Thứ Bảy, 18/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền khoa học coi nhẹ lý thuyết: Xây lâu đài trên cát mỏng

Lâm Nghi(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong giờ học về sở hữu trí tuệ, khi được hỏi lý do tại sao pháp luật về sáng chế không bảo hộ các phát minh, lý thuyết khoa học hay phương pháp toán học, một sinh viên nửa đùa nửa thật đã trả lời rằng vì các vị nghĩ ra các lý thuyết này chả mất công mất sức làm gì ngoài suy nghĩ, hơn nữa, lý thuyết thì chỉ lý thuyết suông, không có giá trị thực tiễn. Câu trả lời đã khiến cả lớp bật cười. Còn giảng viên, người viết bài này, thực sự không biết nên cười hay nên khóc với câu trả lời trên. Bởi lẽ, dù nghe có vẻ khá ngây ngô, nhưng câu trả lời có lẽ phản ánh khá đúng tâm lý chung của xã hội chúng ta ngày nay: coi nhẹ các vấn đề lý thuyết.

“Mọi lý thuyết đều màu xám

Và cây đời vĩnh viễn xanh tươi”

Chúng ta chắc đã từng đọc được hai câu này trong bài thơ “Và cây đời mãi mãi xanh tươi” của nhà thơ Xuân Diệu. Đây là câu thơ trong tác phẩm nổi tiếng “Faust” của nhà thơ Đức vĩ đại, Johann Wolfgang (von) Goethe. Con quỷ Mephistopheles đã dùng câu nói này để dụ dỗ anh chàng Faust tội nghiệp hãy rời xa kiến thức mà tận hưởng lạc thú của cuộc đời.

Bối cảnh của câu nói là vậy, tuy nhiên, trong thực tế, từ lâu người ta thường hay trích dẫn chúng để phê phán “chủ nghĩa lý thuyết suông”, nghĩa là quan điểm tuyệt đối hóa lý thuyết mà xa rời thực tiễn dẫn đến hệ quả lý thuyết không áp dụng được trong thực tế. Thậm chí, có người còn đi xa hơn, cho rằng mọi lý thuyết đều không quan trọng bằng thực hành. Vậy, bỏ qua sự không tương thích của cách diễn giải này với bối cảnh của câu nói trong tác phẩm gốc, thì liệu lý thuyết có luôn là “màu xám”?

Lý thuyết có luôn là “màu xám”?

Trên bước đường lịch sử, để đi đến văn minh tiến bộ như ngày hôm nay, nhân loại đã xây dựng nên hàng loạt lý thuyết trong tất cả các lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật đến xã hội nhân văn. Không có các lý thuyết này, loài người vẫn còn mãi đắm chìm trong thời kỳ tối tăm với những công cụ lao động thô sơ và đời sống nghèo nàn.

Bởi lẽ, lý thuyết phản ảnh tư duy logic hệ thống và khả năng khái quát hóa các tri thức, tìm ra quy luật chung của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, làm nền tảng cho các ứng dụng thực tiễn đáp ứng nhu cầu của con người. Một xã hội không có khả năng tư duy này sẽ không thể nào phát triển được. Từ cổ chí kim, từ Đông tới Tây, không có một nền văn minh nào, không có một quốc gia hùng mạnh nào mà vắng bóng các nhà lý thuyết với các học thuyết khoa học vĩ đại.

Trung Hoa cổ đại hùng mạnh có Lão Tử, Mặc Tử hay Khổng Tử. Hy Lạp văn minh không thể thiếu vắng Thales và Pythagoras, Archimedes và Socrates, Plato và Aristotle.

Hãy tưởng tượng mà xem, nếu không có ba định luật nổi tiếng của Newton thì con người hẳn còn phải lao động tay chân vì không có máy móc cơ giới hóa. Và các thành tựu trong công cuộc khám phá vũ trụ của nhân loại ngày nay hẳn đã “nợ” Einstein rất nhiều vì Thuyết tương đối của ông.

Trong lĩnh vực chính trị – xã hội, không có các triết gia khai sáng như E. Kant, G.W.F Hegel hay J.J. Rousseau với các học thuyết về xã hội dân sự làm tiền đề tư tưởng cho các cuộc cách mạng tư sản châu Âu thì nhân loại ngày nay hẳn còn chưa biết gì về chế độ dân chủ đại nghị với hình thức xã hội dân chủ tiến bộ. Và nếu không có K. Marx, F. Engel hay V.I. Lenin với học thuyết cách mạng vô sản sẽ không có các cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa trên toàn thế giới trong thế kỷ 20, càng không có một Việt Nam độc lập như hiện giờ.

Một cái nhìn điểm qua vai trò của lý thuyết tác động lên sự tiến bộ của nhân loại như trên cho thấy các lý thuyết khoa học không hề “màu xám”. Chúng mang màu xanh đầy sức sống, vì chúng chính là nền tảng tri thức của loài người, để trên đấy, hàng loạt các ứng dụng thực tiễn được vun trồng và đơm hoa kết trái.

Một tay không thể vỗ nên kêu!

Sự tách biệt giữa lý thuyết và thực hành: lý thuyết không thông, thực hành không tới. Nói như vậy không có nghĩa là thực hành là không quan trọng. Lý thuyết và thực hành luôn phải song hành, như hai bàn tay trên một cơ thể người. Một ngành khoa học muốn phát triển cần phải có cái bắt tay chặt chẽ giữa nhà khoa học lý thuyết và nhà thực nghiệm. Một ngành nghề muốn thịnh vượng cần phải có sự phối hợp giữa lĩnh vực nghiên cứu và thực hành. Bởi lẽ, hoạt động ứng dụng không thể hiệu quả nếu thiếu cơ sở lý thuyết vững chắc, ngược lại, thực tiễn là nguồn “nguyên liệu” đầu vào giúp lý thuyết bổ sung, hoàn thiện theo thời gian.

Mặc dù có cải thiện theo thời gian nhưng có vẻ sự phối hợp này ở Việt Nam vẫn còn khá bất cập. Điều đó dẫn đến hiện tượng dở khóc dở cười: nhà nghiên cứu coi thường người thực hành vì cho rằng họ thực hành “thiếu bài bản”; ngược lại, nhà hoạt động thực tiễn lại coi thường nghiên cứu gia vì cho rằng họ chỉ “lý thuyết suông”. Cả hai bên không hề nhận thấy sai lầm của “bên kia” là có phần lớn xuất phát từ sự thiếu phối hợp từ phía bên mình. Hậu quả xảy đến sẽ là một nền kinh tế được vận hành bởi những người “lý thuyết không thông, thực hành không tới” – một thực tế không quá hiếm ở Việt Nam hiện nay.

Từ đó, có một hiện tượng tâm lý khá phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay, mà người viết tạm gọi là tâm lý “tiến thoái lưỡng nan”, trong lựa chọn nghề nghiệp: không thích “làm thợ” (có lẽ vì thợ thì… “không sang” (?), nhưng cũng không hẳn coi trọng “thầy” chỉ bởi vì quan niệm “lý thuyết là lý thuyết suông”.

Tẩy chay nghiên cứu lý thuyết: một quan niệm sai lầm

Năm 2023, một tờ báo lớn từng chạy dòng tít đầy ấn tượng: “Đề xuất ứng viên GS, PGS phải có công trình ứng dụng thực tế: Không thể mãi tiến sĩ lý thuyết”(1). Bài báo phản ánh ý kiến của một cử tri TPHCM đề xuất chỉ được xét chức danh Phó giáo sư/Giáo sư nếu ứng viên có ít nhất một công trình ứng dụng được trong cuộc sống, để chấm dứt tình trạng “tiến sĩ mang nặng tính lý thuyết” hay “công trình nghiên cứu bỏ ngăn bàn”. Đề xuất này phản ánh rất rõ hai vấn đề trong góc nhìn về lý thuyết của xã hội Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, tình trạng những nghiên cứu kém chất lượng nhưng vẫn dễ dàng “lọt cửa” hội đồng cầm cân nảy mực khiến xã hội thất vọng. Thỉnh thoảng, nhưng không phải là hiếm, các luận án tiến sĩ hay các công trình nghiên cứu khoa học “làm cho có” vẫn bị mổ xẻ trên truyền thông. Điều này có thể giải thích một phần dưới góc độ văn hóa. Việt Nam với nền văn hóa Á Đông, chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Khổng Nho nên học hành thi cử để có danh có phận là một phần quan trọng trong quan niệm của người Việt. Tuy nhiên, chúng ta trọng học lắm khi chỉ vì mưu cầu danh lợi, không phải vì khao khát tri thức hay chân lý tột cùng nên sự học trở nên nửa vời. Lý thuyết không được tiếp thu đến đầu đến đũa thành ra một phiên bản què quặt, không áp dụng được vào thực tiễn.

Thứ hai, từ thực tế trên, xã hội nảy sinh tâm lý “chán ghét” lý thuyết nói chung và yêu cầu các nghiên cứu lý thuyết ngay lập tức cần được kiểm tra, không phải bởi những con người với đánh giá chủ quan thiếu tin cậy, mà bởi thực tiễn, bởi vì thực tiễn không biết nói dối. Một sự phản ứng như thế là có thể hiểu được trong bối cảnh xã hội dần bội thực với các nghiên cứu giả danh khoa học.

Tuy nhiên, vì điều này mà nảy sinh tâm lý tẩy chay các nghiên cứu lý thuyết thực thụ là đáng quan ngại. Một xã hội coi nhẹ lý thuyết sẽ không thể phát triển vì thiếu cái gốc vững chắc cho những nghiên cứu ứng dụng thực tiễn được triển khai. Thật vậy, không có lý thuyết nhận diện và mô tả các quy luật chung, các hoạt động ứng dụng chỉ có thể mò mẫm với các nghiên cứu mang tính “thử và sai” lặp lại nhiều lần cực kỳ thiếu hiệu quả và tốn kém.

Một thực tế hiển nhiên rằng, các nghiên cứu lý thuyết phải chịu sự thử thách nhất định trước khi chúng được thực tiễn khẳng định. Nhưng không phải vì thế mà việc theo đuổi những nghiên cứu này là phí phạm hay vô ích. Trong quá khứ, không thiếu những nghiên cứu lý thuyết vĩ đại từng chịu sự nghi ngờ, thậm chí dè bỉu trong một thời gian dài trước khi chúng được kiểm nghiệm trên thực tế. Và tất nhiên điều đó không làm giảm đi giá trị khoa học to lớn của chúng.

Thuyết tương đối của Einstein đã liên tục bị nghi ngờ và tranh cãi cho đến khi được chứng minh là đúng đắn bởi một quan sát thực nghiệm hiện tượng nhật thực toàn phần năm 1919. Hay lý thuyết về hình học phi Euclide của Lobachevsky bị coi nhẹ, thậm chí cười cợt trong một thời gian dài vì bị cho là vô ích cho đến hơn mười năm sau khi ông qua đời, khi nó được khẳng định bởi nhà toán học vĩ đại người Đức Riemann.

Điều đó cho thấy rằng, một lý thuyết được nghiên cứu nghiêm cẩn và đảm bảo các nguyên tắc khoa học hoàn toàn là một cống hiến có ý nghĩa cho kho tàng tri thức chung của nhân loại cho dù chúng ta không thấy được tính ứng dụng của chúng ngay khi mới ra đời.

Rõ ràng, tâm lý coi thường lý thuyết không nên tồn tại trong một quốc gia vì nó làm suy yếu nền móng khoa học của quốc gia đó. Trong thời đại ngày nay, muốn phát triển một nền kinh tế bền vững để xây dựng một đất nước hùng cường mà thiếu đội ngũ các nhà khoa học nắm vững các lý thuyết mới tiến bộ thì chả khác nào quốc gia đó đang xây lâu đài trên cát mỏng.

(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật

(1) Nghiêm Huê, Đề xuất ứng viên GS, PGS phải có công trình ứng dụng thực tế: Không thể mãi tiến sĩ lý thuyết, Báo Tiền Phong, 25-5-2023, truy cập tại https://tienphong.vn/de-xuat-ung-vien-gs-pgs-phai-co-cong-trinh-ung-dung-thuc-te-khong-the-mai-tien-si-ly-thuyet-post1537733.tpo , ngày truy cập 21-4-2024.

2 BÌNH LUẬN

  1. Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và phụng sự nhân loại. Thực tiễn được dẫn đường bởi lý thuyết. Nhưng lý thuyết luôn đi sau thực tiễn và không thể thay thế được thực tiễn. Chúng ta luôn cần những con người nắm chắc, hiểu sâu về lý thuyết. Nhưng đồng thời cũng khẳng định không cần và nên loại bỏ tệ nạn mọt sách. Như thế, xã hội và nhân loại mới tiến bộ được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới