Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi trí tuệ nhân tạo bắt chước… giọng hát!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Về khía cạnh pháp lý, việc xuất hiện “giọng hát AI” làm dấy lên những câu hỏi về việc ai sẽ là chủ sở hữu quyền khai thác và đứng tên đối với các bài mà AI hát: người viết phần mềm AI, người sử dụng phần mềm AI để tạo ra bài hát, hay ca sĩ mà giọng hát bị “nhân bản” trong bài hát?

Các sử gia, cũng như các nhà xã hội học, chỉ ra ba mốc chính của cách mạng công nghiệp đã thay đổi hẳn thế giới của chúng ta từ hai thế kỷ nay. Mốc đầu tiên chính là sự ra đời của máy hơi nước, sau đó là phát minh ra điện, và mốc thứ ba gần đây nhất, kể từ nửa sau của thế kỷ 20, là sự xuất hiện của khoa học máy tính, mà đặc biệt là của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).

Những năm vừa qua, các thuật toán của AI càng phát triển nhanh chóng, thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người. Từ lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe, cho đến giáo dục hay quốc phòng, mọi lĩnh vực đều đang có những thay đổi sâu rộng, nhờ vào các thuật toán AI. Không chỉ thế, sáng tạo nghệ thuật, ngành được coi là thuộc tính của con người, giờ cũng đang bị AI… lấn sân.

Những ngày này, chúng ta chứng kiến AI sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết tiểu thuyết hay làm thơ, đối thoại với con người với khối lượng thông tin khổng lồ. Ngay cả ChatGPT cũng cho rằng “các chương trình máy tính đang mang lại những khả năng vô giới hạn để khám phá các loại hình biểu cảm nghệ thuật mới”.

Phản ứng của giới nghệ sĩ cũng khá đa dạng, từ lo lắng cho một tương lai AI sẽ thay thế, cạnh tranh với con người, đến hợp tác để tạo ra các tác phẩm số hóa, hay thậm chí tuyên bố “Nghệ thuật đã chết. AI đã thắng”, như Jason Allen, người giành giải thưởng trong một cuộc thi tranh ở Mỹ, nhờ vào một bức tranh do các thuật toán AI tạo ra.

Câu chuyện về AI và nghệ thuật vẫn còn tiếp diễn và đang càng làm cho những người yêu nghệ thuật phải bất ngờ. Gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc xôn xao vì sự xuất hiện của một loại hình tác phẩm âm nhạc mới, đó chính là những bài hát do AI làm ra. Những giọng hát…

AI này đặc biệt giống giọng hát các ca sĩ nổi tiếng thế giới, đến mức người nghe khó có thể phân biệt. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, một loại phần mềm AI sẽ có thể tổng hợp từ các nguồn trên mạng để “clone” (nhân bản) giọng hát con người.

Sau bài song ca AI giữa Drake và The Weekend mang tên Heart on My Sleeve của một người nặc danh trên TikTok dưới biệt hiệu Ghostwriter997, màn trình diễn của Jay-Z AI hay như album đình đám trên YouTube The Lost Tapes của nhóm Breezer giả giọng hát Liam Gallagher (ca sĩ chính ban nhạc Oasis), giờ đây đã tồn tại một số lượng không nhỏ các bài hát AI “giả thật” trên thế giới mạng.

Những bài hát AI cũng thu hút khán giả không kém bài “thật”, như Heart on My Sleeve đã đạt tới hàng triệu lượt nghe trên các nền tảng streaming (Spotify, Apple Music…).

Ở thời điểm hiện tại, luật về quyền tác giả không bảo vệ giọng hát… Đối với các bài hát AI, chỉ có ngôn từ, điệu nhạc của bài hát có thể nằm trong phạm vi áp dụng của luật bản quyền, chứ không thể là giọng hát, vốn được sinh ra một cách tự nhiên.

Ở Việt Nam, trào lưu này cũng đã xuất hiện, với giọng hát ảo Ann của Bobo Studio được cho là nhái giọng ca sĩ Thùy Chi, tung ra bài hát Làm sao nói thương anh.

Về khía cạnh pháp lý, việc xuất hiện “giọng hát AI” tất nhiên làm dấy lên những câu hỏi về việc ai sẽ là chủ sở hữu quyền khai thác và đứng tên đối với các bài mà AI hát: người viết phần mềm AI, người sử dụng phần mềm AI để tạo ra bài hát, hay ca sĩ mà giọng hát bị “nhân bản” trong bài hát?

Bài hát Heart on My Sleeve nói trên hiện đã bị các nền tảng streaming âm nhạc gỡ bỏ, sau yêu cầu của Universal Music Group. Ông lớn của ngành công nghiệp âm nhạc này cho là bài hát Heart on My Sleeve đã… vi phạm quyền tác giả của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, ở thời điểm hiện tại, luật về quyền tác giả không bảo vệ giọng hát, vì đây không phải là một sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hay khoa học. Đối với các bài hát AI, chỉ có ngôn từ, điệu nhạc của bài hát có thể nằm trong phạm vi áp dụng của luật bản quyền, chứ không thể là giọng hát, vốn được sinh ra một cách tự nhiên. Việc các nền tảng streaming gỡ bỏ bài hát Heart on My Sleeve có lẽ thực sự là do áp lực từ Universal Music Group (vốn cũng là cổ đông lớn của Spotify) tới các nền tảng âm nhạc.

Tất nhiên, chúng ta cũng có thể nghĩ tới việc bảo vệ giọng hát cá nhân, trên cơ sở quyền về đời sống riêng tư (giống như quyền đối với hình ảnh) hay quyền về dữ liệu cá nhân. Theo luật của Mỹ, nếu như nghệ sĩ có chất giọng đặc biệt thì chất giọng này còn được hưởng quyền bảo hộ của “publicity rights”, ngăn cản việc khai thác thương mại hình ảnh, tên tuổi hay các yếu tố cá nhân khác.

Ví dụ như năm 1988, ca sĩ Bette Mildler đã thắng kiện Công ty Ford trong một vụ kiện trên cơ sở quyền “publicity rights”, vì công ty này đã bắt chước giọng hát của bà để sử dụng trong một quảng cáo. Trong vụ kiện này, tòa án Mỹ cũng kết luận rằng Công ty Ford không vi phạm quyền tác giả của ca sĩ.

Theo một số chuyên gia pháp lý, có thể phân tích việc tổng hợp giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng từ nhiều bài hát khác nhau như là một hành vi vi phạm quyền tác giả, tuy nhiên lập luận này cũng sẽ vấp phải biện hộ rằng quá trình tổng hợp này được coi là “ngoại lệ” của quyền tác giả.

Ngoài ra, các nghệ sĩ “thật” còn phải đối mặt với một nỗi lo khác. Nhiều nghệ sĩ đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất âm nhạc cho phép sử dụng chính… giọng hát của mình. Vì thế, trong trường hợp các công ty sản xuất sử dụng giọng hát đã được chuyển nhượng quyền sử dụng để tung ra các bài hát mới, mà không cần tới nghệ sĩ, thì nghệ sĩ sẽ không thể ngăn cản hành vi này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới