Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi bộ trưởng… quá bận?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi bộ trưởng… quá bận?

Luật gia Vũ Xuân Tiền

(TBKTSG) – Để cải cách thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đều có quy định thời hạn cơ quan công quyền phải giải quyết những đề nghị của công dân và doanh nghiệp. Song, trên thực tế, không ít quy định về thời hạn đã bị vi phạm để người dân thiệt thòi mà chưa ai chịu trách nhiệm.

Công ty cổ phần M. tại Hà Nội cần xin giấy chứng nhận mở rộng kinh doanh (nội dung không có gì phức tạp) từ một cơ quan cấp bộ và đã nộp hồ sơ đầy đủ từ ngày 16-1-2013. Nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Song, hết 15 ngày nhưng giấy chứng nhận vẫn chưa có và được giải thích rằng, do bộ trưởng… đi công tác nước ngoài nên chưa ký được! Đến cuối tháng 2-2013, giấy chứng nhận vẫn chưa được ký với lý do bộ trưởng bận tiếp quá nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, phải tham gia quá nhiều cuộc họp… Quá sốt ruột, đầu tháng 3 công ty M. cử hẳn một cán bộ lên “thường trực” ở văn phòng bộ trong gần một tuần, thì đến ngày 8-3 mới nhận được giấy chứng nhận, nghĩa là mất tới 52 ngày – gấp hơn ba lần thời gian quy định của pháp luật!

Quan trọng hơn, dù giấy chứng nhận được ký vào ngày 8-3, nhưng được ghi là cấp vào ngày 26-2-2013. Như vậy, có thể thấy, các chuyên viên phải mất hơn một tháng “nghiên cứu hồ sơ”, in giấy chứng nhận để trình ký (nghĩa là cũng qua thời hạn luật cho phép rất lâu) và phải hai tuần sau bộ trưởng mới ký. Không biết có quốc gia nào trên thế giới đạt kỷ lục “ngâm hồ sơ” của doanh nghiệp đến thế không? Phải chăng, do “dân có cần, nhưng quan chưa vội”? Bộ trưởng quá bận là điều tất nhiên. Song, lý do bộ trưởng quá bận để “ngâm hồ sơ” của doanh nghiệp là không thỏa đáng. Tại sao không có một thứ trưởng nào ký thay bộ trưởng?

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là, câu chuyện của công ty M. nêu trên có phải là cá biệt? Xin thưa, không phải. Bởi, không chỉ ở các bộ, cơ quan ngang bộ mà cơ quan công quyền ở tất cả các cấp đều đang rất thờ ơ, vô cảm với những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó là báo động đỏ trong nền hành chính công ở nước ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới