Khủng hoảng và thông tin - trường hợp Hàn Quốc
![]() |
Các tin xấu dồn dập từ giới tài chính nước ngoài đang khiến nền kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng |
(TBKTSG)- Tình hình kinh tế vĩ mô của Hàn Quốc cho thấy mức độ suy thoái hiện tại so với nhiều quốc gia cả phát triển và đang phát triển là chưa đáng ngại, nếu không nói là còn khả quan. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xu hướng tụt dốc diễn ra với tốc độ nhanh trong thời gian gần đây (cuối quí 3-2008).
>> Hàn Quốc trước nguy cơ khủng hoảng
Nếu đà tụt dốc không được hãm lại thì khả năng khủng hoảng là không tránh khỏi. Thêm vào đó những thông tin thực và hư từ giới đầu cơ tài chính được loan truyền trên các phương tiện truyền thông Âu-Mỹ càng gây thêm bất an cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Dồn dập tin xấu từ giới tài chính nước ngoài
Ngày 20-10-2008, báo cáo của Công ty Chứng khoán JP Morgan (Mỹ) đưa tin giá chứng khoán của Công ty Chứng khoán Tương Lai Hàn Quốc giảm 62% so với mục tiêu; ngày 21-10, báo cáo của Công ty Chứng khoán Credit Suisse nhận định giá chứng khoán của Công ty Daewoo giảm 52% so với mục tiêu. Ngày 23-10, báo Wall Street Journal đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chuẩn bị hỗ trợ tài chính cho Hàn Quốc và một số quốc gia đang phát triển khác. Cùng ngày, Bộ Kế hoạch Tài chính Hàn Quốc phản bác nhận định trên, tuyên bố Hàn Quốc không có ý định vay mượn từ nguồn hỗ trợ của IMF.
Ngay sau đó, Công ty Chứng khoán Credit Suisse lại nhận định Hàn Quốc sẽ gặp phải khủng hoảng kinh tế trầm trọng như Peru và Chile. Ngày 24-10, báo New York Times đăng hai trang liền về khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự yếu kém của kinh tế Hàn Quốc. Ngày 25-10, Wall Street Journal lại công kích Chính phủ Hàn Quốc đã sai lầm khi từ chối viện trợ tài chính từ IMF dù nguy cơ đối đầu với khủng hoảng đã rõ ràng...
Những nguồn tin trên được giới truyền thông quốc tế (chủ yếu là Mỹ, Âu) loan tải đã gây tâm lý xấu, kích thích các nhà đầu tư nước ngoài rút chạy khỏi Hàn Quốc. Hệ quả của đòn tâm lý đó là nỗi lo âu của các nhà đầu tư nội địa ngày một tăng. Sự e dè của cả hai (nhà đầu tư nội và ngoại) trước thị trường là nguyên nhân chính làm tăng đà mất giá của đồng won, cũng như sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Hai quả đấm chứng khoán và tỷ giá hối đoái cuối cùng đã làm tăng nghi ngại về một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Điều này lại dẫn tới sự thu hẹp của thị trường tài chính, bất ổn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng. Hậu quả gián tiếp này lại trở thành bằng chứng cho những tuyên truyền về một cuộc khủng hoảng trầm trọng trước mắt tại Hàn Quốc của giới truyền thông và đầu cơ tài chính nước ngoài. Vòng tuần hoàn ác tính này góp phần không nhỏ vào quá trình dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Hàn Quốc (nếu xảy ra trong tương lai gần).
Những ý kiến phản đối của Hàn Quốc
Có những bằng chứng cho thấy thông tin của giới đầu tư tài chính nước ngoài không chính xác. Ví dụ, từ việc Hàn Quốc tuyên bố không tiếp nhận hỗ trợ tài chính của IMF, báo Wall Street Journal nhận định, Chính phủ Hàn Quốc có khả năng sẽ làm lơ đối với sự suy thoái của thị trường tài chính nội địa nhưng các chuyên gia tài chính cho rằng nhận định trên là thiếu căn cứ.
Một bằng chứng khác là việc giới truyền thông nước ngoài, nhân việc báo Financial Times của Anh đăng tin nợ nước ngoài ngắn hạn lên tới 175 tỉ đô la và Hàn Quốc đã buộc phải yêu cầu kéo dài thời gian trả tới tháng 6 sang năm, cho rằng nợ nước ngoài ngắn hạn của nước này đã lên tới mức báo động.
Quả thực con số nợ ngắn hạn phải trả trong vòng một năm của Hàn Quốc tính tới tháng 8 vừa qua lên tới gần 177 tỉ đô la Mỹ. Song thực tế, nếu so với lượng dự trữ ngoại tệ (thời điểm tháng 8) thì tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn của Hàn Quốc mới chỉ chiếm chưa tới 73%, trong khi tỷ lệ này của Nhật là gần 130%, của Singapore là hơn 188%, Hồng Kông là 325%, Đức là gần 1.539%. Quy mô dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đứng thứ 6 trên thế giới, Nhật đứng thứ 2, Singapore thứ 8, Hồng Kông thứ 9 và Đức thứ 10. Như vậy, căn cứ vào chỉ tiêu này để đánh giá nguy cơ khủng hoảng thì chưa cần nói tới Đức và Nhật, phải kể tới Singapore và Hồng Kông trước.
Một chỉ trích khác của nước ngoài đối với Hàn Quốc là mức cho vay tiêu dùng gia đình tăng trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ, bong bóng bất động sản vỡ sẽ đẩy cao tỷ lệ nợ xấu. Song thực tế, tỷ lệ cho vay mua nhà của Hàn Quốc ở mức 34% GDP, trong khi con số này ở Mỹ là 71% còn ở Anh là 80%. Như vậy xét về tiêu chí này, chưa thể nói Hàn Quốc sẽ gặp khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Một phê phán đáng để ý hơn là khả năng tỷ lệ nợ xấu tăng do vấn đề tập trung vốn vào lĩnh vực xây dựng, tức là nếu giá bất động sản sụt giảm mạnh thì khả năng hoàn trả vốn (chừng 97.000 tỉ won) của chương trình cho vay bất động sản (project financing - PF) sẽ có nguy cơ kéo dài. Và khi những cơn sóng ngầm nợ bất động sản khó đòi ở các tổ chức ngân hàng cũng như tín dụng phi ngân hàng nổi lên, thì kinh tế sẽ rối loạn như khủng hoảng tiền tệ trước đây và sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng tìm đường thoát. Đối với chỉ trích này, các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc thừa nhận một phần, nhưng giải thích tổng trị giá cho vay của chương trình PF chiếm chưa đầy 5,5% tổng cho vay của các tổ chức tín dụng, hơn nữa vấn đề thế chấp cũng được quản lý chặt chẽ nên khó có khả năng xảy ra nợ xấu trong lĩnh vực này.
Thực và hư, nên biết tin ai?
Sự khác biệt trong đánh giá về khả năng xảy ra khủng hoảng tiền tệ tại Hàn Quốc không ngừng tăng. Cả hai bên tả hữu đều đưa ra những bằng chứng không phải là thuyết phục tuyệt đối nhưng cũng khó phản bác.
Trước tình hình này, một tờ báo chuyên môn về kinh tế tài chính Hàn Quốc đã làm một cuộc điều tra ý kiến của những công ty tài chính chứng khoán nước ngoài đang hoạt động tại Hàn Quốc. Kết quả cho thấy cả hai động thái, “bình chân, không lo lắng tới mức cho rằng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng như 10 năm trước đây” và “gấp rút tìm kiếm những đối sách để rũ sạch tâm lý e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài” đều song song tồn tại.
Trả lời câu hỏi trong phiếu điều tra: “Kinh tế Hàn Quốc hiện nay có thực sự lâm nguy?”, nhiều ý kiến cho rằng, không phải là kinh tế Hàn Quốc không có vấn đề (trong một chừng mực nhất định), nhưng nếu nói đã tới lúc cần phải tiếp nhận cứu trợ tài chính của IMF thì hơi quá.
Một nhân vật trong ban lãnh đạo của JP Morgan nói, “nhiều nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng phần nhiều các công ty đại chúng đăng ký trên thị trường chứng khoán, kể cả các tổ chức tài chính, đang chịu sức ép của rủi ro do tính thiếu thanh khoản. Tuy nhiên, không thể nói vì thế mà cần IMF cứu trợ nếu không thì toàn bộ hệ thống sẽ bị sụp đổ”.
Đại diện của Quỹ Đầu tư ING thì khẳng định, “hiện tượng trao đổi mua bán trái khoán ngân hàng ngay trong nội bộ cũng bị đình trệ là một biểu hiện trầm trọng, chính phủ cần có phương sách bảo đảm nào đó để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Thâm tâm của những nhà “đầu cơ tài chính” quốc tế chắc chắn sẽ không mong xảy ra một cuộc khủng hoảng lâu dài mà cái họ cần là một cú sốc “sụt - tăng” xảy ra càng sâu, càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, thực tế có chắc chắn xảy ra như tính toán hay không là điều không dễ nói trước (ngay cả với những người được gọi là chuyên gia kinh tế, tài chính chuyên nghiệp). Nếu vòng tuần hoàn ác tính (tâm lý lo ngại - rời bỏ đầu tư) quay quá đà gây biến chứng thành vòng tuần hoàn ác tính mới (tâm lý lo ngại - rời bỏ đầu tư - thiếu hụt vốn - hoạt động sản xuất đình trệ - thị trường thu hẹp) thì thảm họa sẽ xảy ra, và nó sẽ không chừa ai, kể cả chính các nhà “đầu cơ tài chính”.
ĐỖ MẠNH HỒNG - Đại học Obirin, Tokyo, Nhật Bản