Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Không của riêng ai”, vậy ai có trách nhiệm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Không của riêng ai”, vậy ai có trách nhiệm?

Lung linh Hà Nội phố.

(TBKTSG) – Tôi có hai cái thú mà đám bạn học cũ chọc ghẹo là “giống ông già”. Ấy là một mình lang thang các ngõ ngách của phố cổ Hà Nội và ngồi uống cà phê (cũng một mình) trong một cái quán nhỏ xíu trong khu phố cổ.

Đi bộ mỏi chân thì tạt vào quán, chủ quán chỉ khẽ gật đầu chào mà không cần hỏi uống gì, rồi kê một chiếc ghế mây cũ kỹ ra vỉa hè và tự tay pha một ly cà phê sữa thật nóng.

Ngồi một mình ở một cái quán xưa cũ ngót nghét đến hơn nửa thế kỷ, vào giờ vắng khách thật thú. Tưởng như trở lại thời Hà Nội 36 phố phường trong sách cụ Thạch Lam. Quán cũ, cỡ gần chục cái bàn nhỏ, đồ uống không thời thượng sành điệu, nhưng cà phê rất đậm và thơm, đúng gu người Hà Nội. Ông chủ quán chính gốc Hà Nội xưa, bặt thiệp và quảng giao, tinh tế và kỹ tính, khách chỉ đến một lần cũng được phục vụ hệt như khách uống quanh năm.

Lần sau quay lại chủ gọi đúng tên, nhớ vanh vách lần trước uống gì, ông này đen đá, ông kia nâu nóng nhiều sữa. Quán nào, khách nấy. Thành ra chủ – khách vô tình hay hữu ý, cùng tái hiện lại một không gian xưa của một Hà Nội thâm trầm và kín đáo. Một Hà Nội không xô bồ, ồn ã, không bon chen giành giật. Không bún riêu cua – đậu – bò hay phở hải sản. Phố thưa người vắng không còi xe loạn xạ như hôm nay.

Gần quán tôi hay ngồi, độ hơn tháng nay xuất hiện mấy tấm băng rôn xanh đỏ bắt mắt cổ động an toàn giao thông. Ngồi bên này quán nhìn sang đường, băng rôn phần phật trong gió thật vui mắt. Khẩu hiệu treo ngoài đường cỡ lớn nên ai đi qua cũng đập vào mắt, khẩu hiệu vần vè dễ đọc dễ nhớ, kiểu như “An toàn giao thông trách nhiệm không của riêng ai” và “Nhường đường là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội”…

Nghe đâu đây là chương trình tuyên truyền an toàn giao thông trong một dự án do một tổ chức của Nhật viện trợ có sự tham gia tài trợ của một ngân hàng trong nước. Những khẩu hiệu tuyên truyền còn nhiều nội dung khác, ví như: “Dừng trước vạch khi đèn đỏ là đạo đức người lái xe”, “Chỉ xuất phát khi đèn chuyển tín hiệu xanh là coi trọng sinh mạng của chính bạn”…

Dễ hiểu đây là một nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm thiết lập lại trật tự giao thông vốn rất lộn xộn ở Hà Nội trong một đợt cao điểm trước mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nhưng không hiểu chính quyền có khảo sát xem tác động của hình thức tuyên truyền này đến đâu, ý thức tôn trọng luật của người Thủ đô có được nâng lên sau một thời gian triển khai một chiến dịch quy mô như thế chưa.

Nhưng, nếu chịu khó ngồi quan sát sẽ thấy tiếc cho công sức tiền của đổ ra, bởi tác dụng chẳng là bao. Mặc cho câu khẩu hiệu rất hay “Nhường đường là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội”, người ta vẫn cứ lấn đường, chen nhau một phần ba bánh xe để cố nhích cao hơn người khác. Chen xong, mặt vểnh lên đắc ý lắm. Người muốn rẽ trái thì chen lên phần đường dành cho người rẽ phải, làm cho ô tô xe máy phía dưới muốn rẽ (có biển đèn đỏ được phép rẽ phải) dồn ứ lại, tiếng còi inh ỏi xen lẫn tiếng chửi thề.

Một đôi nam thanh nữ tú ngồi xe PS nhấn ga vọt thẳng qua đèn đỏ, bất chấp chỉ còn năm giây nữa đèn chuyển xanh. Chắc họ chưa nhìn thấy tấm băng rôn to đùng trước mặt “Dừng trước vạch khi đèn đỏ là đạo đức người lái xe”, báo hại các phương tiện được phép đi ở phía đèn xanh bị ngáng đường. Lại văng tục. Thành ra, cả đoàn người – xe tạo thành một đường cong như con rắn chòi lên trước vắt sang hai bên trong một diện tích chật hẹp của đường phố.

Mà nếu thế thì nguy to. Sáng kiến có nguy cơ trở thành tối kiến, bởi không may người nước ngoài nào đọc được tiếng Việt, đến đất kinh kỳ rất dễ hiểu nhầm người Tràng An nổi tiếng thanh lịch đã đi vào thơ ca là không có “nét đẹp văn hóa” vì đi cả ngày có thấy ai chịu nhường đường đâu?

Ông chủ quán cà phê quen của tôi có lần phản ứng gay gắt khi người ta treo những tấm băng rôn cổ động trên, rằng không thể giữ mãi thứ tư duy cũ kỹ trong giữ gìn kỷ cương giao thông bằng lối tuyên truyền vần vè kiểu hô hào cổ động mà kỳ vọng một diện mạo mới cho văn minh đô thị. Giáo dục tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác giữ gìn trật tự giao thông của người đi đường là cần thiết, song chỉ tuyên truyền theo kiểu phong trào, theo “đợt cao điểm” sẽ không bao giờ có tác dụng.

Bản thân các thiết chế pháp luật để duy trì trật tự giao thông cần được cải thiện năng lực, đi đôi với các chế tài nghiêm khắc hơn, thực thi luật nghiêm minh hơn. Kiểu tư duy chấp hành luật giao thông là “đạo đức người lái xe” cần từ bỏ, vì nó nhầm lẫn giữa hai khái niệm “pháp” và “đức”. Kêu gọi lòng nhân ái, đạo đức của người lái xe chỉ đúng trong trường hợp cứu người bị tai nạn, hay giúp đỡ người già và người tàn tật. Một công dân đủ tuổi lái xe, được cấp bằng lái thì tự thân họ đã được pháp luật công nhận có đủ năng lực tham gia giao thông, nên dừng xe khi đèn đỏ là việc bắt buộc, thuộc phạm vi “pháp” chứ không liên quan đến “đức”.

Lại nhớ, từ xa xưa học giả Đào Duy Anh trong cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” – 1938 từng nhận xét uyên thâm rằng văn hóa Việt Nam là nền văn hóa lấy cảm tình làm bản vị. Làm gì cũng trọng tình hơn trọng lý. Thực thi luật pháp cũng phải có lý có tình. Có lẽ vì thế mà Việt Nam chưa có văn minh đô thị đúng nghĩa chăng? Người ta hay bảo trách nhiệm này “không của riêng ai”, vậy thì ai có trách nhiệm đây trong việc tạo nền văn minh đô thị?

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới