Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia

Bài: Nguyễn Kim Oanh – Ảnh: Lệ Huyền

Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia
Con tàu rời bến Tigaraja ra làng Tuk Tuk trên đảo Samosir trong ánh nắng chiều.

(TBKTSG Online) – Indonesia không chỉ có Bali nổi tiếng như một ‘thiên đường’ du lịch hay quần đảo Java rộng lớn mà mọi người thường hay nhắc tới khi nói về đất nước vạn đảo này. Một điểm đến khác gần đây được nhiều người chọn khi du lịch Indonesia là quần đảo Sumatra, nơi có những bông hoa khổng lồ Raflesia mỗi năm nở một lần, loài vượn Orang – Utang và những hồ núi lửa tuyệt đẹp.

Vì ‘săn’ được vé giá rẻ và để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi dài ngày này, chúng tôi chọn chuyến bay buổi tối cất cánh từ TPHCM đi Kuala Lumpur của hãng hàng không Air Asia với giá khuyến mãi cho chặng đi này khoảng 40 USD; vé này hãng Air Asia thường bán trước cho khách từ 6 tháng cho tới 1 năm.

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia được chia làm 2 khu là nhà ga xịn (viết tắt KLIA) và nhà ga giá rẻ (viết tắt: LCCT = Low-Cost Carrier Terminal). Vì bay với vé giá rẻ của Air Asia nên chúng tôi vào nhà ga LCCT và ngủ lại ở đó một đêm để sáng sớm hôm sau vào làm thủ tục bay tiếp sang thành phố Medan (một thành phố nằm ở phía bắc của đảo Sumatra) với giá vé khuyến mãi cho chặng này khoảng 22 USD. Đây là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Indonesia dự kiến kéo dài 17 ngày của chúng tôi.

Nhà ga sân bay Tiga Raja Harbour ở Medan.

Trên chuyến bay này, đa số khách là người Indonesia sang Malaysia làm việc. Chúng tôi biết vậy vì khi tiếp viên hàng không đưa cho từng người tờ phiếu điền thông tin nhập cảnh, nếu là người trong nước thì có mẫu điền thông tin nhập cảnh khác với mẫu phiếu điền thông tin chúng tôi khai báo. Từ Kuala Lumpur, chỉ sau một giờ bay chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay Medan Tiga Raja Harbour. Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi ra quầy đổi tiền rồi lững thững ra ngoài tìm xe bus về bến xe Amplas để đi hồ Toba.

Nhân viên hải quan thấy chúng tôi từ quầy đổi tiền ra nên chặn lại hỏi hai đứa tôi từ đâu tới và mời vào phòng hải quan. Họ lại hỏi chúng tôi qua đây đi đâu, làm gì? Kiểm tra hành lý của chúng tôi, thấy có mang túi thức ăn vặt họ đòi tịch thu. Họ nói, khách nhập cảnh vào đây không được mang theo đồ ăn, rồi còn chỉ vào tờ thông báo để chứng minh lời họ nói là đúng.

Tỉ giá Rupiah Indonesia: 10.000 IDR ~ 22.000 VND

Do sân bay Tiga Raja Harbour ở thành phố Medan không lớn – chỉ bằng sân bay Phú Bài ở Huế – hai đứa tôi lội bộ vác ba lô ra khỏi cổng sân bay mới tìm được một chiếc taxi giá rẻ. Sau khi cò kè khá lâu, tài xế mới chịu bớt một nửa giá từ 70.000 Rp xuống còn 35.000 Rp (Rupiah là đơn vị tiền Indonesia) cho 12 km từ sân bay vế bến xe Amplas ở trung tâm Medan.

Đường phố Medan tấp nập xe cộ.

Ngồi trên taxi, tôi quan sát thấy tuy là thành phố lớn nhất trên đảo Sumatra nhưng  giao thông không phát triển gì mấy, phần lớn đường phố chỉ có hai làn xe chạy, xe cộ lưu thông đông và đa số xe ô tô và xe bus ở đây là xe đời cũ (tôi cũng không biết cụ thể thời nào). Một kinh nghiệm: khi xuống một sân bay lạ, các bạn đừng lên taxi bên trong sân bay; như ở đây, giá cước cao gấp đôi bên ngoài.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến bến xe Amplas và lập tức hỏi mua vé xe đi hồ Toba liền với giá vé 30.000Rp cho quãng đường khoảng 5 giờ ngồi xe bus địa phương. Nên chịu khó đi xe đò, không nên thuê taxi hay xe 7 chỗ từ sân bay đi thẳng tới hồ Toba vì chi phí sẽ đắt hơn nhiều. Bến  xe này có diện tích khá rộng, nhưng  vắng khách, nhìn qua ngó lại chỉ có chiếc xe tôi đi Toba là xe chạy đường dài, còn lại là mấy chiếc xe buýt chạy trong thành phố.

Bến xe không có cây xanh, hơi nóng giữa ban trưa táp vào mặt tôi rất khó chịu và từ sáng tới giờ hai đứa chỉ ăn qua loa, chưa có gì ăn chắc bụng, nên chúng tôi lang thang vào mấy quán cơm trong bến xem họ bán có món gì ngon hấp dẫn tôi không. Tôi mua một phần cơm được gói vào trong giấy xi măng, loại giấy có một mặt trơn bóng dùng để gói thức ăn. Tôi không quên ra dấu xin thêm chị chủ quán cho một cái muỗng nhựa, nếu không tôi phải ăn bốc giống mọi người trong quán.

Khi nhìn thấy khách vào quán ăn này hầu như ai cũng ăn bốc bằng tay, bên cạnh có chén nước rửa tay trước và sau khi ăn, chưa kể khi mà gói cơm đó có chan nước cà cari vào nên tôi thấy ơn ớn nếu phải dùng tay bốc ăn. Lần đầu qua đây và cũng chưa biết khẩu vị người Indo ăn uống ra sao, khi ăn gói cơm này tôi mới biết họ ăn cay như thế nào. Thấy dĩa đồ xào, tôi nghĩ đó là đậu đũa xào với cá khô, nên gọi món này. Ai ngờ tôi ăn vào, càng ăn càng thấy cay, mà không biết sao lại cay như thế! Hóa ra khi nhìn lại thì hỡi ôi, không phải là đậu như tôi tưởng mà là món ớt xanh xào với cá khô.

Khoảng 11g30, xe bắt đầu khởi hành đi Parapat. Lúc này trên xe hành khách rất đông và xe không có máy điều hòa nên không khí trên xe lúc này có vẻ ngột ngạt. Chỗ ngồi thì chật cứng, tôi đem chai nước suối ra, bỏ vào trong đó bịch lười ươi hòa tan mang từ bên nhà qua đây uống cho giải nhiệt. May mà do đêm hôm qua hai đứa ở sân bay không ngủ được bao nhiêu, hôm nay mệt mỏi nên dù nóng cỡ nào thì chúng tôi vẫn nhắm mắt lim dim một lát. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được tốc độ xe chạy rất nhanh,  tài xế cho xe vượt qua rất nhiều xe khác cho dù đường chỉ hai làn xe.

Hai bên đường người ta trồng nhiều cây cọ để lấy dầu. Khi gần đến hồ Toba thì khung cảnh trông giống đường lên cao nguyên, đèo dốc liên tục. Vùng này cũng có nhiều thông và cả cây sầu riêng, cây nào cũng cao thẳng đứng. Hai bên đường, người ta bày bán trái sầu riêng rất nhiều, đúng là món mà tôi thích nên có phần hào hứng, thế nào cũng phải nếm thử sầu riêng Indo như thế nào đây.

Chiều trên hồ Toba.

Xe chạy một lát thì trời đổ mưa to và kéo dài suốt đoạn đường dài. Đến xế chiều, xe liên tục dừng lại để đón học sinh tan trường; trên xe đầy người, xe chật càng chật thêm.

Cuối cùng xe cũng dừng cho chúng tôi xuống ngay bến tàu Tiga Raja, là nơi có tàu sang đảo Samosir nằm giữa hồ mà không cần vào bến xe bus Parapat nữa. Nếu chúng tôi xuống ở bến xe ở Parapat, sẽ phải đi xe ôm hay xe buýt ra bến tàu này; tốn thêm thời gian và tiền xe.

Bến tàu Tiga Raja hoạt động từ sáng đến 17g30, cứ 60 phút mới có một chuyến tàu sang đảo. Còn tôi đã có ý định sẽ ngủ đêm ở làng Tuk Tuk, đây là ngôi làng ở bờ đông của đảo Samosir, nên tôi chọn hãng tàu sẽ cập bến ở làng Tuk Tuk.

Cạnh bến phà này có cái chợ, vẫn còn một vài bác ngồi bán trái cây trong chiều mưa lất phất, tôi ghé lại mua vài trái quýt và măng cụt, cả hai loại ăn thử đều ngọt, giá khoảng 10.000 Rp/kg (20.000 – 22.000 đồng). Rồi tôi sà xuống mấy chị bán sầu riêng kế bên, xem thử loại này có giống sầu riêng ở Việt Nam trồng không, nhìn qua thấy vùng này trồng toàn sầu riêng cơm chao trái don don không lớn, giống loại sầu riêng Long Khánh tôi hay ăn lúc trước. Sau khi thử qua vài múi họ cho và thấy ngon nên tôi mua một trái mang theo sang đảo để tối ăn.

Cuối cùng, chuyến tàu tôi chờ cũng đến giờ nhổ neo.

Kỳ sau: Một vòng quanh hồ núi lửa Toba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới