(KTSG Online) - Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 14-7 đã khai trương đoàn tàu container lạnh Sóng Thần – Đồng Đăng, hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản, hàng có giá trị cao cần được bảo quản tốt, sau đó được trung chuyển sang Trung Quốc.
- Bộ Giao thông Vận tải đề xuất kéo dài ‘tuổi thọ’ đầu máy, toa xe đường sắt
- Xây dựng ga Sóng Thần thành ga liên vận hàng hóa đi Trung Quốc, châu Âu
TTXVN đưa tin, ngày 14-7 tại ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương đoàn tàu container lạnh Sóng Thần – Đồng Đăng, sau đó hàng hóa được chuyển tiếp sang Trung Quốc.
Khối lượng vận chuyển của đoàn tàu khoảng 900 tấn với 21 toa xe Mc chở container 40 feet lạnh, chiều dài tối đa 325 m. Thời gian vận chuyển 72 giờ do hiện ngành đường sắt đang thi công gói cải tạo, nâng cấp cầu đường sắt, thời gian sẽ được rút ngắn sau khi hoàn thành sửa chữa.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ngành đường sắt đã triển khai đoàn tàu container lạnh nhằm mở rộng thị phần vận tải vốn rất khiêm tốn; thông qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với chi phí hợp lý và an toàn hơn. Hàng hóa vận chuyển trên các đoàn tàu này chủ yếu là hàng nông sản, hàng có giá trị cao cần được bảo quản tốt.
Cũng theo TTXVN, ga Sóng Thần trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương nằm sát quốc lộ 1A giáp ranh với TPHCM có khả năng kết nối với nhiều tỉnh. Theo nghiên cứu của UBND tỉnh Bình Dương, với lợi thế đã được cấp mã liên vận, ga Sóng Thần hướng đến trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm ở khu vực phía Nam.
Năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần đạt 1,27 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Do chưa thực hiện liên vận quốc tế, hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải tại ga Sóng Thần mới chỉ chiếm khoảng 10-15% sản lượng của ga.
Nếu việc làm thủ tục xuất nhập khẩu tại ga được thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống và giảm chi phí trong giai đoạn "đứt gãy" hệ thống logistics bằng đường biển.