Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản “Nếu… thì” – suy ngẫm từ dịch corona

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kịch bản “Nếu… thì” – suy ngẫm từ dịch corona

Vũ Tuấn Anh(*)

(TBKTSG) – Năm 2002 tôi làm việc tại Công ty Coats Phong Phú. Ngày đầu tiên tôi rất lạ khi công ty có quy định các lãnh đạo quan trọng trong công ty không bao giờ đi chung một xe hoặc bay cùng một chuyến bay. Doanh nghiệp nước ngoài luôn luôn có những kịch bản Nếu… thì (What… if) để phân tích và phòng tránh rủi ro.

Khả năng tai nạn cùng lúc đối với tất cả các lãnh đạo quan trọng trong một tổ chức là rất nhỏ nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Tương tự, việc vận hành doanh nghiệp hay tổ chức không thể tránh khỏi những rủi ro, vấn đề là người lãnh đạo cần phải tiến hành phân tích để hạn chế tối đa những tổn thất. Trong trường hợp nói trên, nếu như tai nạn xảy ra thì ít nhất vẫn còn 50% số lãnh đạo chủ chốt vận hành doanh nghiệp.

Dịch bệnh do corona bộc lộ những điểm yếu trong quản trị của Trung Quốc

GDP quí I ảnh hưởng tiêu cực do corona

Thành phố Nha Trang đang đối diện với tình trạng vắng khách du lịch do khách Trung Quốc chiếm tới hơn 70% lượng khách quốc tế của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua. Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona là một kịch bản tồi tệ cho ngành du lịch Nha Trang với khả năng xảy ra vô cùng nhỏ nếu như nhìn từ quá khứ.

Theo tôi, ngành du lịch Nha Trang có thể đã không lên kịch bản Nếu… thì cho nguồn khách để phòng tránh rủi ro. Nếu nhận thức về sự phụ thuộc vào một nguồn khách trong quá khứ thì Nha Trang sẽ có các kế hoạch để đa dạng nguồn khách để không bị khủng hoảng như hiện tại.

Kịch bản Nếu… thì cho phép chúng ta liên hệ giữa các tình huống rủi ro với nguồn lực hiện tại nhằm có những lựa chọn hành động phù hợp nhất.

Một ví dụ khác của Nếu… thì là mô hình kinh doanh nhà hàng trong thời gian gần đây. Trong quá khứ, các mô hình kinh doanh nhà hàng đều phải đầu tư rất nhiều cho chi phí mặt bằng trong siêu thị, tòa nhà hoặc mặt tiền để tiếp cận khách hàng.

Trong năm 2019, chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của chuỗi nhà hàng Món Huế cũng như khá nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực gặp khó khăn do mô hình kinh doanh đã chuyển sang dạng giao thức ăn nhanh dựa trên các nền tảng ứng dụng xe công nghệ.

Trong trường hợp này, thông qua các tiếp cận Nếu… thì, có lẽ các chủ nhà hàng truyền thống đã có thể xác định mô hình kinh doanh của mình cần có những thay đổi gì.

Một ví dụ tốt cho cách tiếp cận Nếu… thì là việc TPHCM quyết định toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học thêm một tuần trong các kịch bản phòng chống dịch corona. Giả sử trường hợp xấu, nếu như một trường học có 2.000 học sinh mà xuất hiện dịch corona thì thành phố có thể phải cách ly 2.000 học sinh cùng 2.000 gia đình.

Số lượng người cách ly sẽ nhanh chóng lên tới gần 10.000 người chỉ cho một trường học xuất hiện dịch corona. Hơn nữa, dịch corona đang trong giai đoạn bùng phát toàn thế giới với số lượng người tử vong và mắc bệnh nhanh chóng tăng từng ngày. Quyết định ngưng học tập một tuần giúp cho TPHCM có thời gian quan sát và từ đó ra các quyết định đúng đắn trước đại dịch này.

What… if / Nếu… thì là một phương pháp đơn giản về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp và cuộc sống. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này qua bốn bước:

1. Xác định các kịch bản: Mục tiêu bước đầu tiên rất quan trọng nhằm xác định càng nhiều càng tốt các kịch bản có thể xảy ra. Tại bước này, chúng ta cần tập trung suy nghĩ những kịch bản khó có thể xảy ra nhất trên thực tế vì những kịch bản này nếu xảy ra sẽ gây những rủi ro lớn cho kinh doanh và cuộc sống. Ví dụ, kịch bản đại dịch tại Trung Quốc sẽ bị nhiều người làm du lịch ở Nha Trang phản đối trong quá khứ, bởi vì theo họ, nó rất ít có khả năng xảy ra.

2. Xác định mức độ rủi ro tối đa: Dựa trên các kịch bản, mức độ rủi ro sẽ được tính toán. Rõ ràng, mức độ rủi ro rất cao trong trường hợp một trường học có học sinh nhiễm virus corona, vì khi đó sẽ có hàng ngàn người có thể bị cách ly mà chỉ vì duy nhất một trường hợp nhiễm virus corona.

3. Xác định nguồn lực cần thiết để xử lý: Từ mức độ rủi ro cao nhất, các nguồn lực cần thiết để xử lý sẽ được tính toán. Quan trọng nhất là nguồn lực cần thiết này sẽ được cân đối với nguồn lực hiện có của chúng ta để từ đó ra quyết định chọn lựa hành động như thế nào trên thực tế. Trong trường hợp một địa phương, ví dụ như TPHCM, cho học sinh tạm nghỉ học, các nguồn lực được đánh giá đó là số giường bệnh, số lượng bác sĩ, y tá, số lượng trang thiết bị y tế có thể đáp ứng tối đa bao nhiêu bệnh nhân nhiễm virus corona cùng một lúc tại thành phố.

4. Ra quyết định thực thi: Dựa trên nguồn lực có thể huy động được đề cập trong bước 3 cũng như mức độ rủi ro nhằm lựa chọn các biện pháp cụ thể, địa phương nêu trong ví dụ là TPHCM đã đi tới quyết định mà theo tôi là đúng và kịp thời, đó là cho sinh viên và học sinh nghỉ học thêm một tuần.

Rủi ro luôn tồn tại trong vận hành doanh nghiệp cũng như trong cuộc sống. Lãnh đạo một doanh nghiệp cần nhận diện tất cả các rủi ro có thể xảy ra. Kịch bản Nếu… thì cho phép chúng ta liên hệ giữa các tình huống rủi ro với nguồn lực hiện tại nhằm có những lựa chọn hành động phù hợp nhất.

(*) Chuyên gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới