(KTSG) - Nói đến các công ty tư vấn, chúng ta thường nghĩ dù chúng nổi tiếng nhưng đa phần có lẽ có quy mô nhỏ. Thực ra tổng doanh thu hàng năm của 3 hãng lớn nhất - McKinsey, Boston Consulting Group và Bain & Company - lên đến gần 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng của 3 công ty này cũng rất ấn tượng, tổng doanh thu tăng gấp đôi trong vòng năm năm. Chỉ tính riêng McKinsey, hãng này hoạt động tại hơn 60 nước, số lượng nhân viên toàn cầu lên đến 30.000 người.
- Văn hóa doanh nghiệp từ góc nhìn quy hoạch lãnh đạo kế nhiệm tại tập đoàn đa quốc gia
- Samsung hỗ trợ tư vấn, cải tiến áp dụng nhà máy thông minh cho 50 doanh nghiệp
Thế nhưng cả 3 đang bị ngập chìm trong các vụ tai tiếng. Bain & Company phải mua nguyên một trang quảng cáo để đăng lời xin lỗi, rằng họ rất xấu hổ về vai trò của họ tại Nam Phi khi tư vấn cho chính phủ nước này dưới thời Tổng thống Jacob Zuma.
Trước đó, Anh cấm công ty tư vấn này tham gia đấu thầu các hợp đồng với Chính phủ Anh trong 3 năm vì dính líu đến các vụ tham nhũng với chính quyền Tổng thống Zuma, như dự án tái cấu trúc cơ quan thuế của Nam Phi. Sa thải các viên chức cao cấp và hủy hoại năng lực điều tra của cơ quan này đã tạo điều kiện cho tham nhũng lây lan.
Boston Consulting Group (BCG) bị phê phán vì mối quan hệ thân cận với Thái tử Mohammed bin Salman của Ảrập Saudi, cũng như được cho là đã hưởng lợi từ tình trạng tham nhũng ở Angola.
Nặng nhất là McKinsey với hàng loạt vụ bê bối được phanh phui trên cuốn When McKinsey Comes to Town do 2 phóng viên tờ New York Times biên soạn và mới xuất bản. Có thể kể đến các vụ tư vấn giúp các hãng dược bán thuốc gây nghiện cho người dân, khuyên các hãng bảo hiểm cắt giảm tiền đền bù cho giới lái xe hay hưởng lợi từ các hợp đồng mờ ám với các công ty nhà nước tại Nam Phi…
Mặc dù cho rằng cuốn sách không thể hiện đúng hình ảnh của công ty, nhưng chính McKinsey trước đó cũng đã xin lỗi về các dự án mà khách hàng là các công ty nhà nước tại Nam Phi, xin lỗi vì đã hỗ trợ ngành sản xuất thuốc giảm đau gây nghiện opioid. Họ cũng đã hứa hẹn sẽ áp dụng các quy tắc chặt chẽ hơn để sàng lọc các dự án trước khi nhận lời tư vấn.
Tư vấn là một ngành ăn nên làm ra. Khách hàng, bao gồm các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ các nước, thường sẵn lòng chi trả những khoản tiền hậu hĩnh để nghe lời tư vấn, bày mưu tính kế. Cuốn sách nói trên liệt kê một số thương vụ của McKinsey, như năm 2019 nhận 50 triệu đô la thù lao từ hãng dầu khí Chevron của Mỹ; năm 2018 và 2019 nhận 30 triệu đô la do Altria, một hãng thuốc lá chi trả; từ năm 2018-2020 được hãng US Steel trả 13 triệu đô la tiền tư vấn.
Ngay cả chính quyền liên bang Mỹ cũng trả cho McKinsey đến 1 tỉ đô la phí tư vấn từ năm 2009-2021. Một điểm mới là khách hàng ngày nay không chỉ muốn nghe tư vấn, họ còn muốn được cầm tay chỉ việc nên dự án các công ty tư vấn ký kết thường có thêm công đoạn triển khai nên dài ngày hơn, phí cao hơn nhiều lần.
Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho nghề tư vấn vì nảy sinh nhiều khái niệm mới. Lấy ví dụ phong trào đầu tư theo hướng ESG rất ăn khách, rất thịnh hành mà công ty nào cũng muốn ăn theo. ESG viết tắt các từ môi trường, xã hội và quản trị là các giá trị nhiều công ty muốn theo đuổi: tôn trọng môi trường, chăm lo các vấn đề xã hội và biết quản trị tốt doanh nghiệp mình.
Nói thì dễ nhưng các sếp công ty thường rất mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó các chuyên viên chuyên đi tư vấn của các hãng thì rất rành, lại tiếp xúc nhiều, so sánh công ty này với công ty kia nên có thể tư vấn những bước đi cho khách hàng. Nào là trung hòa khí thải, cải thiện tính đa dạng của công ty, tôn trọng bình đẳng giới, không kỳ thị người chuyển giới…
Dù khách hàng có thật sự “ESG” hay không thì các hãng tư vấn cũng đã sống khỏe nhờ nó - tờ Economist cho biết 10% doanh thu của hãng tư vấn BCG đến từ các hợp đồng tư vấn liên quan đến biến đổi khí hậu.
Một đề tài tư vấn khác, thậm chí còn lớn hơn, là chuyện số hóa hoạt động vì công ty nào cũng sợ tụt hậu, bị triệt tiêu như Nokia hay Kodak. Họ sẵn sàng trả tiền nhiều để được tư vấn chuyển hóa như bán hàng trực tuyến, tự động hóa nhiều khâu hoạt động. Cũng như đề tài ESG, các hãng tư vấn biên soạn các bài số hóa kèm theo biểu bảng rất ấn tượng, sẽ dễ tìm được khách hàng; bản thân họ cũng là những nơi tiên phong trong chuyển đổi số, có nhiều kinh nghiệm, kể cả tích lũy từ quá trình tư vấn cho khách hàng.
Tuy nhiên, dần dần khách hàng muốn số hóa cũng đã số hóa hết. Phong trào ESG nay đang bị phê phán là tô vẽ chứ không thực chất. Các hãng tư vấn, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng, sẽ phải nhận các khách hàng và các dự án dễ gây tranh cãi hơn, dễ dính vào các vụ bê bối hơn.
Dù sao hiện nay doanh thu bình quân trên mỗi nhân viên tại các hãng tư vấn lên đến 400.000 đô la/năm, cao hơn nhiều so với doanh thu bình quân đầu người tại 4 hãng kiểm toán lớn nhất, chỉ 140.000 đô la.
Vì thế các hãng tư vấn vẫn sẽ thu hút nhân tài từ khắp nơi (năm ngoái hãng McKinsey tuyển 8.000 nhân viên mới mà nhận được đến 800.000 đơn xin tuyển dụng), vẫn sẽ kiếm được các hợp đồng béo bở do khách hàng vẫn muốn dán nhãn đã được XYZ tư vấn lên các dự án lớn, nhất là các khách hàng chính phủ các nước.