Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản thuế quan sắp tới của Mỹ tác động đến tăng trưởng của ASEAN ra sao?

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, vòng xoáy căng thẳng mới dự báo diễn ra giữa Mỹ với Trung Quốc có thể dẫn đến những thách thức đối với các nền kinh tế ASEAN.

Theo các chuyên gia, dù chiến lược Trung Quốc + 1 thúc đẩy các công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng điều này sẽ không diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, nếu chính quyền mới của Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa toàn cầu, tăng trưởng của ASEAN sẽ đối mặt khó khăn.

Cảng container Laem Chabang ở tỉnh Chonburi, Thái Lan. Sau Việt Nam, Thái Lan sẽ là nước bị ảnh hưởng lớn thứ hai trong khối ASEAN nếu Mỹ áp thuế 10-20% đối với hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Xinhua

Thuế mới của Mỹ sẽ kìm hãm tăng trưởng của ASEAN

Trong chiến dịch tranh cử, vị ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đề xuất áp thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 10-20% nhằm vào hàng hóa của tất cả đối tác thương mại còn lại.

Các chuyên gia nhận định, kịch bản thuế quan này có thể nắn lại dòng chảy thương mại và đầu tư theo hướng tăng tốc chuyển dịch sang khu vực ASEAN.

Giả định chính quyền mới của Mỹ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 1-2025 sau khi ông Trump nhậm chức, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể mất mát 1 điểm phần trăm, theo nhận định của Lavanya Venkateswaran, nhà kinh tế cao cấp i63 ngân hàng OCBC (Singapore).

Trong kịch bản như vậy, tăng trưởng của ASEAN - 6 (Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Việt Nam) dự kiến không bị ảnh hưởng đáng kể và các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục hưởng lợi nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

“Nếu Mỹ chỉ áp thuế 60% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, chúng tôi kỳ vọng ASEAN sẽ được hưởng lợi khi chiến lược “Trung Quốc + 1” tiếp tục diễn ra như những năm qua”, Venkateswaran nói.

Tuy nhiên, thuế quan không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN.

Goh Puay Guan, giáo sư ở Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore (NUS), ngoài những tính toán liên quan đến địa chính trị, các yếu tố kinh tế vĩ mô khác cũng thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc + 1”. Chẳng hạn, tầng lớp trung lưu và lực lượng lao động ở ASEAN đang tăng, trong khi đó, chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tốn kém.

Vị giáo sư lưu ý, chiến lược này tăng tốc kể từ đại dịch Covid-19. Không chỉ các công ty toàn cầu mà cả các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực ASEAN để thâm nhập vào các thị trường mới, đề phòng rủi ro bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, nếu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump vừa tung đòn thuế 60% vào Trung Quốc vừa áp thuế 10-20% đối với tất cả đối tác thương mại còn lại, tăng trưởng của ASEAN có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong trường hợp đó, tăng trưởng của ASEAN trong năm 2025 dự kiến thấp hơn lần lượt 0,7 và 1,3 điểm phần trăm (tùy vào mức áp thuế 10% hay 20% của Mỹ) so với kịch bản dự báo trung tâm của OCBC.

Áp lực cho Việt Nam khi thặng dư thương mại với Mỹ cao

Trong số các nền kinh tế ASEAN-6, Việt Nam dự kiến dễ bị tổn thương nhất. Lý do là thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong khối ASEAN chiếm gần 30%, theo Lavanya Venkateswaran của ngân hàng OCBC.

Chua Hak Bin, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô ASEAN của ngân hàng Maybank lưu ý, các mức thuế mới theo dự kiến của Mỹ có thể kích hoạt làn sóng đưa hoạt động sản xuất về nước này. Điều này dẫn đến sự kìm hãm dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN.

“Ông Trump đã cam kết ngăn chặn các hành vi né thuế và chuyển hướng thương mại. Điều đó có thể gây tổn thất ngoài dự kiến cho ASEAN và không khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất vào khu vực này”, Chua Hak Bin nói.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đến Việt Nam và các nước ASEAN để lập nhà máy. Mục đích chính là để né các mức thuế cao hơn áp vào hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Các nhà quan sát thị trường khác nhận định, chính quyền mới của Mỹ có thể tăng thuế hoặc áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với Việt Nam để giảm tình trạng mất cân đối thương mại và khuyến khích các công ty chuyển sản xuất đến Mỹ.

Kể từ khi cuộc chiến thương Mỹ-Trung diễn ra năm 2018 cho đến năm 2023, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng hơn gấp đôi lên mức 104 tỉ đô la Mỹ.

Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của nhân hàng Goldman Sachs cho biết, một số nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Ông giải thích, điều này phản ánh “vị trí đặc quyền” của Hàn Quốc và Đài Loan chuỗi cung ứng bán dẫn, trong khi Việt Nam hưởng lợi nhờ sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc.

Nhà kinh tế trưởng này cảnh báo, chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump có thể tìm cách tăng thuế đối với các nền kinh tế châu Á này để chấn chính tình trạng mất cân đối thương mại.

Báo cáo của Allianz Research dự báo, ông Donald Trump sẽ triển khai chính sách thuế nhập khẩu mới vào quí 2-2025 nhưng sẽ áp dụng cách tăng thuế dần dần.

Nếu một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên mức 60% đối với hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và 20% đối với hàng hóa từ các nước khác, các nhà phân tích của Allianz Research cho rằng, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn nhất trong số các nước ASEAN do mất mát xuất khẩu. Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines sẽ là những nước bị ảnh hưởng tiếp theo.

Theo Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, nếu chính quyền mới của Mỹ áp thuế 10% lên hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu của Thái Lan sẽ suy yếu.

Mặt khác, mức thuế 60% mà Mỹ có dự kiến áp lên hàng hóa Trung Quốc trong thời gian tới có thể các nhà sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ sang Thái Lan, gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước.

Giáo sư Goh Puay Guan của Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore (NUS) cho rằng, xu hướng đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong dài hạn là điều rõ ràng. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng sẽ mất thời gian để thích ứng vì chi phí sẽ rất lớn nếu các công ty vội vã dịch chuyển hoạt động sản xuất và xuất khẩu khỏi Trung Quốc.

Theo Goh Puay Guan, các nền kinh tế ASEAN đang đứng trước áp lực nâng cấp cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản xuất ngày càng tăng.

Theo Business Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới