Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế châu Á đứng trước thử thách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế châu Á đứng trước thử thách

Giá lương thực thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng 23,3% -Ảnh: AFP

(TBKTSG Online)- Các nước châu Á đang đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong hoàn cảnh giá dầu liên tục leo thang và đồng đô la Mỹ ngày càng yếu.

“Chúng ta đang chứng kiến áp lực của lạm phát ngày càng gia tăng khắp châu Á và trở thành thử thách lớn đối với các nền kinh tế ở châu lục vốn đang chịu nhiều rủi ro từ sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ”, ông Yiping Huang, Giám đốc điều hành – Trưởng bộ phận kinh tế và phân tích thị trường khu vực châu Á của Tập đoàn tài chính Citibank nhận định.

Nhật Bản, Trung Quốc và một số nền kinh tế hướng vào xuất khẩu khác đang chịu nhiều tổn thất khi mà đồng đô la Mỹ, đồng tiền của bạn hàng lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu châu Á, mất giá từng ngày. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, một đô la Mỹ không bằng 100 yên và chỉ ăn 7,1 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Ông Tatsushi Shikano, nhà kinh tế học cấp cao của công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Securities, Tokyo nhận định: “Đồng yên tăng giá, lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản giảm và chứng khoán thì mất giá”. Tập đoàn sản xuất xe lớn nhất Nhật Bản, Toyota, vừa cho hay lợi nhuận của họ trong năm nay sẽ giảm khoảng 35 tỉ yên (tương đương 350 triệu đô la Mỹ).

Có lẽ chưa bao giờ các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải gánh chịu mức chi phí tăng cao như hiện nay khi mà đồng nhân dân tệ tăng đến 16,5% so với đô la Mỹ. Các nhà sản xuất hàng hóa giá rẻ để bán vào thị trường Mỹ như đồ trang trí nội thất, đồ chơi trẻ em, giày dép… phải sa thải hàng ngàn nhân công. Các nhà máy và các xí nghiệp sản xuất thép cũng lâm vào túng quẫn khi mà giá than, giá quặng sắt và các nguyên liệu khác tăng cao.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming tuần trước đã cảnh báo, tăng trưởng xuất khẩu của Trung quốc sẽ chậm lại nếu như đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá so với đồng đô la Mỹ.

Sự gia tăng chi phí đang đe dọa mọi nỗ lực kiềm chế lạm phát. Vào tháng 2-2008, tỷ lệ lạm phát của nước này đã ở mức 8,7%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Giá lương thực thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng 23,3% và trở thành thảm họa đối với đại bộ phận dân nghèo.

Với tình hình như hiện nay, người tiêu dùng sẽ đối mặt với sự gia tăng đồng loạt các loại chi phí sinh hoạt.

Theo kinh tế gia Peter Morgan thuộc HSBC thì Hong Kong, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka đang đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng vì chi phí năng lượng ngày càng cao. Các nhà nhập khẩu châu Á phải chi nhiều tiền hơn để mua dầu, vàng và các hàng hóa khác nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đang gia tăng.

Hàn Quốc, một quốc gia nghèo tài nguyên, đang đối mặt với cú sốc dầu thô vì đồng won nước này đã rơi đến mức thấp nhất trong 26 tháng qua so với đồng đô la Mỹ trong khi họ phải mua dầu bằng đồng đô la.

“Trong tình hình này, nền kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt với hai vấn đề khá trầm trọng là kinh tế trì trệ và lạm phát”,  Kang Dae-chang, nhà kinh tế thuộc Hyundai Research Institute nhận định.

Từ tháng 4-2008, các hãng hàng không Nhật Bản sẽ tăng thêm 42 đô la Mỹ phí nhiên liệu vào giá vé đối với mỗi hành khách.

PTT PCL, công ty dầu nhà nước lớn nhất Thái Lan, đã yêu cầu Chính phủ nước này cắt giảm lượng dự trữ nhiên liệu bắt buộc từ số lượng cho 30 ngày xuống còn 18 ngày vì sử dụng lượng nhiên liệu đã mua trước đó sẽ giảm được phần nào áp lực về giá.

Nông dân, các nhà khai khoáng, các công ty khai thác dầu là những đối tượng có thể thu nhiều lợi nhuận khi giá cả hàng hóa tăng vọt. Thế nhưng, phần lớn nền kinh tế châu Á lại phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu và ngay cả nước xuất khẩu dầu như Malaysia, việc giá dầu tăng cũng đang gây khó khăn cho nền kinh tế.

Jeff Brown, Giám đốc điều hành của FACTS Global Energy, Singapore cho biết, Malaysia đang trợ cấp cho giá xăng bán lẻ, vì vậy giá dầu thô tăng cao sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách. Ông ta nhấn mạnh rằng Malaysia là nước xuất khẩu máy tính cá nhân, chip và các sản phẩm công nghệ khác sang Mỹ và châu Âu, những thị trường mà nhu cầu tiêu dùng đang sụt giảm khi chi phí năng lượng trở nên đắt đỏ.

MỸ HẠNH (Theo AP)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới