Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi thành viên ‘lớn’ của công ty… trót dại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi thành viên ‘lớn’ của công ty… trót dại

Trương Trọng Hiểu (*)

(KTSG) – Thời gian qua, dư luận rộn ràng về một công ty cổ phần mới đăng ký thành lập với số vốn đăng ký lên đến hơn 500.000 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông đầu tiên nắm giữ 99,996% tổng số cổ phần. Con số 0,004% số cổ phần còn lại được chia đều cho hai cổ đông khác. Bỏ qua con số vốn điều lệ quá “khủng”, câu chuyện khiến chúng ta nghĩ đến một thực tế phổ biến khác: một thành viên nắm giữ tỷ lệ vốn cao, gần như tuyệt đối trong tổng vốn điều lệ của công ty.

Khi thành viên 'lớn' của công ty... trót dại

Vấn đề đặt ra là, với tỷ lệ nắm giữ vốn có phần “ưu thế” đó, thành viên “lớn” có cần… bảo trọng? Ngược lại, liệu rằng thành viên nắm giữ vốn thấp, giả dụ là 0,004%, có manh nối nào để “lật kèo” không?

“Cuộc chơi” rủi may bắt đầu

Để sát với thực tế phổ biến, đặc biệt là để có thể dễ hình dung, từ câu chuyện phân chia tỷ lệ vốn của công ty cổ phần nói trên, bài viết sử dụng mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên làm điển hình phân tích.

Thực tế, không hiếm những công ty TNHH được thành lập bởi hai thành viên mà trong đó có một thành viên góp vốn rất cao, trên 90% tổng vốn điều lệ. Bài viết gọi là thành viên thứ nhất.

Tình huống chủ quan quá mức càng thể hiện rõ khi công ty được thành lập với một bản Điều lệ không ghi nhận các quy định chi tiết, khác biệt với Luật Doanh nghiệp.

Vì vậy, về nguyên tắc, nội dung quy định của Luật Doanh nghiệp trở thành cơ sở pháp lý cho cả quá trình vận hành của công ty.

Điều đó cũng có nghĩa, thành viên còn lại góp vốn rất ít, dưới 10% trong tổng vốn điều lệ của công ty. Bài viết gọi là thành viên góp vốn thứ hai.

Điều đáng nói là có trường hợp, thành viên thứ nhất này rủ thành viên còn lại thành lập công ty vì… hợp tuổi cho dù thành viên được mời không có tiền góp vốn. Kết quả, thành viên thứ nhất có thể sẵn lòng bỏ tiền ra để thành viên kia nắm giữ một phần vốn tượng trưng.

Thành viên thứ hai coi như đã góp vốn bằng… niềm tin, vì đôi khi với số tiền nhỏ thành viên thứ nhất sẵn sàng “giao tiền” mà chẳng cần bất cứ một giấy tờ, bằng chứng cho, mượn nào. Rủi ro… mất của bắt đầu rình rập thành viên thứ nhất từ đó, bắt đầu từ sự… chủ quan và quá tin người.

Người thứ nhất đứng ra thành lập công ty nói trên luôn nghĩ rằng, người mình tin tưởng, cho vài phần trăm vốn dù gì cũng chỉ nắm giữ… vài phần trăm vốn. Quyền quyết định trong công ty dù sao cũng vẫn thuộc về mình, vì quyền biểu quyết và thông qua các quyết định của công ty bao giờ cũng cần phải có sự tán thành của số lượng thành viên nắm giữ một mức vốn nhất định.

Thậm chí, tình huống chủ quan quá mức càng thể hiện rõ khi công ty được thành lập với một bản Điều lệ không ghi nhận các quy định chi tiết, khác biệt với Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, về nguyên tắc, nội dung quy định của Luật Doanh nghiệp trở thành cơ sở pháp lý cho cả quá trình vận hành của công ty.

Hậu quả từ sự bất cẩn

Một ngày, thành viên nắm giữ chưa tới 10% vốn điều lệ yêu cầu thành viên kia triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên (HĐTV). Giận tím người, thành viên thứ nhất không triệu tập. Thành viên thứ hai vì vậy tự tuyên bố triệu tập cuộc họp. Triệu tập lần một, thành viên thứ nhất bỏ qua. Triệu tập lần hai, thành viên thứ nhất cũng không đến. Chớp thời cơ, thành viên thứ hai triệu tập ngay lần thứ ba, và tự mình “họp,” tự mình ra quyết định ngay cả khi thành viên thứ nhất không đến.

Cần phải hiểu rằng, với quy định hiện tại của Luật Doanh nghiệp, quy trình đề nghị triệu tập và triệu tập cuộc họp nói trên là hoàn toàn hợp pháp ngay cả khi thành viên thứ nhất giữ vị trí chủ tịch HĐTV kiêm luôn giám đốc công ty.

Cụ thể, điều 49 Luật Doanh nghiệp đã khẳng định, trong trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ thì (nhóm) thành viên còn lại sẽ có các quyền tương đương với thành viên, nhóm thành viên nắm giữ từ 10% vốn điều lệ trở lên. Một trong những quyền đó chính là quyền được yêu cầu triệu tập cuộc họp HĐTV. Nếu chủ tịch HĐTV không triệu tập thì thành viên, nhóm thành viên này sẽ đứng ra triệu tập cuộc họp (điều 57).

Vì vậy, việc triệu tập cuộc họp sẽ vẫn diễn ra. Đối với lần triệu tập lần thứ nhất hoặc lần thứ hai khi lần triệu tập đầu không thành công, các cuộc họp sẽ tiếp diễn nếu số thành viên tham dự nắm giữ tương ứng từ 65% hoặc từ 50% vốn điều lệ trở lên. Nhưng nếu ngay với lần triệu tập thứ hai mà thành viên thứ nhất không đến (nên không thỏa mãn điều kiện mở cuộc họp) thì cuộc họp cho lần triệu tập lần thứ ba sẽ mặc nhiên diễn ra mà không phụ thuộc vào số lượng thành viên hay tỷ lệ vốn mà thành viên tham dự nắm giữ.

Cho nên, cả giận thì cũng đừng quá mất khôn. Khi thành viên thứ hai triệu tập đến lần thứ ba rồi thì thành viên thứ nhất cần phải miễn cưỡng bước đến. Nếu không, thành viên thứ hai có thể thông qua bất kỳ quyết định gì, kể cả quyết định phế truất chức danh chủ tịch HĐTV lẫn giám đốc của thành viên thứ nhất.

Khi đó, quyết định đã được thành viên thứ hai đưa ra với tỷ lệ tán thành lên đến 100% tổng số vốn điều lệ mà các thành viên dự họp (chỉ có thành viên thứ hai) nắm giữ. Xin được nhắc lại, Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ biểu quyết để thông qua các quyết định của HĐTV trong công ty là dựa trên tổng vốn của các thành viên dự họp chứ không phải tổng vốn của tất cả các thành viên công ty.

Cho nên, nếu chỉ cần một lần bất cẩn mà bỏ qua sự lưu ý này thì những ông chủ “thật” của công ty có thể đối diện nguy cơ mất cả cơ đồ vào tay con ong đang được họ nuôi trong tay áo mình.

Một bài học khác từ câu chuyện cũ

Việc “nới cửa” cho thành viên nhỏ cũng là một trong những minh chứng cho thấy pháp luật có xu hướng “nghiêng mình” đôi chút về phía yếu thế. Trong tình huống trên, mọi thứ chỉ trở nên nguy cấp khi thành viên cậy mình “lớn” mà lơ là, khinh thường “đối tác”.

Trở lại với tình huống thành viên nhỏ góp tiền thật, và vì vậy có nhu cầu bảo vệ quyền lợi của mình trước sự lấn lướt của thành viên lớn, pháp luật còn mở ra nhiều cơ hội và thành viên nhỏ cũng cần phải tận dụng cơ hội đó để có thể bảo toàn lực lượng: Đòi hỏi sự có mặt của mình trong các quyết định của công ty.

Có thể sử dụng trở lại vụ tranh chấp nội bộ ở Công ty TNHH Bay Water mà chúng tôi có đề cập trong bài viết trước đây để bàn tiếp về câu chuyện này(1). Trong Bay Water, có hai thành viên góp vốn gồm Công ty Sun Wah và Công ty SATO với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 90% và 10%. Điều thú vị là, các bên đã thống nhất, và được ghi vào Điều lệ rằng, bất kỳ sửa đổi nào đối với điều lệ cũng cần phải có sự chấp thuận của 100% thành viên HĐTV. Như đã thảo luận ở bài viết trước, điều này đồng nghĩa, quyết định cho tình huống này cần phải có ý kiến của… cả hai.

Rõ ràng, quy định này đã bảo toàn sự hiện diện tuyệt đối của bên góp vốn ít, và thậm chí đã đặt SATO đứng ngang hàng với Sun Wah. Bởi lẽ, dù có nắm giữ tỷ lệ vốn góp rất lớn thì Sun Wah cũng không thể tự mình đưa ra quyết định cho tình huống nêu trên. Điều này đã dẫn đến tranh chấp khi Sun Wah đã tự mình ra quyết định sửa đổi điều lệ, và thay đổi tỷ lệ biểu quyết.

Tình huống này cho thấy Sun Wah đã “lỡ dại” bước vào hố sâu ngay từ đầu. Thay vì chỉ chấp nhận để tất cả các thành viên có mặt, tham gia biểu quyết đối với một số vấn đề hạn hữu thì Sun Wah đã vung tay quá trán đặt tình thế đó cho việc sửa đổi, bổ sung điều lệ. Tình thế này nguy nan là ở chỗ, theo lẽ thường, gần như tất cả các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành của công ty đều được ghi nhận trong… điều lệ.

Suy cho cùng, hệ quả này cũng xuất phát bởi sự lơ là và “một lần trót dại” của thành viên lớn cho dù pháp luật cũng đã phải đặt ra những lợi thế mà một thành viên góp vốn cao đáng được hưởng.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM.

(1)  Trương Trọng Hiểu, Tiếp cận quân bình khi làm luật: Thành viên lớn của công ty phải hy sinh?, Tạp chí KTSG, số 23-2021, 3-6-2021, tr. 56-57.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới