Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi Geely mua được Volvo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi Geely mua được Volvo

Huỳnh Hoa

Ông Lý Thư Phúc, Chủ tịch tập đoàn Cát Lợi Triết Giang (trái) và ông Lewis Booth, Phó chủ tịch Ford Motors bên cạnh chiếc Volvo S60 ngay sau lễ ký hợp đồng. Ảnh Reuters

(TBKTSG) – Tập đoàn Cát Lợi Triết Giang (Zhejiang Geely – Trung Quốc) đã giành được quyền mua lại hãng xe hơi Thụy Điển Volvo từ tay tập đoàn xe hơi Ford (Mỹ) – sự kiện được coi là biểu hiện về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc trong công nghiệp xe hơi. Thỏa thuận hợp đồng được ký kết hôm Chủ nhật 28-3 có giá trị 1,8 tỉ đô la Mỹ, dự kiến toàn bộ vụ chuyển nhượng sẽ hoàn tất trong quí 3 năm nay.

Được thành lập năm 1926, Volvo (tiếng Latinh có nghĩa là “Tôi lăn’’) là một hãng xe hơi nổi tiếng châu Âu và thế giới, chuyên sản xuất xe hạng sang, và các loại xe tải cỡ lớn sau khi mua lại bộ phận chế tạo xe tải của Renault (Pháp) và Nissan (Nhật). Xe hơi Volvo được ưa chuộng nhờ độ bền cao. Nhưng do làm ăn thất bát, năm 1999, Volvo đã bị tập đoàn Ford thôn tính với giá 6,45 tỉ đô la Mỹ. Sai lầm trong chiến lược, cộng với tác động của khủng hoảng kinh tế, Ford đã phải ngậm ngùi chia tay một số thương hiệu châu Âu mà họ đã mua với giá cao ngất ngưởng trước đây: bán Aston Martin cho một tập đoàn Anh năm 2007, bán Jaguar và Land Rover cho tập đoàn Tata của Ấn Độ năm 2008 và nay thì bán tiếp Volvo cho Cát Lợi Triết Giang.

Đối với Cát Lợi Triết Giang, mua được Volvo với giá chỉ bằng một phần tư cái giá mà Ford đã trả là một thắng lợi rất lớn. Khác với Ford có lịch sử lâu dài và quy mô lớn, Cát Lợi Triết Giang chỉ là một tập đoàn nhỏ và trẻ. Khởi nghiệp vài mươi năm trước từ việc sản xuất phụ tùng xe gắn máy, mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và khách sạn du lịch, tập đoàn công nghiệp-thương mại này phát triển nhanh và hiện nắm 51% cổ phần của Công ty cổ phần Xe hơi Cát Lợi (Geely Auto) – nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 12 của Trung Quốc, chuyên các loại xe hơi nhỏ (compact) và cực nhỏ (subcompact) giá rẻ; năm ngoái tiêu thụ được 330.000 xe, chủ yếu tại thị trường Trung Quốc mà không hề có tên tuổi ở nước ngoài.

Khi Cát Lợi tỏ ý định mua lại Volvo vào giữa năm ngoái, ít ai tin rằng thương vụ này tiến triển được vì trở ngại tài chính. Nhưng, dù là một công ty tư nhân, Cát Lợi đã nhận được sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc đang muốn xây dựng các doanh nghiệp “tầm vóc toàn cầu”. Chính phủ nước này đã chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh thu xếp vốn cho vụ mua lại Volvo của Cát Lợi, đồng thời buộc tập đoàn Cát Lợi Triết Giang trực tiếp đàm phán với Ford thay cho Công ty Xe hơi Cát Lợi để tránh phản ứng bất lợi từ giới công nghiệp xe hơi Mỹ.

Theo giới phân tích, sở hữu được thương hiệu Volvo cùng các nhà máy sản xuất tại Thụy Điển và Bỉ, Cát Lợi có bệ phóng để thâm nhập thị trường xe hơi quốc tế, hiện đang do các hãng xe Mỹ, Nhật, Đức, Pháp và Hàn Quốc thống trị. Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ nhân của tập đoàn Cát Lợi Triết Giang – người tự coi mình là Henry Ford của Trung Quốc – nhiều lần tuyên bố xe hơi Cát Lợi sẽ lăn bánh trên đường phố châu Âu năm 2007, vào Bắc Mỹ năm 2008 song không thực hiện được; biết đâu lần này ông ta sẽ có cơ hội.

Nhưng quan trọng hơn nữa, Cát Lợi sẽ thủ đắc những công nghệ xe hơi tiên tiến của cả Volvo và Ford để phát triển việc kinh doanh ra toàn cầu. Bản thân hãng Volvo có những bí quyết công nghệ riêng và trong 11 năm dưới quyền sở hữu của Ford, sản phẩm của Volvo đã “hội nhập” sâu với các dòng xe của Ford; xe hơi Volvo hiện dùng chung nhiều linh kiện với xe Ford. Theo thỏa thuận hợp đồng, Ford sẽ tiếp tục cung cấp cho Volvo động cơ và hệ truyền động một thời gian nữa đồng thời cho phép Volvo nhượng lại bản quyền một số công nghệ của Ford cho Cát Lợi. Khả năng công nghệ và bí quyết sản xuất xe hơi của Ford bị “rò rỉ” sang Cát Lợi là điều không thể tránh khỏi, cho dù Ford đã cẩn thận đưa vào hợp đồng những “biện pháp phòng vệ” để ngăn ngừa sự rò rỉ đó.

Thật ra theo giới phân tích, sự rò rỉ công nghệ từ các tập đoàn phương Tây sang các đối tác Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi và đó là cái giá phải trả để làm ăn ở Trung Quốc, với người Trung Quốc. Ford có thể cũng đã trả giá như vậy khi liên doanh với công ty Trường An – một tập đoàn xe hơi khác của Trung Quốc có nhà máy tại Trùng Khánh. Có điều, với công nghệ tiên tiến, các công ty Trung Quốc trong một ngày không xa sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn phương Tây. Bà Patricia Hedelius, bình luận viên tài chính của nhật báo Dagens Nyheter, Thụy Điển, nhận định vụ Cát Lợi mua lại Volvo “chỉ là bước đầu trong một loạt thỏa thuận theo đó các công ty Trung Quốc sẽ mua công nghệ phương Tây’’. “Sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến những đòn tấn công trên bình diện rộng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc săn bắt các tài sản nằm bên ngoài nước họ’’, bà Hedelius cảnh báo.

Ở Trung Quốc, nhiều người rất đỗi tự hào mỗi khi một công ty trong nước thôn tính được một công ty nước ngoài. Nhưng chưa chắc Cát Lợi sẽ thành công trong việc quản lý và phát triển Volvo. Đã có nhiều vụ doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài để rồi “sa lầy” vì không vượt qua nổi những trở ngại về tài chính và khác biệt văn hóa. Trường hợp Lenovo mua lại bộ phận máy tính cá nhân của tập đoàn IBM (Mỹ) rồi không duy trì được thị phần hay tập đoàn công nghiệp xe hơi Thượng Hải SAIC mua 49% cổ phần của hãng xe hơi Ssangyong (Hàn Quốc) năm 2004 dẫn tới quá trình phá sản của công ty này là những ví dụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới