Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế khó khăn, Big Tech của Trung Quốc cắt giảm đầu tư

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng số giao dịch đầu tư của những tập đoàn công nghệ khổng lồ (Big Tech) Trung Quốc gồm Alibaba, Tencent và Baidu giảm gần 40% trong năm 2023, theo dữ liệu của hãng tư vấn ITJuzi. Những tập đoàn này cắt giảm sâu đầu tư bên ngoài trong bối cảnh kinh tế trong nước trì trệ, những trở ngại về quy định quản lý và căng thẳng địa chính trị.

Trụ sở của Tencent ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Tencent ký kết 39 hợp đồng đầu tư với 37 công ty vào năm ngoái, giảm mạnh so với con số 299 và 95 giao dịch đầu tư mà tập đoàn thực hiện lần lượt vào năm 2021 và 2022. Ảnh: SCMP

Dữ liệu của ITJuzi cho thấy, tổng số thương vụ đầu tư do Alibaba, Tencent và Baidu thực hiện, giảm sâu gần 40%, xuống còn 102 vào năm 2022. Tencent, vốn nắm quyền kiểm soát rộng rãi trong lĩnh vực internet của Trung Quốc, có mức giảm giao dịch đầu tư lớn nhất. Tập đoàn truyền thông xã hội và trò chơi điện tử này ký kết 39 hợp đồng đầu tư với 37 công ty vào năm ngoái, giảm mạnh so với con số 299 và 95 giao dịch đầu tư mà tập đoàn thực hiện lần lượt vào năm 2021 và 2022.

Công ty tìm kiếm trên web và trí tuệ nhân tạo (AI) Baidu tham gia vào 24 thương vụ đầu tư vào năm ngoái, giảm so với 52 thương vụ năm 2021. Người khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tham gia 39 thương vụ, giảm so với 91 thương vụ vào năm 2021, theo ITJuzi.

2021 là một năm bước ngoặt đối với các công ty internet Trung Quốc, khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch hạn chế “sự mở rộng vốn một cách vô trật tự”. Giữa một loạt các động thái thắt chặt quản lý, các công ty internet hàng đầu của đất nước, có quy mô thị trường từng ngang bằng với các đối tác Mỹ, hầu như ngừng mở rộng.

Các khoản đầu tư của Tencent năm ngoái chủ yếu liên quan đến dịch vụ doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe và trò chơi điện tử. Các công ty sản xuất tiên tiến là lựa chọn hàng đầu của Alibaba, với tám thương vụ đầu tư liên quan do Alibaba và các công ty con thực hiện trong năm ngoái.

Alibaba, công ty đang chịu áp lực cho nhu cầu tiêu dùng yếu ớt tại quê nhà, thực hiện bốn thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử, với ba trong số đó ở bên ngoài Trung Quốc.

AI là một lĩnh vực đầu tư được các Big Tech của Trung Quốc yêu thích vào năm ngoái, khi họ chạy đua xây dựng và quảng bá các phiên bản cạnh tranh với với ChatGPT của OpenAI. Tencent và Alibaba lần lượt đầu tư bảy và bốn công ty khởi nghiệp AI đang phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), công nghệ hỗ trợ các chatbot như ChatGPT, có thể hiểu các câu hỏi phức tạp và đưa ra phản hồi giống con người.

Năm ngoái, Học viện Damo, đơn vị nghiên cứu nội bộ của Alibaba, cũng thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu để tuyển dụng hơn một trăm ứng viên sau tiến sĩ làm việc trong các lĩnh vực tiên tiến, bao gồm AI và bán dẫn.

Các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc thậm chí còn đầu tư ít hơn. ByteDance, chủ sở hữu TikTok, chỉ thực hiện năm thương vụ đầu tư bên ngoài vào năm ngoái, trong khi nền tảng mua sắm trực tuyến JD.com chỉ tiến hành hai thương vụ.

Thương vụ lớn nhất của ByteDance vào năm 2023 là khoản đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ vào Tokopedia, công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia. Thương vụ này cho phép TikTok khởi động lại hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến tại địa phương sau khi các cơ quan quản lý Indonesia cấm tích hợp tính năng mua sắm TikTok Shop vào ứng dụng TikTok.

Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu xét theo số lượng đầu tư, với 82 thương vụ thực hiện trong năm 2023. Hồi tháng 12, Xiaomi, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã ra mắt mẫu xe điện đầu tiên, có tên gọi SU7, được thiết kế để cạnh tranh với những đối thủ như Tesla và Porsche tại thị trường ô tô đang cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc. Cũng trong tháng đó, Xiaomi rót tiền vào ba công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ô tô và vận tải, theo ITJuzi.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới