(KTSG Online) - Vụ vỡ nợ của CIFI, một trong những nhà phát triển nhà ở tư nhân của Trung Quốc được nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu nhân dân tệ, cho thấy không còn công ty bất động sản nào được xem là an toàn trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
- Sóng gió đã nổi lên ở thị trường bất động sản Trung Quốc
- Trung Quốc: khủng hoảng bất động sản làm tăng nợ xấu
Hôm 17-10, Trung Quốc bất ngờ trì hoãn việc công bố dữ liệu kinh tế, bao gồm cả doanh số bán nhà trong tháng 9, vốn được lên kế hoạch cho tuần này. Nhưng có rất ít nghi ngờ thị trường bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang ở trong tình trạng tồi tệ. Trong khi các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đã trở thành một sự kiện phổ biến thì vụ vỡ nợ gần đây của CIFI, có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên phát triển các dự án chung cư và khu thương mại, vẫn làm rung chuyển thị trường.
Tuần trước, công ty này ra thông báo đã bỏ lỡ khoản thanh toán lãi suất cho một lô trái phiếu chuyển đổi được định danh bằng đô la Hồng Kông trị giá khoảng 320 triệu đô la. Công ty đổ lỗi việc này là do kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài một tuần làm chậm trễ việc chuyển tiền. Nhưng thông báo cũng cảnh báo nếu công ty không đáp ứng nghĩa vụ trả nợ hoặc không thể tìm ra giải pháp phù hợp với các chủ nợ, tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra.
Đã có những đồn đoán và tin tức báo chí về tình hình thanh khoản của CIFI kể từ tháng trước. Các công ty xếp hạng tín dụng đã hạ bậc tín nhiệm nợ của CIFI trong những tuần gần đây. Cổ phiếu của CIFI mất 72% giá trị kể từ cuối tháng 8 và trái phiếu bằng đồng đô la đáo hạn vào năm 2024 của công ty này đang được giao dịch ở mức khoảng 10 cent/1 đô la mệnh giá.
Vụ vỡ nợ của CIFI gây chú ý vì đây là một trong số ít các nhà phát triển nhà ở tư nhân mà Bắc Kinh xem xứng đáng được nhà nước hỗ trợ trực tiếp, không giống như Tập đoàn Evergrande và nhiều nhà phát triển bất động sản khác vay nợ đầm đìa và chi tiêu quá mức trong những năm gần đây.
Trong năm nay, CIFI và một số nhà phát triển bất động sản khác được phép phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ được bảo lãnh bởi Công ty Bảo hiểm trái phiếu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. CIFI đã phát hành một lô trái phiếu như vậy vào tháng 9. Điều đáng lo ngại là nếu ngay cả công ty như CIFI cũng gặp rắc rối tài chính thì có lẽ không còn công ty bất động sản nào ở Trung Quốc được xem là an toàn. Vụ vỡ nợ của CIFI cho thấy nỗ lực giải cứu của Bắc Kinh bằng cách sử dụng bảo lãnh của nhà nước để giúp một nhóm các nhà phát triển tiếp cận nguồn vốn trong nước không thành công như mong đợi.
Vụ vỡ nợ này đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của các công ty khác trong ngành được coi là lành mạnh hơn như Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước.
“Vụ vỡ nợ là một bất ngờ khác đối với các nhà đầu tư, những người ngày càng hoài nghi đối với các nhà phát triển bất động sản tư nhân. Thực sự là đã quá muộn để các cơ quan chức năng hỗ trợ lĩnh vực bất động sản vào lúc này”, Charles Macgregor, người đứng đầu khu vực châu Á tại Công ty Lucror Analytics, nói và đồng thời cho biết niềm tin của người mua nhà và chủ nợ dường như “bị xói mòn dần”.
Một lý do khiến CIFI gặp khó khăn bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ là số lượng trái phiếu được nhà nước bảo lãnh phát hành cho đến nay khá nhỏ so với nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của công ty. CIFI đã phát hành lô trái phiếu 1,2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 166 triệu đô la, vào tháng trước. Nhưng công ty này có khoảng 8 tỉ nhân dân tệ nợ trong nước và nước ngoài đến hạn thanh toán cuối năm 2023, theo Moody’s.
CIFI và các nhà phát triển bất động sản tư nhân tương đối lành mạnh khác có thể tăng cường phát hành trái phiếu để lấp một số lỗ hổng tài chính, nhưng doanh số bán nhà ảm đạm mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản của họ.
Theo dữ liệu chính thức, trong tám tháng đầu năm nay, doanh số bán nhà của Trung Quốc giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu từ các nhà phát triển bất động sản đang niêm yết cổ phiếu thậm chí còn xấu hơn, đặc biệt là có sự chênh lớn giữa các nhà công ty tư nhân và công ty nhà nước. Theo Fitch Ratings, 81 nhà phát triển bất động tư nhân báo cáo doanh số trong nửa đầu năm 2022 giảm trung bình 59% so với cùng kỳ năm ngoái, còn mức giảm ở 45 công ty bất động sản huộc sở hữu nhà nước là 38%.
Lo lắng về khả năng giao căn hộ đúng hạn, người mua nhà đã tránh xa nhiều chủ đầu tư tư nhân, dẫn đến một vòng luẩn quẩn khiến doanh số của họ thậm chí còn giảm tồi tệ hơn. Những chủ đầu tư như vậy cần phải đưa ra quyết định khó khăn: sử dụng dòng tiền đang cạn kiệt để hoàn thành dự án hoặc trả nợ.
Trừ khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hỗ trợ quyết liệt hơn để củng cố niềm tin vào thị trường, tình trạng khánh kiệt tài chính của các nhà phát triển bất động sản, ngay cả những công ty được xem là lành mạnh, sẽ chưa chấm dứt. Điều đó có nghĩa là sóng gió đối với nền kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ chưa kết thúc và rủi ro cho hệ thống tài chính sẽ tăng lên.
Theo WSJ, Bloomberg