Khởi nghiệp mà chưa hiểu nghề, đừng vội làm
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Không có bất kỳ công thức nào để giúp khởi nghiệp thành công, nhưng muốn chiến thắng trong khởi nghiệp, thì chắc chắn phải đáp ứng được những đòi hỏi về nhu cầu của thị trường, theo nhận định của các doanh nghiệp tại hội thảo “Công thức để khởi nghiệp thành công”.
Dừa là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre chọn để khởi nghiệp, trong đó, có Công ty dừa Lương Quới. Ảnh: Trung Chánh |
Tại hội thảo với chủ đề nêu trên diễn ra hôm nay, 25-4, ở tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Rynan Holdings JSC nhấn mạnh: “Thật ra không có công thức nào để khởi nghiệp thành công hết”.
Theo ông Mỹ, khởi nghiệp đơn giản xuất phát từ nhu cầu các vấn đề của xã hội, nhu cầu của thị trường, tức cần có giải pháp đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường. “Khi có ý tưởng, giải pháp, thì mình nghĩ đến thị trường có lớn hay không và sau đó tìm người đồng hành”, ông cho biết và nói rằng khi đó sẽ phát triển sản phẩm, thử nghiệm thị trường để tìm được sản phẩm phù hợp với thị trường.
Bước kế tiếp, theo ông, đó là bắt đầu nghĩ đến chuyện tăng vốn khi có được sản phẩm “chiến”, tức có thể đưa ra thị trường, có thể bán được thông qua gọi vốn hoặc vay vốn để tăng công suất.
Ông Mỹ tái nhấn mạnh, khởi nghiệp không có công thức thành công, nhưng có thể gom lại những “kinh nghiệm” đã qua để đưa ra cách thức nhằm giúp những người mới khởi nghiệp có cơ hội tiếp xúc với những kinh nghiệm của những người đi trước nhằm tạo thành công trong khởi nghiệp.
Ông Cù Văn Thành, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty dừa Lương Quới- một đơn vị chế biến dừa xuất khẩu lớn tại tỉnh Bến Tre- cho biết, trước thời điểm đổi mới cũng có nhiều đơn vị đã từng tham gia khởi nghiệp vào sản xuất chế biến dừa, nhưng thất bại vì lúc bấy giờ còn bị bao vây bởi cấm vận, không có thị trường...
“Tóm lại, muốn thành công chúng ta sản xuất phải gắn với thị trường, phải theo mệnh lệnh của thị trường và thực hiện đúng lúc, đúng thời cơ mới thành công”, ông Thành nhấn mạnh và nói rằng đó là những “bài học” mà Lương Quới đã rút ra trong quá trình khởi nghiệp.
Chính nhờ khởi nghiệp đúng lúc, nắm bắt được nhu cầu thị trường nên theo ông Thành, hiện quy mô nhà máy của đơn vị này đã phát triển lên đến 10 héc ta, sử dụng trên 1.000 lao động để sản xuất khoảng 50.000 tấn sản phẩm/năm, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Thành, muốn thành công trong khởi nghiệp, thì đòi hỏi người khởi nghiệp phải hiểu được vấn đề mà họ định làm. “Nếu khởi nghiệp mưu sinh mà chưa hiểu nghề, thì đừng vội vàng làm và thậm chí có thể đi làm nhân viên, công nhân để tích lũy kinh nghiệm”, ông gợi ý và nói rằng cần học để hiểu được thị trường, biết cách làm, hiểu được cách sử dụng lao động, cách điều hành của một nhà quản trị…
“Những yếu tố đó chúng ta phải luôn trăn trở, phải biết quý trọng lao động gắn với chúng ta”, ông nhấn mạnh và cho biết Lương Quới thành công một phần cũng nhờ vào việc xem người lao động là tài sản vô giá đối với doanh nghiệp. “Lương Quới có được như ngày hôm nay là nhờ biết sử dụng con người đã hợp tác với chúng tôi bằng cái tâm”, ông nói.