Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số TPHCM kỳ vọng vào lực đẩy từ Nghị quyết 98

Dũng Trần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với quy mô kinh tế lớn cùng đa dạng các loại hình dịch vụ, TPHCM đang được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc tối ưu hóa nền kinh tế số và xã hội số. Việc kỳ vọng lớn đi kèm với áp lực lớn bởi TPHCM vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế số từ thực tế. Do đó, việc sẵn sàng thí điểm những chính sách mới thông qua Nghị quyết 98 được xem là động lực giúp kinh tế số thành phố vượt qua những thách thức hiện nay để có vị thế phát triển tốt.

Đây là nhận định của các chuyên gia và đại diện nhiều cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp tại hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững”, diễn ra sáng 7-9. Các chuyên gia cho rằng việc nhận thức về kinh tế số ở nhiều nơi còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất; công cụ đo lường chỉ số phát triển kinh tế số chưa đầy đủ; chính sách và nguồn lực để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế số chưa nhiều.

Áp lực lớn cho đầu tàu kinh tế số

Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP; đến năm 2030 là 40%. Các chỉ tiêu của TPHCM cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%.

Mục tiêu chương trình chuyển đổi số của TPHCM là đến năm 2030 “TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”.

Do đó, từ năm năm 2021, lần đầu tiên thành phố đánh giá đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Đến năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%.

Tuy nhiên, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông TPHCM, cho rằng thành phố đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều sức ép cho kế hoạch phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa: DNCC

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhấn mạnh kinh tế số hiện là cơ hội cho các quốc gia để tạo ra động lực phát triển mới. Với mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP của cả nước và 40% GRDP của TPHCM vào năm 2030 nên không gian phát triển kinh tế số rất lớn. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế số đạt tăng trưởng khoảng 20% - gấp 3 lần tăng trưởng GDP.

“Vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế TPHCM ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp ICT, chuyển đổi số các ngành công nghiệp, quản trị số, giá trị hóa dữ liệu".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết, để đạt được mục tiêu trên, TPHCM không thể đi một mình mà phải hình thành không gian lực kéo liên kết vùng, hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của vùng.

Cụ thể, TPHCM với thế mạnh là dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm… cần kết hợp với các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có các khu công nghiệp có thể cạnh tranh trong lĩnh vực phần cứng. Bên cạnh đó, TPHCM có năng lực dẫn dắt chuyển đổi số vì thế cần xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng Đông Nam bộ.

Thiết lập danh mục thống nhất các tài nguyên dữ liệu công cộng cần thu thập; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng với Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng để thúc đẩy kết nối dữ liệu công cộng và các hệ thống kinh doanh liên quan; mở các bộ dữ liệu công khai cho xã hội.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Alex Phan, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng nền kinh tế số đang rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới nên có tính rủi ro, không bền vững và tính đột phá. Kinh tế số TPHCM có 2 điểm nghẽn là nguồn lực con người và tài chính. Do đó, chính sách phát triển kinh tế số phải nhìn nhận trên góc độ thị trường, trên cơ sở kinh tế số là nền kinh tế rất mới, rất nhiều rủi ro để tiếp cận một cách mềm mại hơn.

Để giải quyết những điểm nghẽn này, hiệp hội cũng đề xuất thành phố có chính sách thu hút thêm nhiều nhân tài, nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ, cũng như cần có nguồn quỹ để tài trợ cho các startup lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhiều hy vọng từ Nghị quyết 98

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cách làm là chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, từ đó tăng tốc để thúc đẩy các khâu còn lại. Đơn cử, doanh nghiệp đưa hàng hóa lên mạng bán online, khi cầu tăng thì kích thích làm dây chuyền sản xuất thay đổi theo. Cố gắng từng công đoạn chuyển sang online chứ không hy vọng chuyển ngay toàn bộ ngành sản xuất sang online, do máy móc đa số vẫn đời cũ, giá rẻ...

Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng có đưa chính sách và các cơ quan cần đưa ra lộ trình về phát triển kinh tế số. Giai đoạn đầu là thúc đẩy phát triển (cần khuyến khích thí điểm); tiếp theo là giai đoạn tiêu chuẩn hóa; giai đoạn nâng cao hiệu quả, quản lý giám sát, quản lý số...

TPHCM kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ tạo đông lực giúp kinh tế số vượt rào cản để phát triển. Ảnh: DNCC

Theo ông Lâm Đình Thắng, trong thời gian qua, TPHCM đang tràn đầy khát vọng lấy lại vị thế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình. Bằng chứng sống động nhất là sự chuẩn bị, đề xuất, tham gia trình Quốc hội và triển khai thực hiện sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Để hiện thực hoá khát vọng này, thành phố xác định nhiều giải pháp trong đó có những giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Riêng về kinh tế số, TPHCM đang thúc đẩy phát triển với nhiều giải pháp như lồng ghép các chỉ tiêu phát triển kinh tế số trong nghị quyết của Đảng bộ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố. TPHCM cũng đã tập trung phát triển hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực thủ tục hành chính, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…

Đề xuất cho phát triển kinh tế số TPHCM, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng thành phố cần thực hiện đánh giá, phân tích kinh tế số hàng năm để theo dõi phát hiện vấn đề và đề xuất, điều chỉnh giải pháp; xây dựng kịch bản phát triển kinh tế số tới 2025 và 2030 theo mục tiêu đã đặt ra để xem tính khả thi và đề xuất gói giải pháp phù hợp từng kịch bản; nghiên cứu kinh tế số và chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm của TPHCM.

Các chuyên gia cũng cho rằng TPHCM cần chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, dùng các khâu online để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn lại. Bất kỳ khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Tiếp đó, cần phổ cập hóa ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển. Các chuyên gia cho rằng AI đã trải qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng và cần một đội ngũ kỹ sư phần mềm tương ứng để triển khai.

Về việc hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng thành phố có một "cây gậy" mới là Nghị quyết 98, tinh thần từ đây cho phép thử nghiệm các cơ chế, chính sách (sandbox) mà đối với kinh tế số, kinh tế xanh thì những thử nghiệm rất quan trọng. Do đó, thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới