(KTSG) - Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn các loại nhãn hiệu “thế hệ mới” như nhãn hiệu không thể nhìn thấy (âm thanh, mùi vị hay mùi hương), hay nhãn hiệu kết hợp nhiều phương tiện khác nhau như nhãn hiệu đa phương tiện (multimedia trademark).
- Sabeco được gì khi Bia Saigon là nhãn hiệu nổi tiếng?
- TPHCM tạm giữ hàng ngàn sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng
Chúng ta đã quen với khái niệm nhãn hiệu là những dấu hiệu nhìn thấy được như tên (Adidas, Levi’s, Philip), logo (hình cá sấu của Lacoste, bốn ô vuông màu đỏ, xanh dương, xanh lá và màu vàng của Microsoft), từ ngữ (Just do it), chữ cái (chữ F trong ô vuông màu xanh dương của Facebook), hay chữ số, màu sắc, hình dạng hoặc bao bì...
Đây là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất đối với người tiêu dùng, và cũng dễ đăng ký nhãn hiệu nhất, vì đáp ứng dễ dàng yêu cầu căn bản để đăng ký thành công nhãn hiệu: có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn các loại nhãn hiệu “thế hệ mới” như nhãn hiệu không thể nhìn thấy (âm thanh, mùi vị hay mùi hương), hay nhãn hiệu kết hợp nhiều phương tiện khác nhau như nhãn hiệu đa phương tiện (multimedia trademark). Do tính chất mới mẻ của các loại nhãn hiệu phi truyền thống này, việc đăng ký nhãn hiệu ở một số cơ quan về sở hữu trí tuệ (SHTT) không hẳn là dễ dàng.
Gần đây, một quyết định mới (số R 1490/2022-5) của Cục Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) đã góp phần tạo điều kiện cho các loại hình nhãn hiệu phi truyền thống nói trên được chấp nhận đăng ký. Hiểu rõ và chi tiết hơn quyết định này có thể giúp các doanh nghiệp hình dung về những trở ngại và cách thức vượt qua, để xây dựng tốt hơn chiến lược đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu.
Nếu như kể từ lần sửa đổi Luật SHTT 2022, nhãn hiệu âm thanh được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, thì nhãn hiệu mùi, vị giác hay đa phương tiện vẫn chưa được chính thức chấp nhận.
Năm 2019, công ty của Hà Lan mang tên Chiever B.V. đã đăng ký nhãn hiệu châu Âu (gọi là nhãn hiệu “Super Simon”) tại EUIPO (nếu như đơn đăng ký nhãn hiệu châu Âu được EUIPO chấp thuận thì nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ ở toàn bộ 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, thủ tục này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đăng ký).
Đây là một nhãn hiệu đa phương tiện, đăng ký cho ba nhóm sản phẩm và dịch vụ số 16, 33 và 41 (sách, rượu vang và các hoạt động văn hóa), thể hiện qua một video có độ dài 22 giây. Nội dung của đoạn video cho thấy một “siêu nhân” bay từ một tòa nhà “BOIP” tới một địa điểm nghỉ ngơi “Chiever” và hạ cánh xuống một chiếc ghế cạnh bể bơi trong bộ đồ tắm, thư giãn với một chiếc bàn cùng ly cocktail và hai quả trứng luộc.
Một số từ xuất hiện trong đoạn video, nhưng không có nghĩa liên quan tới nhau, như “BOIP, Kohlsaat Classification Corner, Ha ha ha, Super Simon, Gustafsson, Chiever, Hotel, Reserved for Super Simon, Laker Eieren”. Âm nhạc rộn rã kéo dài suốt chiều dài video, trộn lẫn với tiếng sóng biển.
Vào đầu năm 2020, người thẩm định của EUIPO thông báo cho bên nộp đơn rằng theo điều 7 (1) (b) của Quy định về nhãn hiệu của Liên minh châu Âu thì nhãn hiệu đa phương tiện nói trên không đáp ứng đủ yêu cầu để đăng ký bảo hộ. Cụ thể, theo người thẩm định, người tiêu dùng với khả năng nhận biết trung bình sẽ khó có thể nhận biết dấu hiệu đa phương tiện nói trên như một dấu hiệu nguồn gốc cho phép phân biệt hàng hóa, dịch vụ.
Cho dù người tiêu dùng không cần phải nhớ mọi chi tiết của dấu hiệu, thì đoạn video nói trên cũng vẫn chưa đủ để người tiêu dùng có thể xác định hàng hóa hay dịch vụ mà dấu hiệu này muốn nhắm đến.
Hơn nữa, dấu hiệu có sự phức tạp kết hợp nhiều yếu tố khác nhau (hình ảnh động, âm thành, màu sắc, từ ngữ...) lại không có chỉ dẫn nguồn gốc ở cuối đoạn video, nên người tiêu dùng sẽ có xu hướng cảm nhận dấu hiệu đa phương tiện này như một câu chuyện vui - và sẽ khó có thể coi câu chuyện này như dấu hiệu giúp xác định nguồn gốc sản phẩm. Nói tóm lại, “Super Simon” còn thiếu sự kết nối cần thiết với hàng hóa, dịch vụ gắn cùng nhãn hiệu, vì thế EUIPO từ chối cho đăng ký dấu hiệu này.
Trước quyết định này, Công ty Chiever B.V. phản bác rằng dấu hiệu có thể xác định nguồn gốc sản phẩm kèm theo, và là dấu hiệu mang tính khác biệt. Theo công ty này, thông điệp qua dấu hiệu rất rõ ràng và đơn giản: Super Simon chào tạm biệt để đến với một đích đến mới, cởi bỏ trang phục siêu nhân để nghỉ ngơi, thư giãn. Công ty này cũng nhấn mạnh rằng người tiêu dùng đã quen xem các quảng cáo sẽ dễ dàng nhận ra thông điệp căn bản trong dấu hiệu đa phương tiện này, và vì thế dấu hiệu có khả năng phân biệt.
Dấu hiệu đa phương tiện cần phải được “đối xử” như các dấu hiệu truyền thống, vì thế không buộc phải tuân theo các tiêu chí “ngoại lệ” khác. Không đồng ý với các lập luận của người thẩm định, bên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đã đề nghị Ban Kháng nghị (Board of Appeal) của EUIPO xem xét lại quyết định của người thẩm định.
Vào tháng 3-2023, Ban Kháng nghị đã chấp nhận yêu cầu của Công ty Chiever B.V. và bác bỏ quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu “Super Simon”. Theo Ban Kháng nghị, chỉ cần tồn tại một yếu tố (như âm thanh hoặc hình ảnh) có khả năng phân biệt trong dấu hiệu đa phương tiện, thì toàn bộ dấu hiệu sẽ được coi là có khả năng phân biệt.
Do bản chất “đa phương tiện”, dấu hiệu “Super Simon” mang tính phức tạp, nhưng điều này không làm cho người tiêu dùng bỏ qua thông điệp chính của dấu hiệu, đó là “Super Simon” quyết định đi đến một địa điểm nghỉ dưỡng. Ban Kháng nghị cũng nhắc lại rằng dấu hiệu đăng ký không bắt buộc cần phải truyền tải thông tin cụ thể về nguồn gốc nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Nếu như người tiêu dùng chưa quen với dấu hiệu đa phương tiện kết hợp nhiều yếu tố hình ảnh và âm nhạc như dấu hiệu xác định nguồn gốc sản phẩm, thì cuộc cách mạng số hóa buộc chúng ta phải ngày càng làm quen với những thay đổi này.
Những loại hình dấu hiệu mới sẽ tiếp tục ra đời và càng ngày sẽ càng có nhiều công ty hướng tới nhãn hiệu đa phương tiện. Rõ ràng là Ban Kháng nghị đã có một cách tiếp cận linh hoạt hơn rất nhiều, phù hợp với những thay đổi nhờ vào công nghệ hiện nay.
Cách tiếp cận linh hoạt của EUIPO nên là “hình mẫu” cho các cơ quan SHTT quốc gia, vì tới giờ, nhiều dấu hiệu “phi truyền thống” vẫn chưa được chấp nhận đăng ký như nhãn hiệu ở một số quốc gia. Ví dụ như ở Việt Nam, nếu như kể từ lần sửa đổi Luật SHTT 2022, nhãn hiệu âm thanh được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, thì nhãn hiệu mùi, vị giác hay đa phương tiện vẫn chưa được chính thức chấp nhận. Xin bổ sung rằng trong tiếng Việt, bản thân thuật ngữ “nhãn hiệu” có nghĩa là “dấu hiệu có thể nhận thấy bằng mắt”. Có lẽ đã đến lúc phải chọn một thuật ngữ khác phù hợp hơn.