(KTSG Online) - Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định 174/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua đó khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
- Đầu tư hạ tầng ĐBSCL bằng vốn ngân sách để giảm chi phí logistics
- Kỳ vọng Trung tâm cơ giới hoá đào tạo nhân tài cho nông nghiệp ĐBSCL
- Thiết chế nào để thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL?
Theo TTXVN, mục tiêu Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông; tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt, lợ, mặn gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Quy hoạch nhằm bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và các tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ đó từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sôngCửu Long đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản, gồm: 100% các vị trí giám sát dòng chảy xuyên biên giới được giám sát tự động, trực tuyến; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định.
100% hồ, ao, đầm, kênh, rạch không được san lấp theo quy định phải được công bố và quản lý chặt chẽ; 50% nguồn nước thuộc đối tượng lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm mốc theo quy định; 100% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả vào nguồn nước, hệ thống thoát nước chung.
Cũng theo TTXVN đưa tin, một trong những ưu tiến số 1 của quy hoạch là quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông.
Quản lý điều hòa lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên toàn lưu vực ứng với tần suất 50% khoảng 128.241 triệu m3, ứng với tần suất 85% khoảng 118.091 triệu m3, trong đó lượng nước có thể khai thác, sử dụng từ ngoài biên giới chảy vào (tại các trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc) ứng với tần suất 50% khoảng 111.200 triệu m3, ứng với tần suất 85% khoảng 102.200 triệu m3 đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước đến năm 2030.
Quy hoạch đưa ra các giải pháp điều hòa phân bổ nguồn nước cho các vùng, các tiểu vùng thực hiện; trường hợp hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc điều hòa, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Nếu xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, dòng chảy đến tại các trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc thiếu hụt trên 30% so với trung bình nhiều năm trong mùa cạn, xâm nhập mặn sâu vào các sông, rạch, nội đồng (như năm 2019, 2020), cần thực hiện việc đàm phán với các quốc gia thượng nguồn để yêu cầu gia tăng lượng nước về đồng bằng, chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu trên các vùng sinh thái lợ và mặn, kết hợp các giải pháp tích, trữ, tạo nguồn.
Về công tác điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, quy hoạch nhấn mạnh kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định.
Bên cạnh đó, bổ sung, xây dựng mới công trình tích, trữ nước, công trình bổ cập nhân tạo nước dưới đất, điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước bảo đảm đa mục tiêu, phù hợp với quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan, ưu tiên thực hiện tại 28 tiểu vùng bị thiếu nước ngọt thuộc 120 tiểu vùng quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Nâng cao khả năng tích trữ nước của các ao, hồ, khu trũng sẵn có, kênh nội đồng, kênh cấp II, III trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho mùa cạn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiếu nước.
Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm lưu thông dòng chảy, cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng công trình cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Nhiều năm qua, hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng, chiều sâu ranh mặn 4‰, phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã lên 65-70 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 50-55 km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên 60-65 km; sông Hậu là 55-60 km; sông Cái Lớn 25-30 km.
Vì vậy, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của vùng, không chỉ bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước mà còn là các giải pháp sử dụng hiệu quả, tích trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp và dân sinh, hạn chế xâm nhập mặn, khai thác tốt lưu vực sông rạch, lấn biển…