(KTSG Online) – Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng loạt lãi suất điều hành mới đây đã kéo theo kịch bản lãi suất ở Việt Nam thay đổi đáng kể, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lộ trình tăng lãi suất đô la gắt gao hơn.
- Ngân hàng nhà nước tiếp tục ‘hút ròng’ hơn 57.600 tỉ đồng
- Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
- Khi đồng bạc xanh tăng vọt và tiền đồng đặt mục tiêu ‘ổn định’
Trong tuần trước, NHNN đã thay đổi các loại lãi suất từ ngày 23-9. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu sẽ được nâng lên lần lượt lên 5% và 3,5% từ 4% và 2,5%. Lãi suất cho vay qua đêm (đối với thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ) sẽ được nâng từ mức 5% lên 6%. Trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được nâng lên 0,3-1% tùy theo kỳ hạn.
Việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến và mức tăng này được nhiều chuyên gia phân tích cho rằng là bất ngờ và vượt dự báo. Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt, cho biết trước đó đơn vị phân tích của công ty này dự báo lãi suất điều hành có thể rơi vào đầu năm 2023, sau khi lãi suất điều hành của Fed cuối năm nay ở mức 3,75-4,0%.
Tuy nhiên, ngay sau phiên họp Chính phủ vào sáng ngày 22-9, NHNN đã nâng lãi suất 100 điểm cơ bản đối với các lãi suất điều hành vào buổi chiều, cao hơn kỳ vọng.
“Bước tăng này có thể là để chuẩn bị cho cả năm 2023, bởi mức kỳ vọng hiện tại của thị trường đối với lãi suất điều hành của Fed đang là 4-5%. Như vậy, Chính phủ nghiêng về kịch bản lãi suất của Fed lên 5% và chọn bước tăng mạnh ngay trong lần nâng lãi suất đầu tiên”, bà Lam nhận định.
Đánh giá tương tự, khối phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB cho biết mức tăng này vượt qua dự báo và kỳ vọng thị trường là tăng khoảng 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
“Chỉ trong một lần thay đổi, lần tăng này đã bù lại hai trong số ba lần cắt giảm 50 điểm cơ bản được thực hiện đối với lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu vào năm 2020 để hỗ trợ khi nhu cầu suy yếu do Covid-19. Tuy nhiên, lãi suất điều hành vẫn phù hợp, vì vẫn thấp hơn 100 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch”, báo cáo của Maybank IB nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, việc tăng lãi suất lần này chủ yếu nhằm phản ứng với tỷ giá đang suy yếu do Fed tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời đưa ra lộ trình siết gắt gao hơn. Động thái tăng lãi suất sẽ nới rộng khoảng cách lãi suất điều hành giữa hai quốc gia, từ đó giúp ổn định tỷ giá.
Việc tăng mạnh trong tháng cuối cùng của quí 3 này cũng làm thay đổi kịch bản lãi suất từ nay đến hết năm sau, khi nhiều đơn vị phân tích cho rằng lãi suất điều hành sẽ không tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022, nhưng áp lực tăng sẽ dồn vào năm sau.
Theo đó, báo cáo của Maybank IB đưa ra kịch bản NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh vừa qua. Tuy nhiên, nhóm này cũng bình luận thêm rằng dự báo lãi suất đang có xu hướng tăng.
Theo đó, lãi suất điều hành sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023, thay vì mức 25 điểm cơ bản từ dự báo trước đó. Mức tăng này vẫn đưa lãi suất thấp hơn khoảng 50 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch Covid-19.
“Các nhà điều hành có thể không muốn thắt chặt quá mức và cản trở việc phục hồi kinh tế. NHNN vẫn có đủ dự trữ để bảo vệ tiền đồng mà không phải tăng lãi suất thêm nữa”, báo cáo của Maybank IB nhận định.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trên các thị trường khác cũng đồng thời được dự báo tăng.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng thương mại dự kiến tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Tương tự, báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS nhận định mặt bằng lãi suất huy động tăng 150-200 điểm, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.
Việc nâng lãi suất và đưa ra lộ trình nâng lãi suất là "con dao hai lưỡi", đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu chịu hai sức ép song song, một là làn sóng nâng lãi suất quyết liệt để kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương, và hai là khả năng suy thoái kinh tế.
Theo đại diện VDSC, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đang tăng nhanh và sẽ gây tổn thương đến quá trình hồi phục sau đại dịch, điều này có thể sẽ nhìn rõ hơn trong năm 2023.
“Rất khó để đong đếm lợi hại khi các yếu tố vĩ mô đan xen và tương tác qua lại, chúng tôi cho rằng sau khi Fed hoàn tất chu kỳ nâng lãi suất lần này (có thể là vào giữa năm 2023), thể trạng kinh tế trong nước sẽ là yếu tố đáng theo dõi để nhìn lại lợi ích và tổn thất mà nền kinh tế đã nhận trong giai đoạn sóng gió vừa qua”, bà Lam đánh giá.