Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi các nhà công nghệ Việt vượt sóng để ra biển lớn

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài không còn là điều mới mẻ, nhưng điểm mới của năm 2023 là khoảng thời gian nhiều đơn vị đầu tư mạnh tay cho thị trường quốc tế. Một số đơn vị đã chuyển từ trạng thái thăm dò sang “vượt sóng”, đẩy mạnh hoạt động mở văn phòng, công ty, tiến hành các thương vụ mua bán và sáp nhập tại nước ngoài.

FPT ra mắt công ty phần mềm ô tô tại Mỹ. Ảnh: DNCC

Chi tiền cho các thương vụ M&A công ty nước ngoài

FPT là tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam và cũng là doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động mạnh mẽ nhất tại thị trường nước ngoài. Từ hơn chục năm trước FPT đã tìm đường ra “biển lớn”, tìm kiếm doanh thu từ thị trường nước ngoài thông qua tìm khách hàng mới. Song, năm 2023 là năm mà tập đoàn này có nhiều động thái chịu chi nhất để đẩy mạnh kiếm doanh thu từ thị trường quốc tế.

Cụ thể, ngày 14-12-2023, FPT đã công bố thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ đô la. Cùng với việc mở công ty tại Mỹ, FPT Automotive đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô đẳng cấp thế giới trị giá 1 tỉ đô la vào năm 2030.

Bởi những năm gần đây, phần mềm đóng vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển ngày một vượt trội của các dòng xe hơi và công nghiệp ngành ô tô. Phần mềm cùng với cảm biến và các thành phần tương tự, được dự báo sẽ chiếm khoảng 50% chi phí phương tiện vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% của năm 2020. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ chi hơn 238 tỉ đô la Mỹ/năm vào năm 2030 khi chuyển dịch từ các dòng xe với hệ truyền động đốt sang xe điện.

Nhận thấy tương lai rộng mở trong ngành phần mềm ô tô và xác định đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, FPT quyết định lập công ty FPT Automotive tại Mỹ. Công ty sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

FPT Automotive cung cấp cung cấp dịch vụ tới các khách hàng gồm công nghệ giải trí, thông tin trong xe, đơn vị điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh, thiết kế UI/UX cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số…

Cũng nhằm hướng tới thị trường toàn cầu, ngày 6-12, FPT công bố mua 80% cổ phần của AOSIS – công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp. Với sự gia nhập của AOSIS, FPT sẽ mở rộng tập khách hàng và cơ hội kinh doanh, nâng cao năng lực trong các mảng dữ liệu, điện toán đám mây và các giải pháp thông minh dành cho doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực hàng không vũ trụ, hàng không và vận tải.

Thương vụ này bổ sung cho FPT hàng trăm chuyên gia công nghệ thấu hiểu thị trường Pháp và châu Âu. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Sofware cho biết: “Với danh tiếng trong mảng công nghệ dữ liệu tại Pháp, lợi thế sở hữu nhóm chuyên gia và nguồn lực chất lượng cao, AOSIS sẽ là cánh tay nối dài giúp FPT tăng cường, thúc đẩy năng lực cung cấp giải pháp và đồng hành trong hành trình chuyển đổi số cho các khách hàng tại châu Âu và trên toàn cầu”.

Trước khi mua cổ phần của AOSIS, FPT có mặt tại thị trường Pháp từ 2008, sở hữu 400 chuyên gia làm việc tại quốc gia này. Châu Âu hiện là một trong những thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, với hệ thống 10 văn phòng tại Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Slovakia, Romani…

Cách thời điểm công bố thương vụ mua AOSIS đúng một tháng, ngày 6-11-2023, FPT công bố mua Cardinal Peak – công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ – nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ tại khu vực châu Mỹ và các thị trường nói tiếng Anh, đặc biệt trong các mảng công nghệ mới.

Cardinal Peak chuyên cung cấp dịch vụ phần cứng, phần mềm nhúng, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm di động trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe… Thông qua thương vụ này, FPT kỳ vọng, Cardinal Peak sẽ giúp tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.

Với sự gia nhập của Cardinal Peak, FPT sẽ được bổ sung nguồn nhân lực gồm hàng trăm kỹ sư tài năng am hiểu chuyên sâu các công nghệ điện toán đám mây, di động… và thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong từng lĩnh vực.

Châu Mỹ hiện là một trong những thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, với hệ thống 14 văn phòng trên khắp nước Mỹ, Canada, Colombia, Costa Rica và Mexico.

Thực tế, FPT đã bắt đầu có hoạt động mua bán và sáp nhập từ năm 2014 khi thương vụ đầu tiên là mua công ty RWE IT Slovakia (Công ty thành viên của Tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu – RWE). Đây cũng là thương vụ mua bán sáp nhập đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Sau thương vụ đầu tiên này, năm 2018, FPT mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn chuyển đổi số tại Mỹ. Nămm 2022, FPT đầu tư chiến lược vào LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật. 2023, FPT mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International. Tháng 10 vừa qua, FPT công bố trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI – công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu của Mỹ.

Như vậy, các thương vụ đầu tư, mua bán sáp nhập được FPT thực hiện mạnh mẽ nhất trong năm 2023 này. Chỉ trong vòng 1 năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ. Các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 1 tỉ đô la Mỹ từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023. Các thương vụ này giúp FPT nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong các mảng mới, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự gia nhập của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài giàu kinh nghiệm; mở rộng tập khách hàng mới tại khu vực châu Mỹ và châu Âu; từ đó nắm bắt cơ hội đang rộng mở toàn cầu.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp nơi các thị trường mới

Câu chuyện mở rộng thị trường, vươn ra nước ngoài của FPT đã truyền cảm hứng cho không ít doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) công nghệ trong nước. Vào cuối năm 2015, trong một chuyến công tác nước ngoài, ông Trương Gia Bình chủ tịch Tập đoàn FPT đã khuyên ông Tạ Sơn Tùng, Giám đốc điều hành của Rikkei Soft về việc muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Nhật thì phải có sự hiện diện tại quốc gia này. Nghe lời khuyên của đàn anh, ông Tùng đã quyết định chuyển cả gia đình sang sống ở Nhật vài năm để tập trung phát triển thị trường Nhật. Nhờ “bước ngoặt” đó, từ chỗ chỉ có vài chục nhân viên vào năm 2015, đến nay doanh nghiệp này đã có hơn 1.500 người và có doanh thu lớn tại thị trường Nhật.

Cũng với cách tương tự, ông Phạm Thái Sơn, giám đốc NTQ Solution học hỏi các đàn anh để đi ra nước ngoài. Năm 2015 NTQ Solution chỉ có 6 khách hàng Nhật và vài chục nhân sự đến nay đã có hơn 1000 nhân viên và ngoài Nhật Bản còn văn phòng tại Hong Kong, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… với doanh thu khoảng 20 triệu đô.

Ngoài những doanh nghiệp trên, có những startup công nghệ non trẻ hơn cũng theo gót đàn anh, đã hướng tới thị trường toàn cầu chỉ vài năm ngay sau khi ra đời. Stringee là một trong những ví dụ đó.

Ra mắt vào năm 2017, Stringee là nền tảng giao tiếp, cung cấp các tính năng nghe – gọi – nhắn tin để doanh nghiệp có thể tích hợp vào ứng dụng hoặc website của mình. Ngoài ra Stringee còn cung cấp giải pháp tổng đài chăm sóc và quản lý khách hàng StringeeX – giúp việc chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp…

Hai năm sau khi ra mắt và được nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng, Stringee đã thu hút được vốn đầu tư gần 2 triệu đô la Mỹ. Lúc đó, ông Đậu Ngọc Huy, sáng lập và giám đốc điều hành của Stringee cho biết việc gọi vốn này là đòn bẩy giúp Stringee chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam trong mảng nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp. Đồng thời có tài chính để thực hiện những bước đi đầu tiên ra thị trường nước ngoài là Mỹ và Nhật Bản.

Ông Huy cho rằng việc gọi vốn đầu tư này quan trọng, vì nó là cầu nối giúp Stringee đạt được mục tiêu dẫn đầu Châu Á và chinh phục thị trường nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp toàn cầu đang tăng trưởng 25-38% mỗi năm, ước tính giá trị khoảng 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022.

Sau khi nhận vốn đầu tư Stringee đã tăng trưởng mạnh và tiếp tục gọi thêm vốn đầu tư mới vào tháng 3- 2023. Với nguồn vốn đầu tư gọi thêm này, Stringee tiếp triển khai kinh doanh mạnh hơn tại thị trường Mỹ và Ấn Độ.

Ông Shigeki Kanemoto, đại diện Daiwa Corporate Investment cho biết, quỹ này đầu tư vào Stringee vì đặc biệt ấn tưởng bởi quá trình tăng trưởng cũng như nền tảng công nghệ của startup này.

Stringee – một startup công nghệ sớm tìm đường ra kinh doanh tại nước ngoài. Ảnh: DNCC

Tương tự Stringee, CleverGroup – một đơn vị cung cấp các dịch vụ và công nghệ quảng cáo thế hệ mới tại Việt Nam và Đông Nam Á cũng sớm có kế hoạch khai thác thị trường nước ngoài. CleverAds được thành lập năm 2008. Chỉ sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Trình, chủ tịch CleverGroup hiện nay đã mở chi nhánh CleverAds tại Indonesia. Năm 2013, ông Trình tiếp tục mở chi nhánh tại Philippines.

Cung cấp thông tin cho KTSG Online, ông Nguyễn Khánh Trình cho hay ông sớm mở rộng hoạt động kinh doanh tại Indonesia từ hàng chục năm trước vì thời điểm đó ông thấy các thị trường nước ngoài này tương đồng Việt Nam. Đến nay hoạt động của CleverGroup tại các nước này vẫn tốt.

Ngoài các startup trên, BIN Corporation Group cũng là một trong những startup lĩnh vực công nghệ thành công ở thị trường quốc tế (hiện startup này đã mở rộng ra kinh doanh đa lĩnh vực nhưng khởi sự là công nghệ – tiền thân của Tập đoàn là công ty chuyên về thiết kế website và lưu trữ dữ liệu doanh nghiệp).

BIN Corporation Group đã hoạt động được 14 năm và trở thành một tập đoàn quốc tế đa lĩnh vực và có các văn phòng ở Hong Kong, Singapore, Lithuania và Hoa Kỳ.

Do phần lớn hoạt động tại nước ngoài nên BIN chỉ được nhiều người trong nước biết đến sau khi ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch BIN Corporation Group tham gia chương trình truyền hình nổi tiếng Shark Tank được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp ra nước ngoài

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp. Do đó Chính phủ đã có những chương trình nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Chính phủ có chính sách, kế hoạch gì để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt ra nước ngoài, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, không phải mới đây các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đi ra nước ngoài. Điều này đã được thực hiện từ khá lâu rồi. Trong đó, FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong khi thành lập văn phòng tại Mỹ từ đầu những năm 2000.

Theo ông Nghĩa, khi ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn nếu có sự đồng hành của các ban ngành, Chính phủ.  Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ. Khi giới thiệu sản phẩm cho các khách hàng nước ngoài, doanh nghiệp Việt thường gặp khó bởi hầu hết họ chưa biết mình là ai.

Ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi các nước như Ấn Độ – đã xây dựng được thương hiệu quốc gia, thương hiệu mạnh về công nghệ thông tin. Định hướng lâu dài của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp CNTT trong nước đẩy mạnh thương hiệu quốc gia. Bộ sẽ đồng hành theo từng chặng đường chuyên biệt để tạo thương hiệu tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Nghĩa, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức rất nhiều sự kiện với các đoàn công tác tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế về chuyên ngành đặc thù. Chẳng hạn như hội chợ Asia Tech Day 2023 tại Singapore, gian hàng Việt Nam có sự đồng hành của khoảng 20 doanh nghiệp công nghệ trong nước. Tại những sự kiện như vậy, ngay cả người của Bộ hay các Hiệp hội cũng tham gia vào việc bán hàng thay cho các doanh nghiệp. Đây là bước đồng hành đầu tiên của Bộ trong việc cùng các doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển ra các thị trường nước ngoài.

Ông Nghĩa cho hay, khi doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của Bộ, họ sẽ không chỉ gặp được các đối tác mà còn có thể tiếp xúc với chính phủ và các hiệp hội của nước ngoài. Đó là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nâng tầm thương hiệu của mình và tiếp cận với các thị trường tiềm năng quốc tế.

Các chuyên gia nhận định, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự thúc đẩy của Chính phủ, thời gian tới doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ tại nước ngoài sẽ nhiều lên. Việt Nam sẽ sớm có thương hiệu quốc gia về công nghệ – có tiếng trên thế giới là quốc gia mạnh về công nghệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới