Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khoa học mở – từ lý thuyết đến thực tế

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở một số quốc gia, khoa học mở đã được luật hóa. Ví dụ như ở Pháp có Luật về Cộng hòa số (2016)...

Chúng ta hiện nay đang sống trong một nền kinh tế tri thức, nơi tài sản trí tuệ ngày càng trở nên thiết yếu cho sự thành công của doanh nghiệp, vì đây là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một phần lớn của tài sản trí tuệ chính là các kết quả nghiên cứu khoa học được Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo hộ. Tất nhiên, trước khi đăng ký bảo hộ, các kết quả nghiên cứu này cần được giữ bí mật, để không bị mất quyền đăng ký bảo hộ bằng sáng chế.

Vì thế, ít người biết rằng ngoài hệ thống bảo hộ tài sản trí tuệ bởi Luật SHTT, còn có một khuynh hướng khác, có tên gọi là khoa học mở. Khái niệm này đã tồn tại từ rất lâu, song song với sự ra đời của Luật SHTT. Không ít nhà khoa học trên thế giới ủng hộ việc tự do trao đổi kết quả nghiên cứu, không bị Luật SHTT cản trở. Ý tưởng này cũng được hiện thực hóa qua những dự án như Gutenberg (1971), ArXiv.org (1991), Budapest Open Access Initiative (2002)..., là những dự án tập trung vào việc tạo điều kiện tiếp cận kiến thức cho tất cả mọi người.

Đặc biệt, cần phải nhắc đến phong trào “tự do” tiếp cận sáng tạo trí tuệ Open Source, mà chủ sở hữu quyền SHTT cho phép người dùng sử dụng miễn phí phần mềm và mã nguồn, tạo nên một “miền công chúng” nơi mọi người có thể tự do sử dụng sáng tạo. Sau đó, vào những năm 2000, nổi lên phong trào Open data (dữ liệu mở). Đến nay đã có hơn 40 quốc gia thực hiện chính sách dữ liệu mở này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc tự do chia sẻ kết quả nghiên cứu, vì nhận thấy rằng hệ thống quyền SHTT vẫn là cần thiết để đảm bảo sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và nâng cao kiến thức nói chung. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, những người ủng hộ tự do chia sẻ, tiếp cận kiến thức bị coi là thách thức, vi phạm pháp luật SHTT. Năm 2013, cả thế giới sửng sốt trước vụ tự vẫn của sinh viên người Mỹ Aaron Swartz, người không chịu nổi áp lực từ cơ quan điều tra vì tội cố tình truyền bá vô số tài liệu nghiên cứu khoa học mà không được phép.

Để dung hòa quyền SHTT và quyền tiếp cận kiến thức khoa học, năm 2021, UNESCO ra khuyến nghị khoa học mở, khẳng định tầm quan trọng của khoa học mở trong việc cải thiện chất lượng nghiên cứu, rút ngắn khoảng cách về mức độ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa và trong các quốc gia. Ở đây, khoa học mở có thể được hiểu là việc công bố, truyền tải rộng rãi các bài nghiên cứu, dữ liệu, phần mềm nghiên cứu... thực hiện bằng các nguồn vốn công. Mục đích của khoa học mở, vì thế, là cho phép tất cả mọi người có thể tiếp cận kiến thức, tạo điều kiện nghiên cứu học tập và đổi mới khoa học. Có thể nói khoa học mở không chỉ có mục đích kinh tế, mà nó còn có mục đích phát triển xã hội nói chung.

Năm 2021, UNESCO ra khuyến nghị khoa học mở, khẳng định tầm quan trọng của khoa học mở trong việc cải thiện chất lượng nghiên cứu, rút ngắn khoảng cách về mức độ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa và trong các quốc gia.

Cũng cần bổ sung rằng, từ năm 1999, UNESCO đã rất ủng hộ việc đưa mọi thông tin dữ liệu thuộc về miền công chúng lên mạng Internet, để tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người, cũng như khuyến khích phát triển và phổ biến phần mềm có mã nguồn mở. Trong Tuyên bố về khoa học và việc sử dụng kiến thức khoa học, UNESCO khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu và giảng dạy khoa học, của việc tiếp cận dữ liệu thuộc về miền công chúng, khuyến khích các quốc gia xây dựng thư viện dữ liệu mở liên quan tới các công nghệ thân thiện với môi trường, cũng như xây dựng các cơ chế cho phép công chúng tiếp cận dễ dàng hơn các thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học.

Ở một số quốc gia, khoa học mở đã được luật hóa. Ví dụ như ở Pháp, Luật về Cộng hòa số (2016) có quy định về việc tổ chức tự do tiếp cận các cơ sở dữ liệu của các cơ quan hành chính, hay cho phép tác giả nghiên cứu khoa học được quỹ công tài trợ ít nhất một nửa được tự do công bố rộng rãi nghiên cứu này ra công chúng, hay thậm chí cho phép sao chép từ nguồn hợp pháp các tài liệu và dữ liệu nằm trong các nghiên cứu khoa học vì mục đích nghiên cứu, ngoại trừ mọi mục đích thương mại.

Để hiểu rõ hơn khoa học mở, chúng ta có thể lấy hai ví dụ sau.

Thứ nhất là các phần mềm và mã nguồn. Không mấy ngạc nhiên khi cộng đồng khoa học thường nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc tự do tiếp cận mã nguồn, thậm chí còn đưa ra và phát triển ý tưởng “li xăng” cho phép công chúng sử dụng mã nguồn, cũng như việc hợp tác phát triển mã nguồn. Phần mềm đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, nó vừa là công cụ, vừa là kết quả và là đối tượng nghiên cứu.

Việc cho phép sử dụng, thay đổi và truyền bá mã nguồn là điều kiện tiên quyết cho phép phát triển nghiên cứu khoa học, khuyến khích chia sẻ và tạo ra kiến thức mới. Phần mềm được Luật SHTT bảo hộ như tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số quốc gia đang xuất hiện khuynh hướng làm giảm vai trò của Luật SHTT đối với phần mềm. Khoa học mở đang được coi là bước đi tiếp theo của phong trào phần mềm mở và dữ liệu mở.

Thứ hai là các nghiên cứu thiên văn học. Chúng ta chắc hẳn từng đặt câu hỏi làm thế nào mà các nhà thiên văn học có thể thu thập được các dữ liệu cần thiết cho nghiên cứu? Thực tế thì ngành thiên văn học là ngành khoa học mà các nhà khoa học chia sẻ thông tin dễ dàng nhất qua những cơ sở dữ liệu trên mạng, mà phần lớn là các dữ liệu quan sát qua kính viễn vọng trên mặt đất hay trên không gian.

Lý do chính của việc chia sẻ này không chỉ là khoa học, mà còn là kinh tế: cần đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các cơ sở vật chất cho nghiên cứu thiên văn học, và vì thế các nhà khoa học chú trọng việc tái sử dụng dữ liệu, kết quả nghiên cứu. Hiện nay, các dữ liệu về thiên văn học đều là dữ liệu mở và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận để sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới