Thứ Ba, 1/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khó kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khó kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng

Tư Hoàng

Khó kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng
Rất khó xác định sở hữu chéo ngân hàng sau khi các tổ chức tín dụng ra đời khá nhiều. Ảnh: TL TBKTSG Online.

(TBKTSG Online) - Vấn đề sở hữu chéo ở các ngân hàng thương mại đang ngoài tầm kiểm soát và làm tiến trình xử lý nợ xấu thêm khó khăn. Đây là cảnh báo của cả các cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang được nỗ lực giải quyết với ít kết quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một tài liệu phục vụ cho phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng rất tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát.

Bản báo cáo chuyên đề về tình hình triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế nhận định, tình trạng sở hữu chéo dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn chưa được minh bạch hóa và chưa kiểm soát một cách có hiệu quả.

Sở hữu ngân hàng-ngân hàng; ngân hàng-doanh nghiệp, doanh nghiệp-ngân hàng, trong đó đặc biêt là có một số nhóm cổ đông lớn vừa sở hữu ngân hàng, vừa sở hữu doanh nghiệp, tạo thành một “mạng lưới” sở hữu chéo phức tạp, tinh vi và rất khó kiểm soát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, và nợ xấu vẫn có nguy cơ gia tăng.

Cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đồng điệu với các tài liệu trong kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố gần đây, cho rằng sở hữu chéo ngân hàng như ma trận, và ở “mức báo động".

Các mối quan hệ sở hữu chéo được hình thành chằng chịt giữa các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), ngân hàng thương mại nước ngoài, các quỹ tài chính, doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân.

Chẳng hạn, sở hữu của các NHTMNN tại các NHTMCP. Đến thời điểm cuối 2011, có 8 NHTMCP có quan hệ cổ phần với 4 NHTMNN. Tiêu biểu là Vietcombank, hiện đang sở hữu 11% tại Ngân hàng Quân Đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại Ngân hàng Phương đông, 5,3% tại Ngân hàng Sài Gòn.

Sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP: hiện có ít nhất 6 NHTMCP có cổ đông là một NHTMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.

Sở hữu NHTMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân. Đến thời điểm cuối 2011 có khoảng gần 40 các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NHTMCP. Hơn nữa hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Ngân hàng sở hữu các công ty chứng khoán, đầu tư tài chính, bảo hiểm, bất động sản: thông tin thu thập từ 4 NHTMNN và 8 NHTMCP lớn nhất cho thấy 11/12 ngân hàng có công ty chứng khoán là công ty con hoặc công ty liên kết, 8/12 ngân hàng có công ty quản lý quỹ, đầu tư tài chính, 9/12 ngân hàng có công ty con hoặc công ty liên kết đầu tư bất động sản, và 5/12 ngân hàng có vốn góp tại các công ty bảo hiểm.

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254 đầu năm 2012. Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 8 phương án tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ:

- Xem xét, tiến tới không sử dụng trần lãi suất huy động, tạo điều kiện để thị trường tiền gửi tiết kiệm và cho vay trở lại hoạt động bình thường trong môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

- Ban hành các quy định cần thiết để đẩy nhanh việc bán các tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu.

- Báo cáo đầy đủ kết quả tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại yếu kém; giải pháp tái cơ cấu tiếp theo, thời hạn hoàn thành tái cơ cấu đối với từng ngân hàng cụ thể.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới