Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế bi quan hay lạc quan: cảm giác và con số

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong khi rất nhiều doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho thấy bi quan với nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 thì các số liệu cho thấy một chiều hướng khác...

Việc khan hiếm đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp bi quan trong các tháng còn lại của năm 2023. Ảnh: LÊ VŨ

Theo một báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), có khoảng 82% trong số gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát cảm thấy bi quan trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong khi đó, số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng khả quan hơn trong những tháng vừa qua. Ngoài ra, kinh tế thế giới cũng được dự báo khởi sắc hơn trong nửa năm còn lại. Vậy thì triển vọng kinh tế tốt hay xấu dựa vào cảm giác hay con số?

Bối cảnh trong nước

Theo báo cáo khảo sát của Ban IV, 81,4% doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số các nguyên nhân gây ra khó khăn, theo thứ tự từ cao đến thấp là đơn hàng, tiếp cận vốn vay, thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cho thấy tình hình đã cải thiện theo thời gian từ đầu năm đến nay. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tháng 5-2023 ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho cả năm tháng đầu năm, 49 địa phương có chỉ số IIP tăng trên 10% và 14 địa phương bị giảm.

Các doanh nghiệp cần đưa ra các nhận định và quyết định dựa trên dữ liệu, với điều kiện chất lượng đầu vào của các dữ liệu phải đáng tin cậy.

Ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu, số liệu tháng 5 và năm tháng đầu năm cho thấy riêng tháng 5 xuất siêu 2,24 tỉ đô la Mỹ, kết quả năm tháng đầu năm 2023 xuất siêu 9,8 tỉ đô la Mỹ.

Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới chững lại trong hai quí đầu năm nay. Các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc, và ASEAN.

Một chỉ số quan trọng khác của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng cho thấy tình hình được cải thiện dần qua các tháng gần đây. Điều này cho thấy mặc dù có một số hàng hóa và dịch vụ có sức tiêu thụ giảm nhưng đã được bù đắp lại bởi những mặt hàng khác, và về tổng giá trị cho thấy tình hình không đến mức bi quan như cảm nhận.

Bối cảnh quốc tế

Với khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng việc tăng lãi suất sau lần tăng vừa rồi thì thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp sẽ bắt đầu dễ thở hơn. Một số doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ cũng vừa tuyên bố cắt giảm nhân sự đợt cuối cùng.

Theo ước tính của Refinitiv (Reuters), tăng trưởng lợi nhuận của S&P 500 (YoY) qua quí 3-2023 sẽ thoát khỏi con số âm với mức tăng 1,7% và qua quí 4-2023 sẽ tăng 9,8%. Các quí sau đó của năm 2024 được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10-12%.

Những lo ngại về chuyện trần nợ công và vỡ nợ của Chính phủ Mỹ cũng đã dịu bớt khi một thỏa thuận cơ bản đã được thông qua và chờ biểu quyết ở Quốc hội. Nếu như trần nợ công được nâng lên hay thêm một lần hoãn thực hiện quy định trần nợ công thì chi tiêu của Chính phủ Mỹ cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng năm nay.

Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc cũng là nền kinh tế có ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam thông qua cán cân thương mại hai chiều. Mặc dù kinh tế Trung Quốc có phần chậm lại những tháng gần đây nhưng không gian về chính sách tiền tệ, tài khóa của Trung Quốc còn rất rộng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng quanh mức 5% trong năm 2023. Nếu như hai quí đầu năm bị chững lại thì hai quí cuối năm sẽ có thêm nhiều cú hích từ Chính phủ Trung Quốc.

Các nền kinh tế khác có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam như EU, Nhật Bản thì các khó khăn cũng không quá lo ngại. Lạm phát ở châu Âu đã chững lại và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ phải sớm dừng việc tăng lãi suất như Fed. Mặc dù Đức không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở EU nhưng việc Đức rơi vào suy thoái trên lý thuyết gần đây (tăng trưởng GDP âm hai quí liên tục) cũng dấy lên một số quan ngại.

Tuy nhiên, các chỉ số đầu tư của Đức lại cho thấy có tăng trưởng gần đây, một sự chuẩn bị cho tăng trưởng trong những quí sắp tới.

Nhật Bản vẫn tiếp tục với chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế nên thị trường chứng khoán đã có những bước nhảy vọt, chỉ số Nikkei trở về đỉnh cao năm 1990. Các doanh nghiệp Nhật Bản thu hút được một dòng vốn lớn, tạo một nguồn lực đáng kể cho đầu tư. Việc đồng yen giảm giá cũng là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu của Nhật Bản, góp phần vào tăng trưởng của nước này.

Cảm giác và con số

Ngày nay, việc ra quyết định dựa trên các con số/dữ liệu (data-driven) ngày càng phổ biến và quan trọng. Các cảm nhận hay đánh giá có thể bị thiên kiến (biased) vì thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng của số đông xung quanh.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho thấy bi quan với nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 thì các số liệu cho thấy một chiều hướng khác.

Nếu các doanh nghiệp đưa ra các nhận định dựa trên các số liệu thì đây là một câu hỏi lớn về chất lượng cũng như nguồn số liệu hoặc khả năng phân tích, sử dụng số liệu của doanh nghiệp.

Tuy vậy, cảm nhận (sentiment) về thị trường, về nền kinh tế chỉ phản ánh ở thời điểm trả lời nên cũng có thể thay đổi khi các số liệu được cập nhật. Điều đáng quan ngại là tâm lý số đông và sự lây lan.

Chẳng hạn một doanh nghiệp “nghe nói” khó khăn, đọc một mẩu tin tức nói về kinh tế khó khăn, hay khó khăn chỉ là vấn đề riêng của doanh nghiệp mà cho rằng đó là khó khăn chung thì số đông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vì nỗi lo sợ.

Vì vậy, sự minh bạch, đầy đủ, kịp thời về số liệu thống kê kinh tế là một yếu tố rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần đưa ra các nhận định và quyết định dựa trên dữ liệu, với điều kiện chất lượng đầu vào của các dữ liệu phải đáng tin cậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới