Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế số vẫn chờ đợi những cuộc chuyển mình

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bản báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á (phạm vị khảo sát tại 6 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam còn khá nhiều thách thức phải vượt qua để đạt đến mục tiêu vào năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% GDP.

Mạng di động 5G được cho là một yếu tố chúc đẩy phát triển kinh tế số. Ảnh: DNCC

Bản báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy, năm nay, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021 lên 23 tỉ đô la Mỹ, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển.

Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam và có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).

Phát biểu tại diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) diễn ra ngày 8-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, nghị quyết đại hội XIII của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nước ta phải tăng trưởng 7%/năm.

Theo ông, để đạt mục tiêu trên không đơn giản, phải tìm ra cái mới, còn dư địa tăng trưởng. Hiện nay nhiều người kỳ vọng vào chuyển đổi số, vào công nghiệp CNTT và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ mà không đi vào các “mũi nhọn” mới của thế giới, trong đó có CNTT thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP của Việt Nam (tỷ lệ hiện nay là 10%). Đây là một mục tiêu đầy thách thức, và để đạt được các mục tiêu nêu trên, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các kiến nghị, góp ý để cuộc chuyển đổi số trong nền kinh tế được thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ về sự phát triển của kinh tế số gắn với cơ sở hạ tầng số, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, hiện tại tại Việt Nam, kinh tế số mới đóng góp 10% GDP. Hạ tầng số Việt Nam tương đối tốt nhưng về chính sách và năng lực cạnh tranh mới ở giai đoạn tiềm năng. Do đó, ông Chính cho rằng Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng số. Chúng ta vẫn còn có những khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, do vậy cần có sự thay đổi chính sách nhanh hơn.

Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí cửa ngõ của Đông Nam châu Á. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng của mình. Hiện chúng ta mới có 8 tuyến cáp quang biển cập bờ, trong khi nếu muốn trở thành cổng kết nối số (digital hub) của khu vực, Việt Nam phải có nhiều tuyến cáp quang biển cập bờ hơn nữa.

Kiến nghị nhằm thúc đẩy hạ tầng điện toán đám mây, ông Chính cho rằng, Chính phủ cần coi hạ tầng số – hạ tầng Cloud như là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.

Cùng chung quan điểm với ông Chính, ông Lê Minh Hà, Giám đốc Giải pháp quốc tế, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, kiến nghị về chính sách tạo dựng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm công nghệ số nội địa. Theo ông, cơ quan chức năng cần tăng cường nhiều chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế với các bộ ngành trong và ngoài nước để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm công nghệ nội địa.

Với tư cách là một doanh nghiệp phát triển ví điện tử lớn, ông Nguyễn Bá Diệp một trong những người sáng lập MoMo cho biết, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách và hành lang pháp lý. Chính phủ nên đưa ra chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Ví dụ như miễn thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực công nghệ số 10 năm nhằm thu hút được nhân sự giỏi từ nước ngoài trở về đất nước.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số Việt Nam, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế. Còn nhiều bài toán phải giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia…

Theo ông Ngô Diên Hy, thị trường trong nước còn rất nhiều bài toán để giải, từ bài toán của Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số. Do đó, Việt Nam cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay xây dựng đất nước.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT – một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, chia sẻ rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành CNTT, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ông mong muốn Chính phủ tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp, bên cạnh đó thúc đẩy phá triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển các thương hiệu về chuyển đổi số Quốc gia.

Qua nhiều năm đơn vị của mình cung ứng dịch vụ tại nước ngoài, ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VMO Holdings, rút ra nhiều bài học và kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các trung tâm công nghệ của Việt Nam tại những thị trường lớn. Đây sẽ là các “đại bản doanh” giúp doanh nghiệp trong nước kết nối, khai thác thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Hách, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ ITG, cho biết gần đây công ty này đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ việc ghi nhận nhu cầu của hơn 1.000 khách hàng của đơn vị, cùng kinh nghiệm qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông kỳ vọng Chính phủ có thể ưu tiên cho các doanh nghiệp vay vốn cho hoạt động đầu tư phát triển về công nghệ số. Những doanh nghiệp công nghệ được vay vốn để nghiên cứu và phát triển (R&D) giải pháp, các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau thì được vay vốn để đầu tư trang thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất, quản trị kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới