Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khôi phục du lịch: Đã tính đến kịch bản mưa bão?

Khả Hân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hình ảnh các bạn trẻ cuối tuần qua tranh thủ chụp hình cùng với cảnh ngập lụt ở trung tâm phố cổ Hội An đã dấy lên những ý kiến trái chiều.

Người thì bĩu môi: “Ôi cái bọn trẻ trâu!”. Người thì cho rằng đây là “đặc sản” của Hội An. Nếu không có Covid-19 thì chắc chắn sẽ thấy hình ảnh người Việt Nam lẫn nước ngoài lội nước và chèo thuyền giữa trung tâm phố cổ.

Quả đúng là như vậy. Nếu bạn là người địa phương hay thường xuyên theo dõi tin tức Hội An mùa bão lũ sẽ không lạ về cảnh này. Cứ đến khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 12 hằng năm, mưa kéo dài kết hợp với nước sông dâng cao do lũ từ thượng nguồn đổ về khiến đường phố Hội An tuần nào cũng bị ngập lụt 2-3 ngày. Nhiều người địa phương và du khách sống ở Hội An trong một thời gian dài thuê thuyền chèo giữa phố và chụp hình. Những người từ Đà Nẵng cũng tranh thủ đến Hội An chụp hình cảnh này nếu trời mưa không quá to.

Sau các đợt mưa lớn hai ngày cuối tuần, đường phố Hội An ngập trong nước. Ban đầu nước chỉ ngập tràn sông Hoài, người dân và du khách còn thoải mái uống nước ngắm lụt...

Khi bàn luận về “đặc sản” này, người viết bỗng hơi giật mình khi nhìn lại vấn đề đang nóng hiện nay của du lịch.

Các địa phương có thế mạnh về du lịch đang lên phương án phục hồi du lịch. Trong đó, kịch bản phổ biến là thu hút người địa phương đi du lịch từ cuối tháng 10. Sau đó là thu hút khách từ các địa phương lân cận từ tháng 12 trước khi thu hút khách quốc tế từ tháng 6 năm sau. Thậm chí, có những địa phương xin thử nghiệm thu hút khách quốc tế từ tháng 11-2021.

Tuy nhiên, trong kịch bản khôi phục du lịch của các địa phương và doanh nghiệp du lịch, đa phần chỉ nói đến chất lượng và giá cả của sản phẩm và dịch vụ, những trải nghiệm mới và phương án phòng chống dịch mà không thấy có phòng tránh mưa bão.

Đầu tiên là thu hút khách du lịch tại chỗ. Ở đây có thể hiểu là chủ yếu thu hút người địa phương trải nghiệm các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng kèm với các hoạt động sinh thái, dã ngoại (nếu có) tại các resort, điểm du lịch ngay tại địa phương để giúp họ thay đổi không khí cũng như thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng khi chưa thể đi xa.

Tuy nhiên, có bao nhiêu khách bỏ ra tiền triệu chỉ để từ nhà ra ở resort 5 sao, ngắm nhìn mưa gió? Resort sẽ ứng phó như thế nào khi những chương trình dã ngoại cuối tuần phải hủy bỏ vào phút chót vì những cơn mưa không thể báo trước do không khí lạnh tràn về?

Kế đến là chuyện thu hút khách từ địa phương khác và khách du lịch quốc tế. Bên cạnh nguy cơ dịch bệnh còn hiển hiện và sự khác nhau trong quy định đón khách từ nơi khác của các địa phương, mưa gió vào những tháng cuối năm cũng là một trở ngại cho khách phương xa. Mười ba cơn bão trong vòng 45 ngày cuối năm ngoái và những dự báo thời tiết “không mấy tốt đẹp” những ngày gần đây sẽ khiến cho họ “chùn chân”. Người địa phương nghỉ dưỡng, vui chơi ở resort và khu dịch còn có nhà để về ngay tức thì nếu có mưa to gió lớn. Còn khách du lịch thì phải chờ sắp xếp xe, chuyến bay và xét nghiệm.

Vì vậy, khả thi nhất cho việc khôi phục du lịch trong giai đoạn này chỉ nên tập trung vào công tác xúc tiến điểm đến, chuẩn bị nguồn lực và các gói sản phẩm dịch vụ để tổ chức đón khách du lịch nói chung từ đầu năm 2022. Lúc đó, mưa bão đã qua và tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam cũng đã cao hơn.

Còn nếu muốn thu hút khách trong giai đoạn này để tạo đà hưng phấn cho khôi phục du lịch thì các địa phương và doanh nghiệp nên chăng có thêm các phương án phòng tránh mưa bão trong các chương trình quảng bá du lịch của mình để khách an lòng.

Theo dự báo thời tiết, cuối tháng 10 này, miền Trung lại đón những cơn mưa lớn dai dẳng. Đô thị cổ Hội An sẽ một lần nữa chìm trong ngập lụt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới