Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khoảng xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khoảng xanh

Công Thắng

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Từ khi cái cao ốc hơn mười tầng nơi khu phố của hắn được đưa vào sử dụng thì chiều nào cũng có đông người tụ tập hóng mát hoặc chơi đùa trên khoảng sân trống lát gạch, trồng hoa trước mặt tiền. Phần đông là người già và trẻ con từ các dãy nhà ống, chung cư và xóm hẻm chung quanh túa ra, “chiếm dụng”.

Kể ra, khoảng sân này không lớn, sát đường nội bộ, không đủ độ lùi đối với một cao ốc như các nhà thiết kế vẫn đòi hỏi nhưng như thế cũng là khá “sang” đối với một khu phố dày đặc nhà cửa, nườm nượp xe cộ, lại nằm xa các công viên như ở đây. Và trong cái nóng ngùn ngụt của Sài Gòn mùa này, khoảng không gian đó bỗng dưng biến thành một góc công viên quý giá để họ thoát ra khỏi cái bức bối ngột ngạt, để đón chút gió trời và vận động thư giãn.

Mấy dãy bậc tam cấp dài được trưng dụng làm ghế đá, mấy bồn hoa thay cảnh trí cây xanh, mặt sân thành nơi các cụ già đi dạo, các bà mẹ đẩy xe nôi, trẻ con nô đùa… Cảnh ấy đôi khi làm hắn chạnh lòng: liệu những người phải “hưởng nhờ” một chút khoảng sân ấy có biết – hay biết mà đã quên – rằng quy hoạch khu dân cư đô thị mới này đã bị sửa đi sửa lại cho đến khi những hạng mục nhà trẻ, vườn hoa biến mất…

Chủ nhật vừa rồi, mới sáng mà không khí đã oi nồng, lại ồn ào cái đám cãi lộn trong hẻm, hắn bèn xướng lên chuyện tìm nơi thoáng mát thư giãn. Cả nhà sôi nổi bàn tính, ý kiến thì nhiều mà chẳng gút lại được: đi xa thì không đủ thời gian, đến các công viên thì chỉ thấy toàn tượng xi măng và nhà hàng tiệc cưới; đến khu giải trí ngày này chỉ tổ chen chúc mệt mỏi, lại có thể bị “chặt chém” đủ kiểu…

Cuối cùng cô con gái út có sáng kiến: “Đi cà phê sân vườn. Con biết một quán thoáng mát lắm, nhạc cũng hay nữa”. Đúng là một cái quán thiết kế đẹp, rộng rãi, thoáng mát với vài nếp nhà gỗ nằm trong khu vườn rợp cây cối và dây leo xanh, lại thêm dòng suối nhân tạo chảy róc rách giữa những lớp đá cuội. Nhưng hỡi ôi, đứng chờ khá lâu mà không tìm ra chỗ cho năm người: bàn nào cũng đầy kín người, nhân viên phục vụ chạy tới chạy lui toát mồ hôi.

Hắn quan sát thấy nhiều người đưa cả gia đình cùng đi và mang theo cả máy ảnh để chụp. Khá bất ngờ với hắn là có vài bàn để sẵn mảnh bìa ghi “bàn đặt”. Hóa ra đi cà phê sân vườn ở những quán như quán này cũng phải đặt bàn trước nếu muốn có chỗ ngồi vừa ý! Hắn hiểu ra rằng có biết bao người sống chen chúc ở đô thị này thèm chút không gian xanh thoáng đãng, thèm chỗ thư giãn nhẹ nhàng cuối tuần như hắn. Khổ nỗi, những nơi chốn như thế thì lác đác, còn lượng người tìm đến thì ùn ùn, và khi cùng dồn vào thì nảy ra chuyện… phải đặt bàn. Cuối cùng, cả nhà hắn cũng tìm được chỗ, nhưng ở trong một góc hẹp, chẳng thoáng mát chút nào. Hắn tự an ủi, ít ra mình cũng biết thêm một địa chỉ cà phê đặc biệt.

Nghĩ cũng kỳ, ngày ngày cắm đầu cắm cổ chạy xe trên đường, hứng chịu khói bụi, kẹt xe, hì hục làm việc kiếm tiền, rồi trở về lẩn quẩn trong bốn bức tường ôm cái ti vi, máy tính thì cứ việc, “chẳng sao” cả, nhưng tìm được những khoảng không gian xanh, yên bình để thư giãn giữa một đô thị đất đai rộng cả ngàn ki lô mét vuông, lắm sông nhiều rạch thì sao khó quá!

Hắn thường nghe cái điệp khúc: văn minh đô thị chẳng phải chỉ thể hiện ở số lượng cao ốc hiện đại, xa lộ ngang dọc, khu công nghệ nhộn nhịp… mà còn ở chỗ cư dân đô thị được hít thở bao nhiêu không khí trong lành, được dành bao nhiêu mảng công viên cây xanh để đi dạo, chơi đùa, được bao nhiêu chỗ ngồi trong các nhà hát tử tế, được bao nhiêu sân bóng, nhà tập thể dục… Cái điệp khúc ấy nói đến xứ nào vậy?

Bây giờ, nhiều người muốn trốn cái ngột ngạt của Sài Gòn bằng cách đi du lịch hoặc tìm đến những nơi chốn vắng vẻ xa thành phố. Cái nhu cầu “ra ngoài” đô thị ấy ngày càng tăng. Ra ngoài với trời xanh, với sông nước, với bước chân chậm rãi trên con đường thưa vắng rợp bóng cây, với đôi tai nghe tiếng gió thoảng với con mắt thấy màu nắng trong trẻo ngập tràn, thấy mình thảnh thơi, thấy người khác gần gũi, tin cậy. Nhưng nhiều lúc “ra ngoài” cũng không dễ, nhất là vào các dịp hè, những ngày lễ, Tết. Có khi chưa kịp ra khỏi cửa ngõ thành phố đã phải quay trở vào.

Rồi, hắn lại nhớ câu chuyện anh bạn bác sĩ vừa kể: mấy tháng trước, nhân một đợt nghỉ lễ, anh lái xe đưa cả nhà đi Đà Lạt nghỉ ngơi sau nhiều lần phải hoãn vì công việc bận rộn. Nhưng xe chỉ vừa mới ra đến cầu Sài Gòn thì kẹt cứng, chịu trận cả mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng anh đành tìm cách quay về. Căng thẳng, mệt mỏi, anh bạn đành mượn câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh để hóa giải theo kiểu thầy thuốc tự chữa bệnh: “Thôi về đi, đường trần đâu có… gì!”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới