Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh số nhà ở Trung Quốc tiếp tục giảm bất chấp nỗ lực giải cứu của chính phủ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - 100 công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc báo cáo doanh số bán nhà theo hợp đồng trong tháng 1 giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Công ty Thông tin bất động sản Trung Quốc (CRIC). Điều này cho thấy các chính sách hỗ trợ gần đây của Bắc Kinh chỉ có tác dụng giải cứu những công ty bất động sản thiếu tiền mặt, chứ không giúp kích thích nhu cầu của người mua nhà.

Các chính sách hỗ trợ bất động sản mà Bắc Kinh triển khai kể từ tháng 11 năm ngoái chưa giúp vực dậy nhu cầu mua nhà. Ảnh: Getty

Nhu cầu vẫn “đuối”

Theo dữ liệu của CRIC, doanh số bán nhà theo hợp đồng trong tháng 1 của 100 công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 32,5% so với cách đây một năm, xuống còn 354,3 tỉ nhân dân tệ (52,5 tỉ đô la Mỹ). Con số này cũng giảm 48,6% so với tháng 12-năm 2022, và giảm 11,8% so với tháng 2-2022, tháng nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái.

Báo cáo của CRIC nhận định dù kênh huy động vốn và môi trường dành cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã được cải thiện kể từ cuối năm ngoái nhưng họ có thể vẫn phải đối mặt với áp lực trả các khoản nợ khổng lồ trong ba quí đầu năm 2023. Báo cáo cho rằng triển vọng phục hồi của lĩnh vực bất động sản phụ thuộc vào sự phục hồi doanh số bán hàng.

CRIC cho biết nhu cầu mua nhà trong tuần nghỉ Tết nguyên đán chỉ thực sự cải thiện ở một số thành phố nhỏ có các yếu tố cơ bản tốt, chẳng hạn như khu vực gần các cơ sở của Huawei Technologies ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông.

Theo CRIC, trong ngắn hạn, khó có thể nhận thấy những dấu hiệu đáng kể cho thấy thị trường sẽ ấm lên do cung và cầu chưa thể hồi phục sớm. Do đó, doanh số giao dịch nhà ở tổng thể của Trung Quốc dự kiến vẫn ở mức thấp trong một thời gian nữa.

Sự sụt giảm doanh số bán nhà trong tháng 1 diễn ra sau khi Bắc Kinh triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ kể từ tháng 11. Một tập hợp công cụ tài chính “ba mũi tên” mà Bắc Kinh tung ra gần đây nhằm mục đích giúp các nhà phát triển bất động sản mở rộng các kênh huy động vốn của họ và cải thiện khả năng trả nợ của họ.

Ngoài ra, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ người mua nhà trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023, chẳng hạn như hạ lãi suất vay thế chấp và nới lỏng hạn chế mua nhà.

Ví dụ, hôm 31-1, chính quyền thành phố Diêm Thành của  tỉnh Giang Tô đã nâng giới hạn rút tiền từ quỹ tiết kiệm nhà ở từ 600.000 nhân dân tệ lên 1 triệu nhân dân tệ cho các gia đình đủ điều kiện mua nhà ở bốn quận của thành phố này. Chính quyền Diêm Thành cũng mở rộng thời hạn vay thế chấp tối đa lên 30 năm, tăng 10 năm so với trước đây. Tuy nhiên, doanh số bán nhà tiếp tục giảm trong một thị trường ảm đạm do nhu cầu và sức mua yếu, CRIC cho biết.

Doanh số bán nhà sẽ tiếp tục giảm

Các chính sách của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu kém hiệu quả hơn so với các biện pháp hỗ trợ nhu cầu thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cho biết trong một báo cáo hôm thứ 31-1.

Kelly Chen, Phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của Moody's nói: “Các biện pháp được ban hành kể từ tháng 11-2022 đã cải thiện nguồn vốn cho các nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện, nhưng các biện pháp hỗ trợ nhu cầu ít có tác động hơn. Chúng tôi dự báo mức tốc độ giảm doanh số bán nhà theo hợp đồng trên toàn quốc sẽ thu hẹp xuống còn 10 -15% trong năm 2023, vì doanh số bán nhà có thể sẽ giảm với tốc độ thấp hơn so với 12 tháng qua do cơ sở so sánh thấp hơn”

Trong số 28 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc mà Moody’s theo dõi, 26 công ty ghi nhận doanh số bán nhà theo hợp đồng trong năm 2022 giảm so với năm 2021, một xu hướng mà Moody’s cho biết sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa trong những tháng tới và quỹ đạo phục hồi của doanh số bán nhà theo hợp đồng sẽ phụ thuộc vào tính kịp thời và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ mới tiếp, Kelly Chen nhận định.

Ông nói: “Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và quyết định chấm dứt chiến lược ‘zero Covid’ sẽ dần có tác động và dẫn đến khả năng phục hồi niềm tin của thị trường bất động sản ở mức khiêm tốn”.

Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phụ trách thị trường châu Á của United First Partners, nhận định: “Doanh số bán nhà sụt giảm tiếp tục làm suy yếu tâm lý của các nhà đầu tư. Sự phục hồi chỉ có thể nhìn thấy khi các chính sách hỗ trợ bất động sản lan tỏa xuyên suốt hệ thống, khi nền kinh tế phục hồi sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp cải thiện trong dòng tiền của các hộ gia đình”.

Theo SCMP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới