(KTSG Online) - UBND huyện Hàm Thuận Nam đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý Dự án Thăng Long về việc khơi thông lòng sông Phan để hạn chế ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
- Chính phủ yêu cầu không được để lặp lại tình trạng ngập cao tốc
- Có thể phải nâng mặt đường khu vực ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
TTXVN đưa tin, ngày 14-9, UBND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Thăng Long liên quan đến đề xuất dọn dẹp, khơi thông lòng sông Phan đoạn qua địa bàn huyện để hạn chế ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam nhận được văn bản của Ban Quản lý Dự án Thăng Long về việc khơi thông lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25 đến hạ lưu cầu Sông Phan trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 1.500 mét, chiều rộng lòng sông Phan tính từ hai bên bờ khoảng 25 mét.
Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến khơi thông có 7 cù lao nhỏ nằm giữa sông, trên cù lao có nhiều cây tre và cây lùm bụi mọc um tùm. Ngoài ra, hai bên dòng sông Phan có nhiều cây lùm bụi, tre và cây tạp làm cản trở dòng chảy.
UBND huyện Hàm Thuận Nam thống nhất khơi thông lòng sông Phan do Ban Quản lý Dự án Thăng Long đề nghị. UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng yêu cầu đơn vị thi công khi dọn dẹp lòng sông không được làm sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Lúc 4 giờ 30 phút ngày 29-7-2023, sau nhiều trận mưa lớn, một đoạn dài 100 m trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) tại Km 25+419 đã bị ngập nặng, điểm sâu nhất khoảng 70 cm gây ùn tắc giao thông hai chiều trên cao tốc và một số xe bị hư hỏng.
Nguyên nhân ngập do đơn vị thiết kế không tính toán đầy đủ các đặc điểm địa hình trong khu vực nên khi mưa lớn kéo dài, nước không thoát kịp theo sông Phan nên gây ngập cao tốc. Một trong những phương án được đề xuất xử lý chống ngập là tổ chức khảo sát dọc theo sông Phan để xác định các vị trí dòng chảy bị thu hẹp và xử lý khơi thông, đảm bảo khả năng thoát nước khi có mưa lũ xảy ra.