Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kim loại giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2008

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường kim loại cơ bản gồm đồng, chì, nickel, thiếc, nhôm và kẽm vừa có quí giảm giá nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và nỗi lo nền kinh tế thế giới suy thoái tăng dần.

Giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London trong quí 2 giảm đến 19%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ tháng 3-2020. Ảnh: Getty

Tính đến hôm qua (30-6), chỉ số sàn giao dịch kim loại London (Anh) giảm 25% so với cuối tháng 3. Thiếc là kim loại giảm giá mạnh nhất trong quí 2 với mức giảm 38%, giá nhôm giảm gần 33% và giá đồng giảm 20%. Với mức giảm giá sâu như thế này, thị trường kim loại cơ bản bị xóa sạch thành quả tăng giá kể từ sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Trong tháng 6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng nhờ các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 được nới lỏng. Đây là lần tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 2-2022 nhưng sự cải thiện của chỉ số này khá khiêm tốn.

Trong khi đó, cơn suy thoái của thị trường bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục kìm hãm nhu cầu kim loại. Chính sách “zero-Covid” của Bắc Kinh vẫn được duy trì, đồng nghĩa với việc các thành phố của Trung Quốc vẫn còn đối mặt với nguy cơ bị phong tỏa trở lại nếu số ca nhiễm tăng lên.

“Dưới tác động của chính sách ‘zero Covid’, sự suy thoái của thị trường bất động sản và niềm tin ở người tiêu dùng suy giảm, nhu cầu kim loại của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua”, các nhà phân tích của Công ty BMO Capital Markets nói.

Rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ, thậm chí là với nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường kim loại. Dữ liệu gần đây cho thấy, các hoạt động kinh doanh ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy yếu rõ rệt vào cuối quí 2 này.

Tại diễn đàn thường niên của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) diễn ra ở Bồ Đào Nha từ ngày 27 đến 29-6, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) và các chủ ngân hàng trung ương lớn khác đã cảnh báo, thế giới đang chuyển sang chu kỳ lạm phát cao hơn. Các nền kinh tế lớn ở thế giới phương Tây đang hướng tới cơn suy thoái tiềm tàng có thể làm giảm hoạt động xây dựng và đe dọa nhu cầu kim loại.

Trong một báo cáo được công bố tuần trước, các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, bức tranh kinh tế vĩ mô đang xấu đi đối với thị trường kim loại khi các ngân hàng trung ương quyết liệt chống các mức lạm phát đang leo thang. Trong khi đó, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc cũng tiếp tục làm giảm nhu cầu kim loại đồng, loại kim loại quan trọng đối với ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo.

Nhu cầu đồng được coi là thước đo sức khỏe kinh tế vì kim loại này được sử dụng trong mọi thứ, từ thiết bị gia dụng đến xe điện. Trong phiên giao dịch sáng 30-6, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,2%, về mức 8.254,25 đô la/tấn. Trong quí này, giá đồng giảm đến 19%, đánh dấu quí giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 3-2020.

Đầu năm nay, giá đồng ở mức khoảng 9.800 đô la Mỹ/ tấn và tăng lên mức trên 10.400 đô la/ tấn vào đầu tháng 3 do thị trường lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.

Giá đồng giảm mạnh vì các nhà đầu tư lo ngại xu hướng tăng lãi suất nhanh chóng của các ngân hàng trung ương làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu kim loại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy triển vọng nhu cầu không chắc chắn do chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.

“Fed đang thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ. Vì vậy, chi phí nắm giữ đồng ngày càng tốn kém” Tom Price, nhà phân tích của Công ty Liberum, nói.

Phát biểu trước Ủy ban ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jay Powell thừa nhận kế hoạch tăng mạnh lãi suất trong trong năm nay có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Thông điệp cảnh báo đó đã khiến thị trường kim loại chao đảo và giảm giá đồng loạt từ đồng cho đến nhôm.

Tom Price cho biết, nhiều nhà đầu tư mua đồng vì tin rằng đồng sẽ tăng giá trong dài hạn vì thiếu các dự án mỏ đồng mới và nhu cầu tăng cao từ ngành công nghiệp xe điện. Ông nói, dòng vốn đầu tư mạnh mẽ giúp giá đồng tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vào năm 2020 nhưng giờ đây, “mọi thứ đang thay đổi”.

Đà giảm giá của các kim loại cơ bản cũng lan sang lĩnh vực khai khoáng, với cổ phiếu của một số nhà sản xuất khai thác quặng sắt và đồng hàng đầu thế giới như Rio Tinto và Anglo American giảm mạnh trong tháng này.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới