Khi nào dịch vụ Internet được bán như điện nước?
Vân Oanh
Ảnh chụp khách hành đang sử dụng dịch vụ internet - Ảnh: Vân Oanh |
(TBKTSG Online) - Nếu việc cung cấp điện, nước như một dịch vụ là "chuyện bình thường ở huyện" đối với nhà điện và nhà cung cấp nước, thì việc cung cấp Internet băng thông rộng như một dịch vụ thiết yếu sẽ còn rất lâu mới thực hiện được.
Ông Marko Lius, người phụ trách hệ thống mạng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của hãng Nokia Siemens Network cho biết: “Internet băng thông rộng - công nghệ cho phép truy cập Internet với tốc độ rất cao - trong tương lai sẽ được sử dụng như một mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, giống như là sử dụng điện hay nước hiện nay. Internet băng thông rộng sẽ có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.".
Cũng theo ông Marko Lius, công ty Nokia Siemens Network mới đây cũng đưa ra một công nghệ mới gọi là công nghệ mạng Liquid Net, phát triển dựa trên ý tưởng của việc cung cấp Internet như dịch vụ nước sạch hiện nay.
Liquid Net là một hệ thống không phụ thuộc vào công nghệ truyền dẫn Internet như các công nghệ 3G, 4G hay cáp đồng, cáp quang, thay vào đó hệ thống mới này sẽ đưa Internet đến người tiêu dùng thông qua hệ thống ống dẫn nước hiện có của người sử dụng. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn quyết định mức phí dành cho việc dùng Internet, hệt như cách chúng ta xài nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo ông Marko Lius công nghệ dùng cho việc cung cấp như vậy cũng không hề đơn giản nhưng Nokia Siemens Network đã làm được và đang tìm cách giới thiệu công nghệ này đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam.
Những số liệu của Nokia Siemens Network chỉ ra rằng, vào năm 2020 lượng băng thông sẽ có lưu lượng lớn hơn cả nghìn lần và số lượng người kết nối Internet băng thông rộng tăng 10 lần so với hiện nay. Tại Việt Nam, chỉ mới có khoảng 3,5 triệu người dùng Internet băng thông rộng.
Trong khi đó, Huawei cũng công bố thử nghiệm thành công đầu tiên đối với mạng truyền dẫn mạch 100G trên mạng của Beltelecom, một nhà khai thác viễn thông của Belarus. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên một đường liên kết trong hệ thống mạng đường trục Beltelecom WDM (ghép kênh-phân chia bước sóng) được kết nối giữa Nga, Ba Lan và đi qua Belarus. Trong suốt cuộc thử nghiệm, dịch vụ 100G được truyền cùng với các dịch vụ hiện tại là 10G và 40G.
Cuộc thử nghiệm này được tiến hành sau khi Beltelecom phải đối mặt với một số thách thức đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho Internet đòi hỏi phải có các đường truyền tốc độ 100G để mở rộng nhanh chóng và hiệu quả năng lực của mạng lưới.
Trong quá trình thử nghiệm truyền dẫn đường dài 100G, Huawei đã sử dụng điều chế kỹ thuật EPDM-QPSK (tăng cường phân cực phân chia Quadrature Phase-Shift Keying) và không làm cho mạng Beltelecom xảy ra sự cố; cho phép thực hiện các dịch vụ 100G mà không ảnh hưởng đến dịch vụ 10G và 40G. Năm ngoái, Huawei mới nâng cấp thành công tốc độ dịch vụ của mạng Beltelecom từ 10G lên 40G. Điều này phần nào cho thấy những nỗ lực của những nhà cung cấp giải pháp như Huawei trong sáng tạo để cung cấp các công nghệ tiên tiến.