSCL do nền nông nghiệp thâm canh chạy theo số lượng cộng với các công trình chống lũ, ngăn mặn làm rối loạn hệ thống tự nhiên của vùng, tức không còn vận hành lành mạnh như “cơ thể sống” do thiên nhiên thiết kế.

Còn xét về loại ảnh hưởng, thì có hai nhóm: thứ nhất, nhóm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt như: xâm nhập mặn và ngập đô thị; thứ hai, là nhóm đe dọa đến tồn tại của đồng bằng, thì gồm có sạt lở gây mất đất, đe doạ biến mất đồng bằng và sụt lún cũng đe doạ làm biến mất đồng bằng trên bản đồ.

Sụt lún do khai thác nước ngầm – mối đe dọa lớn nhất với ĐBSCL

Theo chuyên gia Thiện, đối với sụt lún và nước biển dâng, thì sụt lún diễn ra nhanh gấp nhiều lần nước biển dâng. “Do đó, khi chúng ta xem lại, thì sụt lún chính là nguyên nhân, một mối đe dọa lớn nhất đối với ĐBSCL”, ông nhấn mạnh.

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, sụt lún ở ĐBSCL là 1cm/năm, thậm chí có nơi là 5,7 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm, tức sụt lún gấp khoảng 20 lần nước biển dâng. “Chúng ta đang nói quá nhiều về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mà quên đi mối đe doạ do chúng ta gây ra, gấp nhiều lần”, ông nói.

Vị chuyên gia này đã chỉ ra rằng, sụt lún gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, mất đất, gia tăng lũ lụt và nguyên nhân chính là con người gây ra do khai thác nước ngầm trong thời gian vừa qua (bên cạnh nguyên nhân nén tự nhiên của quá trình cố kết đất hay xây dựng cơ sở hạ tầng ở đô thị). “Để tránh thiệt hại, việc giảm khai thác nước ngầm đến mức bền vững là cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Thiện, khai thác nước ngầm còn gây nhiễm mặn cho tầng nước ngầm, mà cụ thể, khi lấy 1 m3 nước ngầm lên sẽ có 13 m3 nước ngọt dự trữ bên dưới bị ảnh hưởng. “Chúng ta lấy lên, thì áp lực nước ngầm bên dưới yếu, dẫn đến nước mặn thấm vào nước ngầm”, ông nói.

Nếu tiếp tục khai thác nước ngầm quá mức, thì dự báo đến năm 2.100 vùng ĐBSCL sẽ bị chìm dưới mực nước biển.

167 gặp khó khi xuống địa phương

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đưa ra nghị định 167/2018/NĐ-CP quy định về hạn chế khai thác nước ngầm dưới đất. Trong đó, bốn địa phương gồm Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ và Kiên Giang được chọn để triển khai nhằm rút kinh nghiệm trong hai năm qua.

Nghị định nêu trên được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phân ra thành 5 vùng, bao gồm:

Vùng một: dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước ngầm dưới đất hiện có; đây là vùng thưởng xuyên xảy ra sự cố liên quan đến nước dưới đất.

Vùng hai: hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên mực nước động trong giếng khai thác vượt quá mực nước động cho phép.

Vùng ba: hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác; việc khai thác được tiếp tục cấp phép mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của Luật tài nguyên nước.

Vùng bốn: hạn chế khai thác nước dưới đất với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày trở lên và vùng hỗn hợp: trường hợp có các khu vực hạn chế từ vùng 1 đến 4, bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấn được khoanh định vào vùng hạn chế hỗn hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao từng địa phương (bốn tỉnh, thành được triển khai để rút kinh nghiệm như nêu trên -PV) lập bảng đồ phân thành 5 vùng như trên.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, trong quá trình làm việc với bốn địa phương nêu trên, thì có thể thấy Nghị định 167 khi thực hiện xuống địa phương gặp rất nhiều vấn đề, bao gồm thiếu dữ liệu, mà cụ thể chỉ có dữ liệu sụt lún và khai thác nước ngầm ở cấp đồng bằng, xuống từng tỉnh thì không có, cho nên, muốn lập bản đồ rất khó.

Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề khác, bao gồm xác định khai thác bao nhiêu gây sụt lún bao nhiêu; thiếu mạng lưới quan trắc, cơ chế giám sát khai thác nước ngầm; giá xử lý nước mặt so với nước ngầm; quy hoạch không gian tầng nước ngầm; thiếu vốn, kỹ thuật; vấn đề cấp phép khai thác…

Thôi chạy theo sản lượng nông nghiệp để cứu sông ngòi

Đối với dữ liệu, theo ông Thiện, cần quan trắc, thu thập thông tin thêm từ nhiều nguồn, tiến hành nghiên cứu để giải quyết vấn đề thiếu dữ liệu.

Còn vấn đề, nếu xử lý nước mặt rẻ hơn so với nước ngầm sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều nước mặt nhiều hơn. “Do đó, chúng ta phải cải cách nền nông nghiệp để hy vọng phục hồi lại sông ngòi như xưa”, ông Thiện nói.

Tuy nhiên, vấn đề của nông nghiệp hiện nay là chạy đua quá nhiều theo số lượng. “Chúng ta huỷ hoại hệ thống sông ngòi (lạm dụng phân, thuốc quá nhiều để gia tăng sản lượng- PV) dẫn đến không sử dụng nước mặt được nữa, chuyển sang sử dụng nước ngầm gây sụt lún”, ông cho biết và nói rằng, nếu tính toán đủ, thì nền nông nghiệp đang lỗ rất nhiều.

Do đó, theo ông Thiện, cần cải cách nền nông nghiệp theo Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, tức kéo giảm sử dụng phân thuốc để góp phần phục hồi hệ thống sông ngòi, giúp giảm được giá xử lý nước mặt để chuyển sang sử dụng nước mặt sông ngòi, thay vì là khai thác nước ngầm như hiện nay.

Bên cạnh nâng cao nhận thức các bên về nguy cơ của đồng bằng, thì với các tỉnh ven biển- nơi thiếu nước ngọt mùa khô – cần phát triển công nghệ như: công nghệ màng lọc nano và các công trình trữ nước.

Ngoài ra, cần phải tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý nước ngầm.

“167 yêu cầu từng tỉnh phân thành 5 vùng, thì nên có quy hoạch tổng thể bên dưới (tầng nước ngầm) rồi từng tỉnh mới làm sẽ phù hợp hơn”, ông Thiện nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới